Thanh Hóa đẩy mạnh trồng rừng theo tiêu chuẩn FSC

(Chinhphu.vn) - Tỉnh Thanh Hóa phấn đấu từ nay đến hết năm 2025 sẽ nâng diện tích vùng nguyên liệu gỗ rừng trồng lên 125.000 ha; có thêm 25.000 ha rừng trồng gỗ và 10 ha rừng tre, luồng, vầu được cấp chứng chỉ FSC.

Thanh Hóa đẩy mạnh trồng rừng theo tiêu chuẩn FSC- Ảnh 1.

Tỉnh Thanh Hóa phấn đấu từ nay đến hết năm 2025 sẽ nâng diện tích vùng nguyên liệu gỗ rừng trồng lên 125.000 ha

Chứng chỉ FSC là một tiêu chuẩn tự nguyện, được Hội đồng Quản lý Rừng (FSC) phát triển nhằm mục đích thúc đẩy quản lý rừng có trách nhiệm trên toàn cầu. Chứng chỉ này đảm bảo rằng các sản phẩm gỗ được sản xuất từ nguồn nguyên liệu được kiểm soát và tuân thủ các tiêu chuẩn về môi trường, xã hội và kinh tế.

Trước nhu cầu sử dụng đồ gỗ ngày càng tăng cao, nhiều nông dân tại tỉnh Thanh Hóa đã chuyển đổi từ trồng rừng truyền thống sang trồng rừng theo chứng chỉ FSC. Điều này giúp cho việc quản lý và khai thác rừng bền vững theo tiêu chuẩn FSC hiệu quả hơn, tạo ra nguồn nguyên liệu có nguồn gốc rõ ràng, an toàn, chấp dứt tình trạng khai thác gỗ từ việc phá rừng.

Hiện nay, Hợp tác quản lý rừng bền vững huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa được cấp chứng chỉ rừng FSC diện tích hơn 3,2 nghìn ha với 1.575 hộ thành viên tham gia, tại 11 xã của huyện Thạch Thành. Quá trình canh tác các hộ dân tuân thủ tuyệt đối không sử dụng thuốc diệt cỏ, thuốc trừ sâu hóa học, hạn chế đốt thực bì… gây ảnh hưởng đến môi trường sinh thái.

Sản lượng gỗ "sạch" hằng năm của hợp tác xã đạt khoảng 62.000 m3, đồng thời trở thành "tấm vé thông hành" giúp các sản phẩm gỗ từ rừng trồng Thạch Thành nói riêng, Thanh Hóa "xuất ngoại". Nhờ có chứng chỉ rừng bền vững FSC, hiệu quả kinh doanh và thu nhập của xã viên Hợp tác xã trồng rừng bền vững Thạch Thành đã tăng lên.

Không chỉ riêng Hợp tác quản lý rừng bền vững huyện Thạch Thành mà theo thống kê của Sở NN&PTNT Thanh Hóa, toàn tỉnh có trên 641.000 ha rừng; trong đó, tổng diện tích rừng gỗ lớn là 56.000 ha và 260.000 ha rừng trồng. Việc liên doanh, liên kết tiêu thụ sản phẩm với doanh nghiệp đang mang lại hiệu quả, giúp nhiều hộ dân vươn lên thoát nghèo nhờ trồng rừng.

Ông Nguyễn Đình Thái, Trưởng phòng Sử dụng và Phát triển rừng (Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thanh Hóa) cho biết: "Để tăng thêm thu nhập cho người dân từ nghề trồng rừng, Sở NN-PTNT Thanh Hóa sẽ triển khai chính sách hỗ trợ cây giống, nuôi cấy mô để phát triển vùng nguyên liệu gỗ rừng trồng chất lượng cao tiến tới cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững FSC; chính sách hỗ trợ cấp FSC với mức 300.000 đồng/ha cho khu vực quy mô 300 ha trở lên; đẩy mạnh tích tụ tập trung đất lâm nghiệp để sản xuất gỗ, hàng hóa tập trung, hình thành liên kết theo chuỗi giá trị trồng, chăm sóc, khai thác, chế biến, tiêu thụ sản phẩm từ gỗ rừng.

Bên cạnh đó, Sở NN&PTNT tỉnh Thanh Hóa phối hợp với chính quyền địa phương, vận động người dân tham gia trồng rừng gỗ lớn có cấp chứng chỉ FSC; tổ chức lại sản xuất theo hướng thành lập hợp tác xã, nhóm hộ, chủ rừng để quản lý, bảo vệ rừng, cấp chứng chỉ rừng gắn với các cơ sở chế biến. Qua đó, xây dựng được vùng nguyên liệu tập trung gắn với cấp chứng chỉ FSC".

Cũng theo ông Thái, sau nhiều năm triển khai, đến nay trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã có hơn 28,4 nghìn ha/4.670 hộ đã được cấp chứng chỉ FSC, trong đó có 7 chuỗi liên kết giữa chủ rừng (hộ gia đình, nhóm hộ) với các nhà máy chế biến như Công ty Cổ phần Xuân Sơn, Công ty CP Ngọc Sơn, Công ty CP BWG Mai Châu, Công ty CP Đại Minh… Nhờ được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững FSC, cũng như phát triển các mô hình sinh kế, nhiều hộ dân miền núi đã vươn lên thoát nghèo nhờ trồng rừng.

Tỉnh Thanh Hóa phấn đấu từ nay đến hết năm 2025 sẽ nâng diện tích vùng nguyên liệu gỗ rừng trồng lên 125.000 ha; có thêm 25.000 ha rừng trồng gỗ và 10 ha rừng tre, luồng, vầu được cấp chứng chỉ FSC. Việc phát triển rừng FSC là cánh cửa để sản phẩm gỗ của tỉnh Thanh Hóa nói chung và của nước Việt Nam nói riêng xuất khẩu vào thị trường châu Âu, Mỹ, qua đó nâng cao thu nhập cho người dân làm nghề rừng trên địa bàn miền núi.

Tiến sĩ Vũ Thị Quế Anh, đại diện FSC (tổ chức quốc tế về quản lý và bảo vệ rừng bền vững) tại Việt Nam khẳng định, muốn gia tăng giá trị kinh tế của lâm sản ngoài gỗ cần áp dụng tiêu chuẩn quản lý rừng FSC cho các sản phẩm đã được công bố. Các tổ chức hiện có thể được cấp chứng nhận FSC cho lâm sản ngoài gỗ như cao su, mây, tre, hỗ trợ thúc đẩy lâm nghiệp bằng cách bảo đảm trách nhiệm xã hội, bảo vệ môi trường và bền vững kinh tế.

Việc khai thác sử dụng bền vững lâm sản ngoài gỗ và tiếp cận các thị trường quốc tế có nhu cầu chứng chỉ FSC sẽ tác động tích cực đến sinh kế của người dân các vùng nông thôn. Tiêu chuẩn này sẽ giúp tháo gỡ nút thắt và thúc đẩy nguồn cung cấp các lâm sản ngoài gỗ được chứng nhận đang có nhu cầu ngày càng tăng ở Việt Nam, cũng là động lực thúc đẩy, thông qua đó sẽ hỗ trợ quản lý rừng bền vững và nâng cao giá trị của rừng.

Đỗ Hương

Tham khảo thêm
Tham khảo thêm
Bảo vệ rừng từ phát triển sinh kếBảo vệ rừng từ phát triển sinh kế

Link nội dung: https://dulichgiaitri.vn/thanh-hoa-day-manh-trong-rung-theo-tieu-chuan-fsc-a187075.html