Hội tụ tiềm năng, bứt phá du lịch Bình Định - Bài 3: Giàu tiềm năng, còn “nghèo” ý tưởng

Bình Định đã có những lựa chọn đúng đắn trong phát triển du lịch, từng bước ghi nhận những kết quả tích cực. Tuy nhiên, cũng cần nói thêm rằng, du lịch Bình Định đang “nặng” về lượng hơn về chất.

Nghịch lý - khách đông nhưng chi tiêu chưa nhiều

Con số 8 triệu lượt khách tới tỉnh Bình Định là một con số "ấn tượng" nói về sự phát triển du lịch của địa phương trong năm 2024. Tuy nhiên, một vấn đề đang bộc lộ rõ là đối với du lịch của tỉnh hiện nay là khách đông nhưng chi tiêu chưa nhiều.

Phần lớn khách du lịch tới Bình Định chủ yếu mua đặc sản, hải sản, các quà lưu niệm khá là ít. Ảnh:HT

Phần lớn khách du lịch tới Bình Định chủ yếu mua đặc sản, hải sản, các quà lưu niệm khác là ít. Ảnh:HT

Trong chuyên đề bồi dưỡng du lịch cho tỉnh này vào năm 2019, GS. Simon Milne – Giảng viên Trường Đại học công nghệ Auckland, Giám đốc Viện Nghiên cứu Du lịch New Zealand, cho rằng, Bình Định đang "bỏ trống" một sản phẩm du lịch sinh lợi cao đó là quà lưu niệm cho du khách.

Cụ thể, ông từng phân tích: "Tôi đến Bình Định, điều đầu tiên tôi muốn tìm kiếm là Bảo tàng – vì nơi đây là nơi chứa đựng tất cả các yếu tố liên quan tới lịch sử, văn hóa của một vùng đất. Tôi gõ tìm kiếm trên google, kết quả đều dẫn tới là quán cà phê, nhà hàng chứ không phải Bảo tàng.

Sau khi tìm tới được Bảo tàng, đi hết các phòng trưng bày – phải nói là các bạn có một tài sản rất quý để thu hút du khách. Vị trí Bảo tàng nằm ngay gần biển, giữa trung tâm Tp. Quy Nhơn rất thuận lợi.

Thế nhưng, các bạn không có một trang nào giới thiệu về bảo tàng (website); ở Bảo tàng các bạn cũng không có dịch vụ bán hàng lưu niệm du lịch, các bạn đang bỏ qua một sản phẩm sinh lợi, du khách vì thế không thể tiêu tiền dù rất muốn. Trong khi, Bảo tàng là địa điểm đầu tiên mà du khách - đặc biệt là khách quốc tế lựa chọn khi về Bình Định".

Điều GS. Simon Milne chia sẻ vào năm 2019 đến nay vẫn là thực trạng của du lich Bình Định. Dù đã phát triển, nhưng rõ ràng các sản phẩm du lịch của tỉnh vẫn còn phụ thuộc rất lời vào tài nguyên ban tặng, thiếu các sản phẩm mới, lại thiếu dịch vụ đi kèm, đặc biệt là quà lưu niệm du lịch "nghèo", nên không kích thích được du khách mua sắm.

Phần lớn, ở các điểm tham quan, các di tích của Bình Định hiện nay, dù đã mở cửa đón khách nhưng thiếu các dịch vụ tại chỗ. Chẳng hạn như Cụm Tháp Bánh Ít (xã Phước Hiệp, huyện Tuy Phước), nhiều du khách bày tỏ sự tiếc nuối khi không có những món quà lưu niệm phù hợp, những gian hàng dịch vụ ở khu vực này.

Làng nghề nón ngựa Phú Gia, một điểm du lịch hứa hẹn sẽ thu hút du khách, đặc biệt là khách quốc về trải nghiệm,với điều kiện chính quyền các cấp và ngành du lịch phải xây dựng một sản phẩm phù hợp cho làng nghề này. Ảnh: Thu Dịu

Làng nghề nón ngựa Phú Gia, một điểm du lịch hứa hẹn sẽ thu hút du khách, đặc biệt là khách quốc tế về trải nghiệm,với điều kiện chính quyền các cấp và ngành du lịch phải xây dựng một sản phẩm phù hợp cho làng nghề này. Ảnh: Thu Dịu

Cùng góc nhìn với GS Milne, một thành viên của Hiệp hội Du lịch Bình Định, cho hay, Bình Định là một tỉnh có bề dày về văn hoá, lịch sử. Tài nguyên thiên nhiên về du lịch phong phú, đa dạng là điều kiện tốt để du lịch Bình Định phát triển.

