Diễn đàn có chủ đề "Phát triển con người và công nghệ hướng tới một Việt Nam bao trùm số" nhằm thúc đẩy tầm nhìn bao trùm số: "Một Việt Nam số hóa, nơi công nghệ phục vụ cuộc sống của mọi người", đảm bảo không ai bị bỏ lại phía sau.
Sự kiện thu hút gần 200 đại biểu có mặt tại hội trường và hơn 350 đại biểu tham dự trực tuyến, đại diện cho các cơ quan chính phủ, bộ, ngành, tổ chức phi chính phủ, tổ chức xã hội, hiệp hội, doanh nghiệp, cơ quan nghiên cứu, trường đại học, công đoàn, cùng các chuyên gia quan tâm tham gia trực tuyến và trực tiếp tại sự kiện.
Tại diễn đàn, nhiều diễn giả nổi tiếng đã chia sẻ tầm nhìn về công nghệ và phát triển bền vững như ông Patrick Haverman, Phó Đại diện thường trú Chương trình Phát triển của Liên Hợp Quốc (UNDP) tại Việt Nam, chia sẻ tầm nhìn của UNDP về việc tăng cường cơ hội, tiếp cận cho các nhóm thiệt thòi, dễ bị tổn thương, và giảm bất bình đẳng qua công nghệ. PGS.TS Lê Hoàng Sơn, Phó Viện trưởng Viện Công nghệ thông tin, Đại học Quốc gia Hà Nội đã trình bày về vai trò của trí tuệ nhân tạo và khoa học dữ liệu trong việc thúc đẩy bao trùm số. Bà Ngô Thùy Anh, lãnh đạo khởi nghiệp và người được vinh danh Forbes Under 30, đã chia sẻ về sứ mệnh của công nghệ trong việc tạo ra cơ hội bình đẳng cho tất cả mọi người.
Bên cạnh đó, trong khuôn khổ diễn đàn, tại phiên thảo luận cấp cao, các chuyên gia từ cơ quan hoạch định chính sách, tổ chức quốc tế, tổ chức xã hội, giới học thuật và doanh nghiệp đã cùng trao đổi về cách thúc đẩy bao trùm số thông qua phát triển con người và công nghệ.
Cũng tại Diễn đàn, các bên đã cùng thảo luận những giải pháp thực tiễn về cách công nghệ trao quyền cho cộng đồng, giúp mọi người cùng hưởng lợi từ sự phát triển công nghệ.
Bên cạnh các dự án tiên phong thúc đẩy bao trùm số, Samsung Việt Nam đã chia sẻ cách doanh nghiệp thực hiện trách nhiệm xã hội tại Việt Nam thông qua các hoạt động CSR (trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp), tập trung vào việc trao quyền và truyền cảm hứng cho thế hệ tương lai, giúp họ biết cách khai thác và làm chủ công nghệ vì sự phát triển bền vững và phục vụ cộng đồng.
Ra mắt sáng kiến công nghệ bao trùm tại Diễn đàn Đa phương MSF 2024
Điểm nhấn quan trọng của Diễn đàn MSF 2024 là sự ra mắt Sáng kiến Công nghệ bao trùm (InclusiveTech Initiative) do NIC khởi xướng với sự đồng hành của Samsung Việt Nam và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.
Sáng kiến này thể hiện tinh thần phục vụ xã hội, với phương châm: "Công nghệ không chỉ phục vụ sự tiến bộ của một số ít mà còn mang lại giá trị cho cả cộng đồng". Mục tiêu chính là tạo cầu nối giữa những người sáng tạo công nghệ và các nhóm yếu thế, giúp họ hòa nhập và phát triển, từ đó, thúc đẩy một xã hội công bằng và bền vững thông qua các giải pháp sáng tạo.
Nền tảng chính của sáng kiến là một trang web chuyên dụng, được thiết kế như một không gian hợp tác và chia sẻ tri thức giữa các bên liên quan.
