Ông Chu Văn Luân, 62 tuổi, nước da rám nắng, tiếp chúng tôi trong căn nhà cao tầng khang trang, tâm sự, từ ngày tham gia trồng cây thuốc lá, gia đình ông đã thoát nghèo và giờ đây có chút "của ăn của để", sửa sang lại ngôi nhà. Điều quý giá hơn nữa là 4 người con của ông đều được học hành, trưởng thành và lập gia đình ở riêng.
Nhớ lại ký ức của gần 30 năm về trước, ông bộc bạch, sau khi xuất ngũ trở về, việc làm không có, trồng ngô, trồng sắn không đủ ăn, ông Luân đành tiếp tục xa gia đình vào núi đào vàng. Tuy nhiên, vàng đâu không thấy, lại nhiều rủi ro rình rập. Đến năm 1997, khi công ty phối hợp với địa phương tổ chức, hướng dẫn cho bà con trồng cây thuốc lá, ông nhận làm, gia đình khác làm 1.000 m2 thì ông nhận làm 5.000 m2. Đến năm 2020, gia đình ông thoát nghèo và không phải nhận hỗ trợ từ chính quyền.
Doanh thu từ trồng cây thuốc lá có năm được hơn 100 triệu đồng, năm không thuận buồm xuôi gió thì thu nhập từ 70-80 triệu đồng.
Hiện nay gia đình ông vẫn trồng lúa, một vụ thuốc lá xen vào một vụ lúa. Lúa và ngô chủ yếu phục vụ chăn nuôi và sinh hoạt gia đình, còn cây thuốc lá giải quyết vấn đề kinh tế cho gia đình.
Men theo con đường thôn Cốc Lải, xã Bằng Vân, huyện Ngân Sơn, chúng tôi đến nhà ông Trương Xuân Hiến.
"Tôi không nhớ trồng cây thuốc lá từ khi nào, chỉ nhớ là của tổ tiên để lại. Trước đây, thời cha mẹ tôi thì trồng thuốc lá tự sấy khô, thái thủ công rồi mang lên chợ bán bữa được bữa không. Từ năm 1997, khi công ty xuống thu gom, hỗ trợ vật tư, bao tiêu sản phẩm thì nguồn đầu ra cho cây thuốc lá ổn định", ông Hiến chia sẻ.
Hiện nay, gia đình ông Hiến trồng 4 bung (1 bung = 1000 m2), sau khi trừ chi phí đầu tư ban đầu do công ty ứng trước, gia đình có thêm 50 triệu đồng/năm.
Ở trên mảnh đất Ngân Sơn này, cuộc sống bà con đã 'thay da đổi thịt' từ khi trồng cây thuốc lá. Trước đó, bà con trồng nhiều loại cây để duy trì sản xuất nhưng không có cây nào mang lại giá trị cao.
Bà Nông Thị Bến, thôn Cốc Lải, xã Bằng Vân, huyện Ngân Sơn cho biết, mấy năm trước, Nhà nước cho trồng cây rong riềng, cây sắn nhưng trồng xong không có đầu ra, nhiều gia đình thu hoạch rong riềng về chất đống trong sân và bị hỏng. Từ khi chuyển sang trồng cây thuốc lá, có công ty đầu tư vốn, đầu tư giống, đầu tư kĩ thuật, hướng dẫn quy trình, đến tận nhà thu gom, bà con không phải lo lắng việc tiêu thụ.
Tạo điều kiện thuận lợi cho bà con yên tâm trồng cây thuốc lá
Trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn có khoảng 1000 ha diện tích được bà con dân tộc thiểu số trồng cây thuốc lá. Ở huyện Ngân Sơn, cây thuốc lá đang chiếm chiếm 60 -70% cơ cấu cây trồng.
Ông Lê Mạnh Dũng, Phó Giám đốc chi nhánh Công ty CP Ngân Sơn tại Bắc Kạn, cho biết, hằng năm, chi nhánh công ty đều cử đội ngũ kỹ sư tới từng gia đình bà con nông dân để chuyển giao quy trình trồng, quy trình sấy cũng như bao tiêu sản phẩm. Theo đánh giá, giá trị cây thuốc lá so với cây ngô, cây lúa cao gấp 3 đến 4 lần, vì vậy khu vực nào có khả năng trồng cây thuốc lá thì người dân đều trồng.
Cũng theo ông Dũng, với việc đưa cây thuốc lá vào làm cây công nghiệp chủ lực của địa phương, những năm qua, chính quyền địa phương tạo nhiều thuận lợi cho bà con và công ty đứng trên địa bàn hoạt động
Nói về khó khăn trước mắt, ông Dũng nhấn mạnh, việc bổ sung thuế tiêu thụ đặc biệt tuyệt đối với thuốc lá đang được đề xuất là cần thiết, tuy nhiên, có thể tác động đến việc thu mua nguyên liệu của bà con.
Còn theo ông Tạ Văn Chiến, Phó Chủ tịch UBND xã Bằng Vân, những năm trước đây, toàn xã có 70-80% hộ nghèo. Với sự nỗ lực của chính quyền địa phương, mỗi năm bình quân xã giảm 4-5%. Năm 2023, qua rà soát, toàn xã còn 38% hộ nghèo.
Xã xác định, cây thuốc lá là cây chủ lực để giúp bà con xoá đói giảm nghèo, vậy nên hằng năm, cây trồng này đều được đưa vào kế hoạch trồng ngay từ đầu năm.
Hiện nay, để hỗ trợ bà con, ngoài tổ chức các lớp tập huấn, chính quyền địa phương cũng phối hợp cùng công ty triển khai các kế hoạch đầu tư, ký kết hợp đồng, bao tiêu sản phẩm…
Hiện cả nước có 13.800 ha diện tích trồng thuốc lá ở các địa phương như Cao Bằng, Lạng Sơn, Gia Lai, Đắk Lắk; hằng năm giải quyết công ăn việc làm cho 90.000 bà con nông dân.
Các vùng chuyên canh trồng cây thuốc lá hầu hết tập trung tại các vùng biên giới, miền núi, vùng sâu, vùng xa, nơi sinh sống của đồng bào dân tộc thiểu số. Cây thuốc lá đã trở thành loại cây đem lại đời sống ổn định cho bà con, góp phần xóa đói giảm nghèo, đảm bảo an ninh quốc phòng tại các địa bàn biên giới.
Linh Đan
Link nội dung: https://dulichgiaitri.vn/xoa-doi-giam-ngheo-tu-cay-thuoc-la-a187745.html