Không sửa Luật Điện lực sẽ khó thu hút đầu tư

(Chinhphu.vn) - Thảo luận tại tổ chiều 26/10, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho rằng Luật Điện lực (sửa đổi) cần sớm được thông qua để giải quyết các vấn đề cấp bách

Không sửa Luật Điện lực sẽ khó thu hút đầu tư- Ảnh 1.

Chiều 26/10, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho rằng Luật Điện lực (sửa đổi) cần sớm được thông qua để giải quyết các vấn đề cấp bách - Ảnh: VGP

Chiều 26/10, tiếp tục chương trình làm việc của Kỳ họp thứ 8, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Điện lực (sửa đổi) và một số nội dung quan trọng khác.

Nếu không sửa Luật Điện lực sẽ không thu hút được nhà đầu tư

Báo cáo các đại biểu Quốc hội trong phiên thảo luận về dự thảo Luật Điện lực sửa đổi, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh: Luật Điện lực được xây dựng từ năm 2004 và đến bây giờ đã bốn lần sửa, lần gần nhất là tháng 9/2023. Nhưng cả bốn lần trước chỉ sửa đổi, bổ sung một số điều và đã giải quyết được một số vấn đề vướng mắc phát sinh.

"Nhưng trước đòi hỏi cấp bách về tăng trưởng điện năng theo quy hoạch, đến năm 2030 (tức là còn hơn 5 năm nữa) phải đầu tư gấp hai lần số tổng công suất toàn hệ thống hiện nay. Hiện nay, tổng công suất gần 80.000MW trong khi vào năm 2030 phải đạt tối thiểu là 150.524MW, tức là gần gấp hai lần tổng công suất hiện nay. Đến năm 2050, tức là còn 25 năm nữa, phải đạt gấp 5 lần hiện nay, tương đương với mức 530.000 MW trên phạm vi toàn quốc", Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho hay.

Theo Bộ trưởng, việc đòi hỏi phát triển nguồn điện lớn như vậy nếu không có những cơ chế bảo đảm, thông thoáng như một số đại biểu nói thì rõ ràng không thể thực hiện được. Chúng ta phải phát triển năng lượng tái tạo, đồng thời phải chuyển đổi mạnh những nguồn điện có nguồn gốc hóa thạch từ than cho đến điện khí.

Điện khí trong giai đoạn đến năm 2030 vẫn có thể phát triển, nhưng sau năm 2030 không phát triển được nữa. Bởi vì điện khí phát thải tới 40% so với điện than. Hơn nữa, khí cũng là nguồn không phải vô tận, và giá của khí cũng theo thị trường rất rủi ro, mà Việt Nam không phải là quốc gia sở hữu nhiều sản lượng khí để cung cấp cho các nhà máy điện.

Bộ trưởng cho biết, Ban soạn thảo đề xuất phải sửa toàn diện vì Việt Nam hội nhập ngày càng sâu rộng với thế giới, nên việc phát triển lưới điện ASEAN và rộng hơn là khu vực Châu Á Thái Bình Dương đang diễn ra một cách rất chóng vánh. Nếu không sửa luật thì không thể thu hút đầu tư.

Bên cạnh đó, Đảng, Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách mới. Nhưng trên thực tế luật hóa chưa kịp. Nhu cầu về điện năng tăng phi mã hàng năm nên cần phải sửa đổi Luật Điện lực để tháo gỡ khó khăn, giải phóng nguồn lực.

Đồng thời, nhiều loại hình nguồn điện có tiềm năng lớn ở trong nước, ví dụ như năng lượng tái tạo (điện mặt trời và điện gió) ở rất nhiều địa phương trong cả nước có tiềm năng để phát triển. Nhưng nếu không có cơ chế đồng bộ, khả thi thì phát triển lên một chút sẽ tiếp tục bị vướng mắc. Do đó, phải thiết kế lại đồng bộ và ưu tiên những công trình về điện phải thực hiện theo Luật Điện lực.

"Trên thực tế rất cần có những cơ chế đặc biệt để quyết định các chủ trương đầu tư cho các công trình điện khẩn cấp. Ví dụ như vừa rồi mưa bão, gió... cháy trạm hoặc đổ cột, nếu như phải tổ chức đấu thầu thì làm gì có thời gian. Trong khi điện là phải có ngay sau khi nước rút", Bộ trưởng dẫn chứng.

