Chẳng sao cả, chị chỉ ăn cho no bụng, nên cái vị lờ lợ mì chính của nước canh cùng những hạt cơm khô không khốc đã quá thân quen với chị rồi.
Đang chuẩn bị đi tắm, chị nhận được cuộc gọi của mẹ. Lạ quá, lâu rồi mẹ chị có gọi đâu. Chắc chắn là có chuyện gì không bình thường rồi. Chị bỗng thấy hơi lo lắng.
Mẹ chị không lòng vòng nhiều, bà vào thẳng vấn đề: “Có anh Toàn làm thợ xây mà có một đời vợ, đang nuôi đứa con gái 6 tuổi, nhà ở xóm dưới. Con có muốn lấy anh ấy không?”.
Chị điếng người với mở lời của mẹ. Bà nói nhanh, không lòng vòng và tắt máy ngay sau khi bảo chị suy nghĩ, như thể đang giấu tâm sự nào đó. Hoặc là để giấu không cho chị biết bà cũng thương chị rất nhiều.
Ngoài 30 tuổi, chị Hằng mới trở về quê hương sau một thời gian dài đi làm công nhân may ở khu công nghiệp trong miền Nam. Trước đó, chị từng có một mối tình sâu đậm với một anh đồng nghiệp. Nhưng rồi cuộc tình không đi tới đâu cả, bố mẹ chị không đồng ý cho chị lấy anh vì hai nhà cách nhau cả mấy trăm cây số. Buồn bã vì tan vỡ, chị bỏ lại chốn phồn hoa để về quê, mong tìm được hạnh phúc mới.
Hàng xóm láng giềng bảo chị là gái ế, đã qua thời xuân sắc. “Đàn ông người ta thích gái trẻ chứ ai dây vào đứa đã ngoài ba mươi. Mà tầm này vẫn chưa có ai lấy thì chắc chắn nó có vấn đề gì rồi”, “nghe nói bị thằng nào đá, chứ đang làm công nhân, kiếm ra tiền gửi về nuôi bố nuôi mẹ, tội gì bỏ hết để về quê chứ”... Những lời đàm tiếu cứ bủa vây chị. Người ta nói ra nói vào khiến chị sợ hãi tới mức không dám ra khỏi nhà, chứ chưa nói đến chuyện tìm kiếm cho mình một đối tượng để hẹn hò.
Nhưng ở nhà mãi cũng không ổn. Mà để xin được việc gần nhà cũng khó, vì tuổi chị đã quá quy định tuyển dụng của các công ty. Buồn bã, ăn uống thất thường, nhìn chị gầy rộc đi, mẹ chị vừa bực vừa thương, mắng con gái là vô tích sự. Rồi mấy ngày sau, chị gấp quần áo, bắt xe lên thành phố, thuê nhà trọ, làm nghề thu mua phế liệu. Cái nghề cần phải che kín mặt mũi cả ngày, sẽ giúp chị che đi được nỗi tủi hổ, nỗi đau của một người phụ nữ bị coi là ế.
Thấm thoắt, chị đã làm công việc này được nửa năm. Mỗi ngày, chị đạp xe đi thu mua phế liệu rồi mang về bãi tập kết. Ngày nào may mắn thì kiếm được vài trăm nghìn, còn hôm nào “ế” thì chỉ vài chục nghìn, vừa đủ mua một suất cơm hộp bình dân. Phòng trọ chỉ là nơi để chị tắm rửa và ngả mình sau một ngày dài mệt mỏi, lầm lũi. Bỗng dưng tháng này tiền nhà trọ tăng, lời đề nghị của mẹ làm chị dao động. “Hay thôi thử về rồi gặp người ta xem sao”, chị nghĩ.
Trước khi gặp anh Toàn, chị nghĩ anh là một người đàn ông gia trưởng, độc đoán, lười nhác và say xỉn. “Vì chỉ có như thế thì vợ mới bỏ”, chị bảo mẹ. Mẹ chị mắng con, “mày thì biết gì. Cứ gặp đi, nói chuyện bình thường. Nó hiền lắm”.
Chị gặp anh Toàn vào buổi tối, khi anh vừa xong buổi thợ về. “Công trình ngay xã bên nên tôi sáng đi tối về, không ngủ lại đó nữa”, anh bảo chị. Thấy anh đến, bố mẹ chị bảo nhau người xuống bếp, người sang hàng xóm để anh chị có không gian riêng tư nói chuyện. Sau khi giới thiệu về nhau, họ dành cho nhau sự im lặng. Bởi một người tan vỡ trong tình yêu, một người thất bại trong hôn nhân, lâu rồi họ không biết nói gì về hạnh phúc.
