Chuyển đổi xanh đang là xu hướng và mục tiêu toàn cầu. Tại Việt Nam, Chính phủ cũng đặt trọng tâm hướng tới Net Zero vào năm 2050, với sự vào cuộc mạnh mẽ của tổ chức, doanh nghiệp.
Đối với tỉnh Thái Nguyên, thực hiện Phương án bảo vệ môi trường và đa dạng sinh học; khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên; phòng, chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu trong Quy hoạch tỉnh Thái Nguyên thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và các nội dung của Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tỉnh đang triển khai nhiều giải pháp để thực hiện các nội dung, mục tiêu.
Theo đó, tỉnh Thái Nguyên đã ban hành Kế hoạch hành động tăng trưởng xanh tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021 - 2030 nhằm thực hiện có hiệu quả phương án bảo vệ môi trường và đa dạng sinh học; khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên; phòng, chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu, thực hiện mục tiêu tăng trưởng xanh của tỉnh Thái Nguyên, góp phần thực hiện mục tiêu chuyển đổi carbon thấp, đạt mức phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050. 3 mục tiêu mà Thái Nguyên tập trung thực hiện là: Xanh hóa các ngành kinh tế; xanh hóa lối sống và thúc đẩy tiêu dùng bền vững; xanh hóa quá trình chuyển đổi trên nguyên tắc bình đẳng, bao trùm, nâng cao năng lực chống chịu.
Doanh nghiệp tích cực tham gia hành trình chuyển đổi xanh
Theo Ban Quản lý các Khu công nghiệp (KCN) tỉnh Thái Nguyên, bắt đầu từ việc đầu tư, thực hiện công cuộc tăng trưởng xanh, tỉnh Thái Nguyên đã thu hút có chọn lọc và lựa chọn các dự án có quy mô lớn, sử dụng công nghệ sạch, tiên tiến, các sản phẩm có giá trị sản xuất cao, đặc biệt là các dự án đầu tư nước ngoài của Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc, Singapore, Hồng Kông (Trung Quốc)... để ưu tiên cấp phép đầu tư trong các khu công nghiệp (KCN). Cùng với đó là chú trọng xây dựng môi trường xanh trong các khu, cụm công nghiệp.
Năm 2023, hưởng ứng Chương trình trồng 1 tỷ cây xanh giai đoạn 2021 - 2025 theo thông điệp của Thủ tướng Chính phủ "Vì một Việt Nam xanh", thông qua Ban Quản lý các KCN tỉnh, các doanh nghiệp đăng ký trồng mới 6.600 cây xanh, con số này cao gấp 6 lần so với năm 2022.
Ông Lê Kim Phúc, Trưởng Ban Quản lý các KCN tỉnh cho biết: Ban Quản lý các KCN tỉnh đã chú trọng việc hướng dẫn các doanh nghiệp hoàn thiện hồ sơ pháp lý về bảo vệ môi trường; việc chấp hành pháp luật trong công tác bảo vệ môi trường; đồng thời ban hành văn bản đôn đốc, nhắc nhở các doanh nghiệp thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường trong KCN. Thực hiện kiểm tra, lấy mẫu đột xuất để đánh giá tình hình xả thải của các doanh nghiệp, Ban đã phối hợp với các sở, ngành, địa phương và đề nghị UBND tỉnh xử lý vi phạm hành chính đối với 11 doanh nghiệp; đồng thời phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường cùng các cơ quan liên quan xử lý vi phạm hành chính đối với 10 doanh nghiệp. Với quan điểm nhất quán của tỉnh, giải pháp đồng bộ của các cơ quan quản lý nhà nước đã giúp các doanh nghiệp nâng cao ý thức bảo vệ môi trường trong quá trình sản xuất kinh doanh.
Tại Công ty Nhiệt điện Cao Ngạn - TKV (Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam), doanh nghiệp đã hướng đến chuyển đổi xanh với không gian như một công viên. Hệ thống cây xanh trồng trong khuôn viên Công ty được chăm sóc, tạo cảnh quan xanh mát. Ở các phân xưởng, công nhân tự góp cây trồng, xây dựng không gian xanh để sau mỗi giờ làm việc nghỉ ngơi, uống trà trò chuyện.
