Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Liên bang Nga ở Đông Nam Á

(Chinhphu.vn) - Trong 9 tháng năm 2024, kim ngạch thương mại song phương giữa Việt Nam - Liên bang Nga đạt 3,52 tỷ USD, tăng 40,4% so với cùng kỳ năm 2023.

Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Liên bang Nga ở Đông Nam Á- Ảnh 1.

Hàng thủy sản Việt Nam xuất khẩu sang Nga trong 9 tháng năm 2024 đạt 164,5 triệu USD (tăng 94,7% so với cùng kỳ năm 2023)

Từ 23-24/10/2024, Hội nghị các Nhà lãnh đạo BRICS mở rộng diễn ra tại thành phố Kazan, Nga. Đây là Hội nghị quan trọng trong khuôn khổ hợp tác giữa BRICS với các nước đang phát triển. Hội nghị có sự tham dự của Lãnh đạo các thành viên BRICS và Lãnh đạo hơn 30 nước khách mời, bao gồm các nước đang phát triển ở các châu lục và một số tổ chức quốc tế.

Nhận lời mời của Tổng thống Nga Vladimir Putin, Chủ tịch BRICS năm 2024, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Phạm Minh Chính tham dự Hội nghị với tư cách khách mời. 

Sự tham dự của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Hội nghị Thượng đỉnh BRICS mở rộng dự kiến sẽ mở ra những triển vọng mới cho hợp tác giữa Việt Nam và khối BRICS, mang lại cho Việt Nam cơ hội thúc đẩy hợp tác rộng rãi với các quốc gia thành viên BRICS và các đối tác, đồng thời cho phép Việt Nam tiếp cận các cơ chế của BRICS, nguồn lực dồi dào và thị trường quy mô lớn để phục vụ cho các mục tiêu phát triển của đất nước.

Cùng với việc mở ra triển vọng hợp tác giữa Việt Nam và BRICS cũng như các nước thành viên BRICS, sự tham dự của lãnh đạo Chính phủ Việt Nam tại Hội nghị Thượng đỉnh BRICS mở rộng ở Nga cũng gửi đi thông điệp về mối quan hệ đặc biệt giữa Việt Nam và Nga, tiếp tục và phát huy hiệu quả tình hữu nghị truyền thống lâu đời và hợp tác đa phương dựa trên nền tảng của sự tin cậy, hợp tác bền vững và tôn trọng lẫn nhau.

Nga là một trong 5 đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam ở châu Âu

Hiện, Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Nga ở khu vực Đông Nam Á. Nga là một trong 5 đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam ở châu Âu. Hai nước cũng có những dự án đầu tư sang nhau, trong đó có những lĩnh vực quan trọng và là thế mạnh của Nga như năng lượng, khoa học công nghệ, giáo dục - đào tạo...

TIN LIÊN QUANThủ tướng Phạm Minh Chính lên đường dự Hội nghị các Nhà lãnh đạo Nhóm BRICS mở rộngViệt Nam khẳng định đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, đa phương hóa tại BRICS+Thủ tướng dự Hội nghị BRICS mở rộng: Tâm thế của ngoại giao thời đại mớiThủ tướng dự Hội nghị BRICS mở rộng: Tâm thế của ngoại giao thời đại mới

Theo lãnh đạo Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ (Bộ Công Thương), mặc dù chịu tác động của tình hình bất ổn của thế giới và khu vực, kim ngạch thương mại năm 2023 vẫn đạt hơn 3,6 tỷ USD, tăng nhẹ 2,3% so với cùng kỳ năm 2022.

Trong 9 tháng năm 2024, kim ngạch thương mại song phương giữa hai nước đạt 3,52 tỷ USD, tăng 40,4% so với cùng kỳ năm 2023. 

Trong đó, xuất khẩu đạt 1,78 tỷ USD, tăng 50,1%; nhập khẩu đạt 1,74 tỷ USD, tăng 31,6%. Cũng trong 9 tháng qua, các nhóm hàng xuất khẩu có mức tăng trưởng cao như: hàng thủy sản đạt 164,5 triệu USD (tăng 94,7% so với cùng kỳ năm 2023); gạo đạt 6,5 triệu USD (tăng 130,9%); xuất khẩu bánh kẹo và các sản phẩm từ ngũ cốc đạt 23,3 triệu USD (tăng 123,7%); xuất khẩu hàng dệt may đạt 616,3 triệu USD (tăng 117,7%); máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác đạt 176,6 triệu USD (tăng 68,7%); cao su đạt 34,8 triệu USD (tăng 49%).

Các nhóm hàng nhập khẩu có mức tăng trưởng cao gồm: phân bón các loại, than các loại, giấy các loại, linh kiện, phụ tùng ô tô; phương tiện vận tải khác và phụ tùng...

Hợp tác chiến lược trong lĩnh vực năng lượng - dầu khí

Đáng chú ý, theo Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ, điểm nhấn quan trọng trong hợp tác kinh tế giữa hai nước là sự phát triển mạnh mẽ trong lĩnh vực năng lượng, dầu khí với các dự án lớn. Ngoài liên doanh Vietsovpetro là lá cờ đầu trong hợp tác dầu khí, hai bên đã có thêm những liên doanh khác đang hoạt động tích cực ở cả hai nước.

"Hợp tác trên lĩnh vực năng lượng - dầu khí là trụ cột quan trọng hàng đầu trong quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam và Nga", lãnh đạo Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ nhấn mạnh.