Cuối cùng, để phá đi sự im lặng đầy áp lực, anh Toàn chủ động đề nghị: “Nếu được, tôi muốn cưới Hằng về làm vợ, chăm lo cho con gái riêng của tôi. Công việc của tôi nay đây mai đó, có Hằng lo cơm nước, nhà cửa, con cái, tôi cũng yên tâm hơn. Tôi không hứa cho Hằng được giàu có, nhưng đủ ăn đủ mặc, đủ quan tâm thì tôi làm được”.
Sau khi nói một tràng dài, anh Toàn cầm cốc nước trà lên để tránh ánh mắt ngạc nhiên của chị Hằng. Chị nghĩ chắc anh ngại, anh không quen nói những lời đó. Từ sâu thẳm trong tâm hồn, chị tin lời anh nói là thật. Mà kể cả niềm tin của chị không có cơ sở, thì chị cũng muốn liều một lần, để xem hạnh phúc có mỉm cười với mình không. “Anh không chê em ế, em lỡ làng, thì em đồng ý”. Họ thành vợ chồng như thế.
Cô con gái của anh Toàn đã lâu thiếu tình thương của mẹ, nay được chị Hằng chăm lo cho bữa cơm, giấc ngủ, cái áo cái quần thì quý mẹ kế lắm. Một gia đình 3 người dần dần nhiều tiếng cười hơn, rộn rã hơn. Tưởng chừng hạnh phúc đã thực sự mỉm cười với chị Hằng thì không, bánh xe số phận vẫn quay để thử thách chị lần nữa. Trong một lần mải miết làm việc, không may anh Toàn bị ngã từ giàn giáo, phải nhập viện cấp cứu vì chấn thương sọ não.
Kinh tế trong nhà suy sụp hẳn vì phải đổ dồn vào lo cho anh. Lúc ấy, chị Hằng mới sinh con chưa được đầy năm. Vừa chăm chồng ốm, vừa lo cho 2 đứa con ở nhà, vừa chạy vạy cáng đáng tiền nong, chị già đi đến chục tuổi.
Như hiểu được nỗi khổ sở của vợ, khi bệnh tình đã đỡ hơn, có thể đi lại nhẹ nhàng, anh Toàn bàn với vợ sẽ bỏ nghề thợ xây. Chị biết đành phải thế, nhưng nếu bây giờ anh không đi làm trở lại, thì không biết một mình chị có lo nổi cho cái nhà này không nữa. Nhưng anh Toàn lại bảo thêm, rằng sẽ vay mượn ông bà đôi bên một ít, đủ để anh chị có vốn trồng cây ăn quả và nuôi gà bán. “Anh nghĩ rồi, cái này không tốn nhiều tiền, mà anh cũng có chút kinh nghiệm trồng cây. Thôi cứ thử xem sao, em đừng lo lắng quá!”.
Biết chuyện, bố mẹ chị Hằng cầm sổ đỏ, vay ngân hàng giúp hai vợ chồng chị có vốn làm ăn. Ngoài trồng cây ăn quả, nuôi gia cầm, chị Hằng mở thêm hàng may, ban đầu là sửa chữa quần áo, sau là nhận may đo cho người dân xung quanh. Ngày ngày, người ta đều thấy hai vợ chồng dậy từ rất sớm, chăm cây, cho gà ăn, rồi rảnh rỗi là thấy chị Hằng ngồi máy may sửa quần áo.
Trong ngôi nhà vẫn còn chồng chất nhiều khoản nợ, vẫn không hề vắng bóng tiếng cười. Đi học về, chị lớn thay bố mẹ trông em. Thời gian đã chữa lành nhiều thứ. Sức khỏe của anh Toàn khá hơn nhiều, dù tháng nào cũng phải tới bệnh viện để kiểm tra và lấy thuốc. Chị Hằng như được cởi bỏ áp lực, có da có thịt hơn.
Sự nỗ lực của họ cùng sự giúp sức của chính quyền, Hội phụ nữ địa phương đã giúp lứa quả đầu tiên, những con gà đầu tiên được tiêu thụ nhanh hơn. Không còn bị gọi là gái ế, chị Hằng giờ là cô thợ may được mọi người yêu thương và trân trọng.
Chị Hằng nhìn ra sân, thấy nắng đã về.
Link nội dung: https://dulichgiaitri.vn/nang-ve-a187018.html