Với khẩu hiệu "An toàn - Đổi mới - Phát triển" và "Sáng - Xanh - Sạch - Đẹp", tại các khu vực có mặt bằng, Công ty Nhiệt điện Cao Ngạn - TKV giao trách nhiệm cụ thể cho từng phân xưởng, phòng, ban chủ động quản lý, vệ sinh, trồng cây xanh, cây cảnh. Cùng với sản xuất điện an toàn, Công ty luôn chú trọng thực hiện các giải pháp bảo vệ môi trường, coi đây là trọng tâm trong chiến lược phát triển của doanh nghiệp.
Tiên phong trong hành trình chuyển đổi xanh của tỉnh phải kể đến Công ty CP Đầu tư và Thương mại TNG. Trong chuyến thăm và làm việc mới đây tại Nhà máy của TNG thuộc Cụm công nghiệp Sơn Cẩm (TP.Thái Nguyên), Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã bày tỏ ấn tượng với mô hình phát triển bền vững của doanh nghiệp.
Các nhà máy của TNG đều sử dụng phần mềm mô phỏng tính toán trong thiết kế để giảm thiểu mức tiêu thụ năng lượng. Công ty lựa chọn vật liệu phù hợp, thân thiện với môi trường. Trong quá trình đầu tư công nghệ TNG đặc biệt quan tâm trang bị hệ thống máy móc, thiết bị hiện đại, đảm bảo tiết kiệm nhiên liệu, vừa tăng cường sử dụng sản phẩm có hàm lượng VOC và Formaldehyde thấp để đảm bảo sức khỏe người lao động.
Đặc biệt, TNG sử dụng lò điện để giảm phát thải CO2; xây dựng lộ trình sử dụng 100% năng lượng tái tạo, dùng nguồn nguyên liệu tái chế giảm thiểu khai thác tài nguyên và ô nhiễm môi trường. Với việc áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn, TNG hướng đến sản xuất kinh doanh bền vững phù hợp với tiêu chuẩn của Việt Nam và tiệm cận tiêu chuẩn quốc tế.
Ngoài sự cộng hưởng của doanh nghiệp trong hành trình chuyển đổi xanh, công tác thu hút đầu tư được tỉnh đặc biệt quan tâm chọn lọc và lựa chọn các dự án có quy mô lớn, sử dụng công nghệ sạch, tiên tiến, sản phẩm có giá trị sản xuất cao để ưu tiên cấp phép đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp. UBND tỉnh đã hợp tác với Saigontel để thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm theo mục tiêu tăng trưởng xanh, phát triển bền vững.
Theo đó, trong giai đoạn 2023-2030, Saigontel sẽ nghiên cứu, hỗ trợ tỉnh xác định và lựa chọn chính sách cũng như chiến lược tài trợ tập trung vào việc giảm đáng kể lượng khí thải nhà kính, biến đổi khí hậu trên địa bàn tỉnh.
Ngoài ra, Saigontel và các đối tác sẽ phối hợp, đồng hành cùng tỉnh cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh xanh, tạo điều kiện cho nhà đầu tư công nghệ cao thuộc mọi lĩnh vực của nền kinh tế mở rộng hoạt động vào các khu công nghiệp điển hình đạt tiêu chuẩn phát thải ròng bằng "0".
Như vậy, có thể thấy, trong hành trình chuyển đổi xanh, Thái Nguyên đang nỗ lực thúc đẩy nhiều giải pháp, từng bước tham gia sâu vào "luật chơi" mới về thương mại và đầu tư của thế giới, hướng tới mục tiêu trung hòa carbon và phát triển bền vững. Những nỗ lực đó sẽ được đền đáp xứng đáng bằng chính môi trường sống cho người dân và các doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn.
Minh Anh
Link nội dung: https://dulichgiaitri.vn/thai-nguyen-huong-den-chuyen-doi-xanh-a187068.html