Những công trình cấp bách thì đã quy định trong Luật Đầu tư, nhưng các công trình khẩn cấp chưa có. Cho nên trong Luật Điện lực lần này, phải thiết kế quy định trao cho các cấp có thẩm quyền (ở đây là Chính phủ), cơ quan hành pháp được quyết định những dự án khẩn cấp kể cả trạm, đường dây và các dự án nguồn, như vậy mới đáp ứng được tiến độ theo Quy hoạch điện VIII.

Luật Điện lực lần này sửa đổi căn bản những bất cập, vướng mắc phát sinh trong thực tế, kể cả vấn đề chế tài đối với các nhà đầu tư chậm tiến độ.

Thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo

Nhấn mạnh về tính cấp bách cần Quốc hội xem xét thông qua Luật Điện lực lần này, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho hay, Quy hoạch Điện VIII xác định đến năm 2030, chúng ta phải đạt gấp hai lần công suất hiện nay. Chúng ta chỉ còn 5 năm, mà Luật Điện lực (sửa đổi) không được thông qua trong năm nay thì không có cách nào để thực hiện được. 

"Một dự án điện than (theo quy hoạch cũ mới được tiếp tục triển khai) cũng phải mất 5 - 6 năm. Dự án điện khí mất từ 7- 8 năm, nếu mà dự án điện hạt nhân khởi động bây giờ thì cũng phải mất khoảng 10 năm.

Các nguồn hiện tại không còn kể cả thủy điện, điện than chỉ còn 5-6 dự án theo quy hoạch cũ. Do đó, nếu chậm một ngày ban hành Luật Điện lực (sửa đổi) sẽ phải chậm hằng năm cho việc triển khai. Và như vậy, rủi ro mất an toàn điện năng và an ninh năng lượng điện của đất nước", Bộ trưởng phân tích.

Mặt khác, chúng ta phải chuyển đổi rất mạnh cơ cấu về nguồn để đạt Net Zero. Nếu không sửa Luật Điện lực thì năng lượng tái tạo không thể phát triển.

Bộ trưởng lấy ví dụ, muốn phát triển 34.000 MW điện khí, nhà đầu tư phải bỏ ra từ 1,5-1,6 tỷ USD/1000MW. Bỏ khoản tiền lớn ra đầu tư mà không biết nhà nước bao tiêu sản lượng điện tối thiểu bao nhiêu thì nhà đầu tư không thể có phương án tài chính, do đó sẽ không dám đầu tư, nhà tài trợ không dám cho vay vốn.

"Cho nên Bộ Công Thương đề xuất sửa, thông qua trong một kỳ họp và giải quyết được vấn đề là có được những cơ chế đủ mạnh để có thể thực hiện, vừa tăng nhanh về công suất nhưng đồng thời lại chuyển đổi rất mạnh về cơ cấu", Bộ trưởng nhấn mạnh.

Vì sao tăng 60 điều so với luật cũ?

Có đại biểu băn khoăn dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) lần này tăng tới 60 điều so với luật cũ. Lý giải về điều này, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, về mặt thực chất chỉ là những quy định về những lĩnh vực mới mà trên thực tế chúng ta đã làm nhưng được điều chỉnh ở dưới dạng Nghị định và Quyết định. 

TIN LIÊN QUANSửa đổi Luật Điện lực: Yêu cẫu xuất phát từ thực tiễnSửa đổi Luật Điện lực: Cần có chính sách đột phá để điện lực phát triển phục vụ KT-XHCần thiết xây dựng và ban hành Luật Điện lực (sửa đổi)Cần thiết xây dựng và ban hành Luật Điện lực (sửa đổi)

"Lần này, Bộ Công Thương cố gắng làm rõ hơn thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của các loại hình nguồn điện. Chúng ta nói nhiều về điện gió ngoài khơi nhưng đến giờ này không biết ai là cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư? Không biết ai là người có thẩm quyền quyết định khảo sát đáy biển, khảo sát gió, cường độ, tần suất…. Bởi vì từ trước đến nay chúng ta chưa có nguồn điện này bây giờ mới có, cho nên chúng ta phải đưa vào luật, do đó làm tăng điều, tăng chương", Bộ trưởng phân tích.

