Tuyên án 61 bị cáo trong đường dây làm giả hơn 1.000 văn bằng, chứng chỉ

Làm giả hơn 1.000 văn bằng, chứng chỉ giả của 2 trường đại học, 4 bị cáo bị TAND TP.Long Xuyên tuyên phạt án tù giam; 49 bị cáo được hưởng án treo và 8 bị cáo bị phạt tiền.

Sau nhiều ngày xét xử và nghị án, ngày 23/10, HĐXX sơ thẩm TAND TP.Long Xuyên (tỉnh An Giang) đã tuyên án sơ thẩm đới với 61 bị cáo trong đường dây làm giả hơn 1.000 văn bằng, chứng chỉ ngoại ngữ, tin học.

Tuyên án 61 bị cáo trong đường dây làm giả hơn 1.000 văn bằng, chứng chỉ- Ảnh 1.

Các bị cáo nghe tuyên án. Ảnh: Báo An Giang.

Theo đó, 4 bị cáo, gồm: Phan Văn Đức (sinh năm 1996, ngụ ấp An Thuận, xã Hòa Bình, huyện Chợ Mới) được xác định là đối tượng cầm đầu lãnh án 4 năm 3 tháng tù; Lê Đăng Khoa (sinh năm 1998, ngụ ấp Đông Thạnh, xã Thạnh Đông B, huyện Tân Hiệp, tỉnh Kiên Giang) lãnh án 4 năm tù, đồng thời bị phạt bổ sung số tiền 25 triệu đồng sung vào ngân sách Nhà nước; Nguyễn Thanh Tú (sinh năm 1999, ngụ khóm Trung 2, thị trấn Thường Thới Tiền, huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp) lãnh án 2 năm 9 tháng tù; Bùi Ngô Minh Khôi (sinh năm 2000, ngụ ấp Long Định, xã Long Kiến, huyện Chợ Mới) lãnh án 2 năm 3 tháng tù cùng về tội Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức.

49 bị cáo khác nhận mức án từ 6 tháng đến 2 năm tù treo. Riêng 8 bị cáo, gồm: Đặng Hoàng Khang, Phạm Phước Toàn, Phan Thanh Hà, Phạm Ngọc Thạch, Nguyễn Thành Tâm, Lý Thị Thúy Vi, Lê Thị Huỳnh Như, Đoàn Thị Mai Thảo bị HĐXX sơ thẩm tuyên phạt mỗi bị cáo số tiền 30 triệu đồng, nộp vào ngân sách Nhà nước.

Theo cáo trạng và kết quả điều tra xác định, khoảng đầu năm 2018, khi đang học tại Trường Cao đẳng nghề An Giang, Đức đại diện cho nhóm sinh viên cao đẳng nghề gồm Đức và 5 người không nhớ tên mua 6 chứng chỉ ngoại ngữ tiếng Anh, trình độ B giả của Nguyễn Văn Cường với giá 4,5 triệu đồng và được Cường trả công 300.000 đồng.

Lúc này, Đức thấy nhiều sinh viên có nhu cầu mua chứng chỉ ngoại ngữ tiếng Anh, trình độ A2 giả và chứng chỉ ngoại ngữ tiếng Anh trình độ B, chứng chỉ ứng dụng công nghệ thông tin cơ bản giả, để đủ điều kiện nhận bằng tốt nghiệp Trường Đại học An Giang nên Đức thực hiện hành vi làm giả các tài liệu (tài liệu giả) bán lại hưởng chênh lệch 100.000 đồng/tài liệu giả.

Từ năm 2018, đến tháng 3/2023, Đức, Khoa, My, Tú, Thái, Khôi, cùng các bị cáo đã làm tổng cộng 1.013 tài liệu giả là bằng tốt nghiệp Đại học, Chứng chỉ ngoại ngữ tiếng Anh trình độ B, chứng chỉ ứng dụng công nghệ thông tin cơ bản của Trường Đại học An Giang, chứng chỉ ngoại ngữ tiếng Anh trình độ A2, B1 của Trường Đại học Cần Thơ.

Trong đó, Đức làm 800 văn bằng, chứng chỉ giả, thu lợi bất chính khoảng 100 triệu đồng; các bị cáo còn lại làm từ 2 đến 317 văn bằng, chứng chỉ giả, thu lợi bất chính từ 100.000 đồng đến 15 triệu đồng.

Đối với những người mua văn bằng, chứng chỉ ngoại ngữ, tin học giả sử dụng để đủ điều kiện nhận bằng tốt nghiệp đại học, nộp hồ sơ xin việc tuy có dấu hiệu của tội phạm nhưng tính chất nguy hiểm cho xã hội không đáng kể, nên cơ quan điều tra không truy cứu trách nhiệm hình sự những người này về tội Sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức.

Còn đối tượng Nguyễn Văn Cường và một số người khác làm giả tài liệu hiện không rõ ở đâu, ngoài lời khai của bị cáo Phan Văn Đức thì không còn chứng cứ nào khác nên Cơ quan CSĐT Công an TP.Long Xuyên đã tách vụ án để tiếp tục điều tra, giải quyết theo quy định pháp luật.

Hải Vân (T/h Theo Nhân Dân, Báo An Giang)

Link nội dung: https://dulichgiaitri.vn/tuyen-an-61-bi-cao-trong-duong-day-lam-gia-hon-1000-van-bang-chung-chi-a187257.html