Tuy nhiên suốt trong quá trình phát triển du lịch những năm qua du lịch Bình Định gần như không có thêm sản phẩm mới du lịch đặc trưng, các tiện ích dịch vụ vui chơi giải trí không nhiều, không có quy mô lớn để đáp ứng nhu cầu khách hàng, thu hút sự quay lại của du khách với Bình Định. 

Hiện nay du khách đến với Bình Định phần lớn là theo thiết kế chương trình truyền thống.

"Các bạn có những làng nghề truyền thống với các sản phẩm để làm quà du lịch rất tốt. Như nón ngựa Phú Gia (xã Cát Tường, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định). Nón ngựa là quà tặng giá trị, tuy nhiên để có thể thuyết phục du khách mua nón ngựa làm quà, các bạn phải có được câu chuyện cho nó. Đó là không gian của làng nghề, trải nghiệm của du khách khi làm nón ngựa". GS. Simon Milne, chia sẻ.

Còn nhiều điểm nghẽn phải "khơi thông"

Đại diện của một hãng lữ hành lớn đặt chi nhánh ở Tp. Quy Nhơn chia sẻ, phân khúc khách hàng của đơn vị chủ yếu là khách đoàn từ 30 người trở lên/tour; cho nên chủ yếu tập trung khai thác các sản phẩm du lịch biển, đảo. Vì những sản phẩm du lịch khác không đáp ứng được với số lượng khách đông nên rất khó để mở các tour mới.

Du khách về Bình Định chủ yếu tập trung phân khúc du lịch biển, đảo. Ảnh: Thu Dịu

Du khách về Bình Định chủ yếu tập trung phân khúc du lịch biển, đảo. Ảnh: Thu Dịu

Tương tự, đại diện hãng lữ hành T.A Travel (Tp. Quy Nhơn) chỉ ra, mặc dù đã quảng bá và giới thiệu tiềm năng du lịch của các huyện phía Bắc tỉnh (Hoài Ân, Phù Mỹ, Hoài Nhơn, An Lão), tuy nhiên trên cung đường từ Tp. Quy Nhơn ra tới Hoài Nhơn thiếu 2 điều cơ bản: nhà hàng và khách sạn lưu trú cho khách đoàn, dẫn tới việc mở tour rất khó.

Trước thềm đối thoại với lãnh đạo tỉnh Bình Định, nhiều thành viên của Hiệp hội Du lịch tỉnh Bình Định chia sẻ, hiện tại vẫn có rất nhiều cá nhân và tổ chức không có chức năng tổ chức tour du lịch nhưng vẫn thực hiện bán tour du lịch mà không có giấy phép kinh doanh.

Ví dụ được dẫn chứng là một số trang review trên facebook, dù không có chức năng hoạt động cung cấp dịch vụ du lịch song vẫn giới thiệu và bán tour, tuyến... dẫn đến môi trường kinh doanh cạnh tranh không minh bạch trong việc kinh doanh lữ hành.

Ông Lê Bảo Giang – chủ quán cơm Mậu (một địa chỉ ẩm thực thu hút khách của Tp. Quy Nhơn), chia sẻ, nhiều bất cập tác động tới du lịch, trong đó có lĩnh vực ẩm thực.

Nói về ẩm thực, ông Giang cho rằng Bình Định nói chung và các chuỗi kinh doanh ẩm thực như ông đều có những món ngon riêng để chiêu đãi thực khách. Tuy nhiên, vấn đề gặp phải ở đây là việc cạnh tranh không lành mạnh giữa các cơ sở dịch vụ ẩm thực với nhau.

"Do vậy, doanh nghiệp như chúng tôi cũng muốn chính quyền quan tâm hơn trong công tác quản lý hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch, tạo môi trường lành mạnh, để cùng phát triển", ông Giang nói.

Nhiều doanh nghiệp du lịch của tỉnh Bình Định cho rằng nên nâng cấp hạ tầng giao thông, đặc biệt là sân bay quốc tế để đón khách nước ngoài. Ảnh:Dũng Nhân

Nhiều doanh nghiệp du lịch của tỉnh Bình Định cho rằng nên nâng cấp hạ tầng giao thông, đặc biệt là sân bay quốc tế để đón khách nước ngoài. Ảnh:Dũng Nhân

Cùng với đó, theo các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch của Bình Định, hiện nay thu hút khách inbound inbound (khách nước ngoài đến Việt Nam lưu trú ngắn hạn hoặc nhóm khách Việt Kiều hồi hương) trong bối cảnh khách nội địa đã bão hòa, việc cấp thiết đó là xây dựng sản phẩm du lịch văn hóa trải nghiệm như các làng nghề truyền thống của tỉnh.

Đối với sản phẩm này, phân khúc được chú trọng và tiềm năng là khách quốc tế. Do đó, việc nâng cấp hệ thống giao thông (đường bay quốc tế, cảng biển đón du thuyền du lịch); tập huấn nâng cao chất lượng phục vụ cho người dân ở làng nghề rất quan trọng...