Về cơ chế, chính sách đặc thù để phát triển năng lượng, tái tạo năng lượng mới, theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, đặc thù ở đây là đi ngược với Luật cạnh tranh, đi ngược với Luật Thương mại. Bằng chứng, nếu là thương mại thì "lời ăn lỗ chịu", cạnh tranh cũng là như thế. Nhưng đối với lĩnh vực điện lực, nếu không đưa ra sản lượng tối thiểu cho một loại hình nguồn điện (điện nền, điện khí, hay trong tương lai có thể là điện hạt nhân) thì không thể nào triển khai được.

"Như vậy, dự thảo Luật Điện lực sửa đổi lần này phải giải quyết được bài toán là có cơ chế đặc thù và giao cho Chính phủ quy định cơ chế đặc thù, ở đây là quy định sản lượng điện tối thiểu. Bao tiêu sản lượng điện tối thiểu cho những dự án điện nguồn, điện nền tập trung.

Tiếp theo, phải chấp thuận giá khí theo giá thị trường và như vậy giá điện cũng phải theo giá thị trường. Hiện khí LNG phải mua của thế giới, nhưng đầu ra điện lại quy định giá để đảm bảo an sinh, đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô. Cho nên, Luật lần này có quy định rất rõ, phát triển thị trường điện trên cả 3 cấp độ: Phát điện cạnh tranh, bán buôn cạnh tranh, bán lẻ điện cạnh tranh. Một số nguồn điện nền rất cần có những cơ chế đặc thù thì phải quy định", Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh.

Giải bài toán khó giá điện

Liên quan đến giá điện, Bộ trưởng cho hay, thực tế giá điện của chúng ta hiện nay chưa phản ánh đúng, phản ánh đủ giá thành điện năng, chúng ta mới cơ bản tính được giá sản xuất ở thị trường giao ngay so sánh với giá bán ra theo quy định của Nhà nước, một loại giá nhưng 6 bậc.

Thực tế giá, phí truyền tải điện rất lớn, đơn cử như hệ thống truyền tải từ Ninh Thuận ra phía Bắc, ngoài chi phí đầu tư hệ thống truyền tải, chi phí hao hụt đường dây, chi phí điều độ vận hành hệ thống điện cộng vào mới ra giá sản xuất, giá thành điện năng. Nhưng thực tế, từ trước đến nay hệ thống truyền tải do nhà nước đầu tư, EVN hưởng lợi từ đầu tư này, giá và phí truyền tải có được tính trong giá thành điện năng nhưng tỷ lệ rất thấp, vào khoảng 5-7% trong cơ cấu giá điện, trong khi thực tế giá và phí truyền tải, điều độ, vận hành hệ thống điện phải chiếm khoảng 30% mới đúng bản chất của giá thành.

Từ thực tế đó, trong dự thảo Luật Điện lực sửa đổi lần này, cơ quan soạn thảo phải từng bước bóc tách, ngay cả cơ chế giá thì phải là giá điện 2 thành phần (giá điện năng và giá công suất). 

Cơ quan soạn thảo sửa điểm 2, Điều 4 của dự thảo Luật từ tháng 9/2023 nhưng đến giờ không có một nhà đầu tư nào hỏi đến chuyện đầu tư về hệ thống truyền tải. Bởi họ thấy mức phí truyền tải rất thấp, trong khi đó đầu tư thì rất cao và rủi ro vận hành hệ thống lại rất lớn, cho nên không ai làm.

"Do vậy phải bóc tách từng bước giá và phí truyền tải, phí điều độ hệ thống điện ra khởi giá thành điện năng, cân đổi để làm sao đủ điều kiện, đủ sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư trong lĩnh vực này", Bộ trưởng nhấn mạnh và khẳng định: "Cơ chế để có thể quyết định chủ trương đầu tư đối với những công trình điện khẩn cấp như tôi đã báo cáo ở trên được phép chỉ định, được phép giao, nếu không thì rất chậm".

Phân cấp phân quyền để tháo gỡ nhiều vướng mắc

Liên quan đến cơ chế xử lý đối với dự án điện chậm tiến độ để bảo đảm an ninh năng lượng điện quốc gia, theo Bộ trưởng, hiện chúng ta chỉ có mỗi cơ chế theo Luật Đầu tư về xử phạt. Nhưng phạt cũng chẳng được bao nhiêu mà cốt lõi là không có điện và ảnh hưởng rất lớn đến an ninh năng lượng quốc gia.

