Cuộc họp có sự tham dự của lãnh đạo Bộ Công Thương, Văn phòng Chính phủ, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), đại diện một số cục, vụ, đơn vị liên quan.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh, Nghị định phải rõ đối tượng, phạm vi điều chỉnh, bảo đảm cơ sở khoa học để khi ban hành có thể thực hiện công khai, minh bạch, không tạo cơ chế xin-cho, rõ trách nhiệm của các đối tượng liên quan, khuyến khích được doanh nghiệp, người dân đầu tư lắp đặt điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu.
Các đại biểu đã tập trung rà soát làm rõ hơn về thuật ngữ, kỹ thuật soạn thảo văn bản liên quan đến phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng; phương án quản lý việc lắp đặt điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu ở các mức công suất khác nhau; chính sách khuyến khích, ưu đãi tổ chức, cá nhân lắp đạt điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu để đầu tư thiết bị lưu trữ điện…
Theo đó, khái niệm điện mặt trời tự sản, tự tiêu không chỉ giới hạn của tổ chức, cá nhân tự lắp đặt để sử dụng mà còn có thể thuê, giao tổ chức, cá nhân khác lắp đặt, "nếu không mở rộng thì người dân, doanh nghiệp rất khó áp dụng".
Phó Thủ tướng cho rằng quy định về quy chuẩn, tiêu chuẩn về trang thiết bị, công trình lắp đặt điện mặt trời mái nhà cần chỉ rõ tuân theo tiêu chuẩn, quy chuẩn Việt Nam nào thay vì liệt kê tiêu chí định tính.
Dự thảo Nghị định nêu rõ, điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu không đấu nối lên lưới điện quốc gia được ưu tiên phát triển không giới hạn công suất.
Tuy nhiên, đối với trường hợp có đấu nối trên điện lưới quốc gia, Phó Thủ tướng đề nghị cơ quan soạn thảo chỉnh lý rõ ràng, dễ hiểu về nguyên tắc phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu theo 3 mức công suất dưới 100 kWh, từ 100 kWh đến dưới 1.000 kWh và trên 1.000 kWh.
Cụ thể, với mức công suất lắp đặt dưới 100 kWh thì tổ chức, cá nhân được phát triển không giới hạn, không phải xin phép mà chỉ cần bảo đảm an toàn thiết bị, phòng chống cháy nổ, an toàn công trình.
Mức công suất lắp đặt từ 100 kWh đến 1.000 kWh thì thực hiện theo phương thức hậu kiểm, và EVN chịu trách nhiệm triển khai các giải pháp kỹ thuật kiểm soát sản lượng điện dư phát lên lưới bảo đảm an toàn hệ thống.
Mức công suất từ 1.000 kWh trở lên thì thực hiện đầy đủ trình tự, thủ tục cấp giấy phép hoạt động điện lực.
Về thỏa thuận mua bán điện dư từ điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu, Phó Thủ tướng yêu cầu quy định rõ nội dung thỏa thuận, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân là bên bán, trách nhiệm của bên mua là EVN, thời gian xử lý.
Tổ chức, cá nhân đầu tư điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu không dùng hết sẽ được bán lên lưới không quá 20% công suất lắp đặt.
"Những trường hợp thực hiện mua bán điện mái nhà tự sản, tự tiêu giữa các tổ chức, cá nhân thì tuân thủ theo Nghị định quy định về Cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện năng lượng tái tạo và khách hàng sử dụng điện lớn (cơ chế DPPA)", Phó Thủ tướng nói.
Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương nghiên cứu, bổ sung cơ chế, chính sách khuyến khích, ưu đãi tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu, kèm theo thiết bị lưu trữ điện năng và được bán điện từ thiết bị lưu trữ lên điện lưới quốc gia không giới hạn ở mức 20%.
Bộ Công Thương rà soát quy hoạch điện lực trên phạm vi cả nước, từng vùng, từng khu vực làm cơ sở công bố cho người dân, doanh nghiệp khi thực hiện đầu tư điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu; bám sát tình hình phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu, đề xuất cấp có thẩm quyền điều chỉnh quy hoạch liên quan khi cần thiết.
Minh Khôi
Link nội dung: https://dulichgiaitri.vn/ra-soat-hoan-thien-truoc-khi-ban-hanh-nghi-dinh-ve-dien-mat-troi-mai-nha-a186853.html