Xây dựng sản phẩm du lịch trải nghiệm làng nghề để thu hút khách quốc tế là đề xuất của nhiều doanh nghiệp dịch vụ du lịch của Bình Định. Trong ảnh: Làng Bí đao khổng lồ ở Mỹ Thọ (Phù Mỹ, tỉnh Bình Định), một điểm du lịch cộng đồng đang được xây dựng. Ảnh: Lâm Trần

Xây dựng sản phẩm du lịch trải nghiệm làng nghề để thu hút khách quốc tế là đề xuất của nhiều doanh nghiệp dịch vụ du lịch của Bình Định. Trong ảnh: Làng Bí đao khổng lồ ở Mỹ Thọ (Phù Mỹ, tỉnh Bình Định), một điểm du lịch cộng đồng đang được xây dựng. Ảnh: Lâm Trần

Bà Hoàng Thu Sen – Giám đốc Chi nhánh Vietravel Quy Nhơn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Bình Định, cho hay, những năm gần đây, chính quyền các cấp của tỉnh Bình Định; ngành du lịch tỉnh đã quan tâm nhiều tới lợi ích của du khách, đặt khách hàng vào vị trí trung tâm để xây dựng những chính sách hỗ trợ phù hợp.

Tuy nhiên, ở góc độ doanh nghiệp lữ hành, lãnh đạo Vietravel Quy Nhơn, cho rằng một số chính sách chưa thực sự tối ưu để tạo được sức hút và độ cạnh tranh với các địa phương khác.

Cụ thể, bà Sen phân tích – chẳng hạn như chính sách mới thu hút dòng khách hàng MICE (khách sự kiện), Bình Định ban hành chính sách hỗ trợ 50% chi phí tiền thuê hội trường, phòng họp, biểu diễn nghệ thuật truyền thống cho đoàn khách khi chọn tỉnh này tổ chức hội nghị, hội thảo kết hợp du lịch.

Tuy nhiên, với những quy định về lượng người, di chuyển... thì hầu hết các đoàn sẽ chọn ở cơ sở lưu trú lớn của tỉnh tổ chức, thay vì tới Trung tâm hội nghị.

Do vậy, để thu hút khách đoàn, quan trọng không phải nằm ở chi phí thuê hội trường, biểu diễn nghệ thuật mà Bình Định có thể tính toán tới giảm giá cho các điểm tham quan, du lịch trong chuyến hội thảo, hội nghị diễn ra. 

Qua đó, thu hút khách kéo dài thời gian lưu trú, tổ chức các tour, tuyến về các điểm vui chơi...

Hội tụ tiềm năng, bứt phá du lịch Bình Định - Bài 3: Giàu tiềm năng, còn “nghèo” ý tưởng- Ảnh 6.

Ông Trần Văn Thanh (bên phải ảnh)- Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Bình Định, nhìn nhận, du lịch Quy Nhơn - Bình Định thiếu chỗ vui chơi về đêm cho du khách. Ảnh: Thu Dịu

"Quy Nhơn – Bình Định rất cần kinh tế đêm. Tôi đã tới Tp. Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh), kinh tế đêm rất nhộn nhịp. Ở bờ biển họ bố trí những dịch vụ ẩm thực, giải trí về đêm khá hấp dẫn. Bãi biển Quy Nhơn rất phù hợp để phát triển các loại hình dịch vụ, giải trí về đêm – mà không phá vỡ quy hoạch, không ảnh hưởng tới không gian biển của cộng đồng. Tôi cũng đã có trao đổi với doanh nghiệp đang đầu tư khu dịch vụ giải trí về đêm ở bãi biển Quy Nhơn về vấn đề này.

Đúng là khi mới triển khai một loại hình mới sẽ đối mặt với nhiều phản ứng, tuy nhiên nếu quy hoạch bài bản, chuyên nghiệp thì sẽ làm được", ông Trần Văn Thanh – Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Bình Định, chia sẻ tại họp báo kích cầu du lịch dịp cuối năm vào đầu tháng 10/2024.

Sơn Tùng - Thu Dịu

Hội tụ tiềm năng, bứt phá du lịch Bình Định - Bài 2: Xây dựng du lịch xanhHội tụ tiềm năng, bứt phá du lịch Bình Định - Bài 2: Xây dựng du lịch xanh

Du lịch xanh đang là xu hướng phát triển bền vững của ngành du lịch. Ngành du lịch tỉnh Bình Định đang có các mô hình, giải pháp mới, độc đáo để tiếp tục bứt phá.

Link nội dung: https://dulichgiaitri.vn/hoi-tu-tiem-nang-but-pha-du-lich-binh-dinh-bai-3-giau-tiem-nang-con-ngheo-y-tuong-a187611.html