Trong khuôn khổ Sáng kiến, Giải thưởng "InclusiveTech for Social Innovation-Công nghệ bao trùm vì lợi ích xã hội" sẽ được tổ chức hằng năm để tôn vinh những tổ chức và cá nhân xuất sắc.
Giải thưởng này nhằm khuyến khích và lan tỏa những giải pháp công nghệ hòa nhập, thúc đẩy học hỏi và hợp tác đồng thời góp phần đạt được các mục tiêu xã hội mà Sáng kiến hướng tới.
Tại MSF 2024, lần đầu tiên Giải thưởng "InclusiveTech for Social Innovation" đã vinh danh 15 sáng kiến xuất sắc. Các sáng kiến này đã khai thác công nghệ để thu hẹp khoảng cách số, đồng thời gia tăng khả năng tiếp cận công nghệ cho các nhóm yếu thế và dễ tổn thương trong nhiều lĩnh vực. Những dự án nổi bật đã mở ra cơ hội tiếp cận công nghệ rộng rãi hơn, tạo tiền đề cho sự phát triển bền vững và hòa nhập.
Đánh giá cao chủ đề Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, theo nghiên cứu về nền kinh tế số của Việt Nam của Tập đoàn Google, dự báo đến năm 2030, giá trị tác động kinh tế hàng năm của công nghệ số tại Việt Nam có thể đạt đến 1.733 nghìn tỷ đồng (tương đương 74 tỷ USD).
Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu của Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số: đến năm 2030, sẽ phổ cập kỹ năng số cho mọi tầng lớp trong xã hội, tỉ lệ người dân trong độ tuổi lao động được đào tạo kỹ năng số cơ bản đạt trên 70% là một thách thức rất lớn; đặc biệt, đối với những nhóm dễ bị tổn thương.
Bên cạnh đó, để đảm bảo "thu hẹp khoảng cách số" cũng đang là một thách thức rất lớn trong bối cảnh công nghệ số đang phát triển rất mạnh. Những nhóm người dễ bị tổn thương đang đứng trước nguy cơ tụt hậu hơn về kỹ năng số trong đời sống và công việc.
Ông Phương tin tưởng Diễn đàn Đa phương 2024 sẽ góp phần mang đến một cái nhìn toàn diện về bao trùm số. Thông qua Diễn đàn MSP 2024, các tổ chức, cá nhân sẽ có thêm động lực cùng nhau hợp tác để xây dựng một tương lai số bao trùm, hướng tới hỗ trợ những người yếu thế và dễ bị tụt hậu về kỹ năng số trong xã hội.
Tổng Giám đốc Samsung Việt Nam Choi Joo Ho cho rằng, Việt Nam, với một tầm nhìn năng động và sáng tạo, đang nhanh chóng nắm bắt cơ hội để trở thành một quốc gia số hàng đầu. "Chiến lược chuyển đổi số của Việt Nam tập trung vào ba trụ cột chính là kinh tế số, Chính phủ số và xã hội số, hứa hẹn sẽ thay đổi nhiều khía cạnh của quốc gia", ông Choi Joo Ho nói.
Chuyển đổi số chỉ thực sự mang lại tiến bộ cho xã hội khi mọi người, đặc biệt là những cộng đồng dễ bị tổn thương, có thể tiếp cận và sử dụng công nghệ tiên tiến.
Bao trùm số là nền tảng để Việt Nam trở thành một quốc gia thịnh vượng, công bằng và bền vững và Samsung luôn ủng hộ những nỗ lực để hiện thực hóa tầm nhìn này, ông Choi Joo Ho khẳng định. "Tôi tin rằng, giá trị đích thực của công nghệ nằm ở khả năng trao quyền, truyền cảm hứng, kết nối con người và hiện thực hóa ước mơ của tất cả mọi người, không phân biệt xuất thân hay vị trí địa lý".
Nguyễn Đức
Link nội dung: https://dulichgiaitri.vn/dien-dan-da-phuong-msf-2024-lan-dau-tien-vinh-danh-sang-kien-cong-nghe-so-vi-nhom-yeu-the-a186706.html