Đặc biệt, trong dự thảo luật thì có nhiều điều thuộc thẩm quyền của Chính phủ như các đại biểu nêu, qua thảo luận đại biểu Quốc hội chuyên trách và qua góp ý ở các Đoàn đại biểu có đại biểu cho rằng, chưa đúng với nguyên tắc làm luật, tức là luật cũng không nên chi tiết quá. Bộ trưởng cho hay, quan điểm xuyên suốt từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đến nay là không làm luật khung, luật ống.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên khẳng định sẽ tiếp thu ý kiến của các đại biểu, cơ quan chủ trì soạn thảo sẽ thiết kế lại theo hướng chỉ đưa vào luật những điều khoản quy định thẩm quyền của Quốc hội, còn những nội dung chi tiết sẽ giao cho Chính phủ quy định, kể cả việc thí điểm đối với những vấn đề mới, những cơ chế, chính sách mới và báo cáo lại Quốc hội. Đảm bảo đúng tinh thần cải cách, tinh thần mới trong làm luật, sẽ có những văn bản dưới luật để cụ thể hóa điều này.

Đối với trình tự, thủ tục và thẩm quyền quyết định các dự án điện, Bộ trưởng cho biết, cơ quan chủ trì soạn thảo sẽ nghiên cứu, thiết kế lại, bảo đảm đơn giản, thuận tiện nhưng không buông lỏng quản lý và các cơ quan được phân cấp, phân quyền nhiều hơn. Tinh thần Chính phủ và Bộ chỉ làm 3 việc: (i)Quy hoạch, kế hoạch, (ii) cơ chế chính sách và (iii) là thanh tra, kiểm tra. Còn cấp phép, cấp chủ trương đầu tư cơ bản là giao cho chính quyền cấp tỉnh, thành phố.

Cơ quan soạn thảo sẽ thiết kế theo hướng triệt để phân cấp, phân quyền áp dụng công nghệ trong quản lý, xóa bỏ cơ chế xin cho, thực hiện đúng chức năng là quản lý nhà nước trên 3 nội dung chính: Quy hoạch, kế hoạch, cơ chế chính sách và thanh tra kiểm tra.

Đồng thời, tiếp thu tất cả ý kiến các đại biểu, và sẽ cố gắng soi chiếu để đồng bộ với các quy định của pháp luật hiện hành. Tinh thần chung, Luật Điện lực phải được ưu tiên để áp dụng khi mà triển khai các dự án liên quan đến điện, nếu như các dự án liên quan đến điện lại phải thực hiện đồng thời với lại các quy định của các luật khác có liên quan trong khi đó luật điện lực đã có quy định cụ thể thì thật sự sẽ là rất khó khăn.

Dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) bao gồm 9 chương với 130 điều, quy định về quy hoạch phát triển điện lực và đầu tư xây dựng dự án điện lực; phát triển điện năng lượng tái tạo và điện năng lượng mới; giấy phép hoạt động điện lực; thị trường điện cạnh tranh, giá điện, hoạt động mua bán điện; trách nhiệm, quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân hoạt động điện lực và sử dụng điện; vận hành, điều độ hệ thống điện quốc gia, điều hành giao dịch thị trường điện lực; bảo vệ công trình điện lực và an toàn trong lĩnh vực điện; quản lý nhà nước về điện lực.

Việc xây dựng Luật Điện lực (sửa đổi) để kịp thời thể chế hóa đầy đủ các chủ trương, đường lối của Đảng và đòi hỏi của thực tiễn nhằm khắc phục triệt để các khó khăn, vướng mắc, bất cập trong thực tiễn thi hành Luật Điện lực, đáp ứng nhu cầu về điện cho phát triển kinh tế - xã hội, phục vụ nhân dân. Đồng thời, tăng cường tính minh bạch trong các hoạt động điện lực, hướng tới xây dựng thị trường bán lẻ điện cạnh tranh hoàn chỉnh, trong đó, trọng tâm là điều chỉnh cơ chế giá điện theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước...

Phan Trang


Link nội dung: https://dulichgiaitri.vn/khong-sua-luat-dien-luc-se-kho-thu-hut-dau-tu-a187763.html