Hiện nay hợp tác trong lĩnh vực năng lượng - dầu khí giữa hai nước không chỉ diễn ra trong lĩnh vực thăm dò khai thác dầu thô, mà đã dần mở rộng sang các lĩnh vực triển vọng khác như xây dựng nhà máy điện khí, cung cấp khí thiên nhiên hóa lỏng cho Việt Nam và xây dựng hạ tầng và phát triển năng lượng tái tạo, sản xuất nhiên liệu động cơ, cũng như hiện đại hóa các cơ sở năng lượng của Việt Nam.

Liên quan đến hợp tác trong lĩnh vực công nghiệp, thời gian qua, hai bên đã đẩy mạnh hoạt động xuất nhập khẩu nguyên liệu phục vụ sản xuất công nghiệp, các doanh nghiệp Việt Nam vẫn thường xuyên nhập khẩu than từ các đối tác của Nga để phục vụ nhu cầu trong nước. Về hợp tác trong sản xuất ô tô, hai bên đã ký Nghị định thư giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Nga về hỗ trợ sản xuất các phương tiện vận tải có động cơ trên lãnh thổ Việt Nam (Nghị định thư).

Ngoài ra, hai bên cũng đang nghiên cứu để thúc đẩy hợp tác trong một số lĩnh vực tiềm năng như cơ khí, luyện kim, hóa chất, chế biến khoáng sản, cung cấp và sản xuất trang thiết bị phục vụ các dự án năng lượng, dự án giao thông vận tải...

Đánh giá về quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại giữa hai nước, ông Dương Hoàng Minh, Tham tán Thương mại Thương vụ Việt Nam tại Liên bang Nga nhận định, thời gian qua, hợp tác thương mại hai nước tăng trưởng tích cực và có nhiều động lực. 

Động lực lớn nhất là cả hai bên đã từng bước tháo gỡ được những khó khăn trong việc vận chuyển hàng hóa; các tuyến vận tải biển (tuyến Vladivostok - Hải Phòng - TPHCM), vận tải đường sắt (tuyến đường sắt liên vận quốc tế Việt Nam - Trung Quốc - Nga)... đã từng bước được giải quyết.

Thêm vào đó, từ ngày 4/6/2023, Hãng hàng không IAERO của Nga thực hiện chuyến bay trực tiếp giữa Nga (thành phố Irkusk) và Việt Nam (Hà Nội) bằng máy bay của Nga 2 chuyến/tuần. Đường bay trực tiếp giữa Matxcơva và TPHCM hai nước đã được nối lại từ cuối tháng 1/2024. Hiện nay, Nga và Việt Nam đã nới lỏng các quy định về visa cho công dân của nhau (từ ngày 1/8/2023 công dân Việt Nam đã có thể xin visa điện tử vào Nga, từ ngày 15/8 người Nga có thể lưu trú tại Việt Nam đến 45 ngày miễn visa)... những thuận lợi này đã và đang tạo ra những cơ hội để hai bên thúc đẩy hợp tác thương mại, đầu tư, du lịch.

Bên cạnh những thuận lợi, Tham tán Thương mại Dương Hoàng Minh cho rằng, hợp tác kinh tế - thương mại giữa hai nước đang đứng trước các thử thách rất lớn trong bối cảnh kinh tế thế giới gặp nhiều khó khăn. Mặc dù các cơ quan chức năng cả hai bên đã có nhiều nỗ lực nhưng hoạt động xuất nhập khẩu hay hoạt động triển khai các dự án đầu tư song phương vẫn còn nhiều rào cản.

Doanh nghiệp hai nước cần tận dụng tốt hơn nữa những lợi thế từ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh Kinh tế Á Âu (VN-EAEU FTA); trong đó, doanh nghiệp Nga có thể tăng cường đầu tư sản xuất các sản phẩm Nga có thế mạnh tại Việt Nam để xuất khẩu ngược về Nga và các nước SNG hoặc sang các thị trường khác mà Việt Nam có FTA.

Đối với doanh nghiệp xuất khẩu trong nước, Thương vụ khuyến cáo, để tìm hiểu thị trường, tìm kiếm khách hàng tại Liên bang Nga, các doanh nghiệp nên trực tiếp tham dự trưng bày sản phẩm hoặc tham quan các triển lãm chuyên ngành lớn của Liên bang Nga. 

Việt Nam thiết lập quan hệ ngoại giao với Liên Xô (nay là Nga) vào ngày 30/1/1950, mở đường cho tình hữu nghị bền chặt và hợp tác tốt đẹp giữa hai nước. Trong gần 75 năm qua, quan hệ song phương ngày càng phát triển một cách toàn diện và sâu rộng.

Hai nước đã ký Hiệp định về nguyên tắc quan hệ hữu nghị Việt Nam - Nga vào ngày 16/6/1994, thiết lập quan hệ đối tác chiến lược vào năm 2001 và nâng cấp lên quan hệ đối tác chiến lược toàn diện vào năm 2012. Năm 2021, hai nước đã ban hành Tuyên bố chung về tầm nhìn chung của quan hệ đối tác chiến lược toàn diện đến năm 2030. Trong khuôn khổ mối quan hệ đó, hợp tác Việt - Nga đã chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ trên tất cả các lĩnh vực.

Phan Trang


Link nội dung: https://dulichgiaitri.vn/viet-nam-la-doi-tac-thuong-mai-lon-nhat-cua-lien-bang-nga-o-dong-nam-a-a187183.html