Nói gì thì nói, cuộc sống bây giờ có nhiều thay đổi đến chóng mặt, đến mức có chuyện hai thế hệ trong một nhà không hiểu nhau, bố mẹ cứ định kể chuyện gì ngày xưa để tranh thủ... dạy con bằng cách ôn nghèo kể khổ là chúng lảng ngay, chưa kể có đứa còn bĩu môi phản ứng, bố mẹ cứ thế lúc nào mới đến... thiên đường.
Nhưng quả là, có những chuyện mà khi có người đụng đến, nó ra ào ào, đến mức người trong cuộc ngơ ngẩn: làm sao mà chúng ta lại sống qua được cái thời ấy nhỉ?
Trên thế giới chắc ít có nước như nước ta, qua khỏi cuộc chiến tranh kéo dài mấy chục năm, gặp ngay chính sách cấm vận, rồi chúng ta loay hoay vận hành quản lý đất nước bằng tư duy cũ, đầy võ đoán, duy ý chí, rằng đã oánh thắng hai đế quốc to thì làm gì cũng được. Và chúng ta mang cái tư tưởng lạc quan ấy hăm hở xây dựng cuộc sống mới.
Và mới biết nó không dễ như những gì chúng ta tưởng tượng ra.
Nhưng điều vĩ đại là, chúng ta đã vượt qua để giờ thi thoảng nhớ lại, người trong cuộc cũng không hiểu nổi tại sao cũng ta lại tồn tại được tới bây giờ.
Và điều quan trọng nữa, chúng ta đã lạc quan, đã hết sức tự tin trước những hoàn cảnh hết sức nghiệt ngã.
Thì câu chuyện tôi kể sau đây là một minh chứng.
Hôm qua, Hoàng Thái, giờ là yếu nhân (phó giám đốc) của VTV8 kể khi anh lên Pleiku gặp tôi và... nhậu.
Nhà Thái ở quê, ở Quảng Nam ấy, nơi khốc liệt nhất của cuộc chiến tranh, rất nghèo. Ba mẹ sinh đâu... 8 anh em. Đầu những năm 80 của thế kỷ trước, được đi học đại học là cứ... học đại thế, chưa biết rồi ra sẽ thế nào?
Ra trường, lêu nghêu thất thểu ở thành phố, tiền không có mà còn lại bị gợi ý khoảng vài "chỉ" thì mới mong vô được chân văn thư ở 1 cơ quan lèo phèo nào đó. Về (quê) thì biết đâm đầu vào đâu? vì lỡ "nổ" với ba là đã ra trường đi làm rồi.
Một hôm đi với một đứa bạn, ra ngã ba Huế (Đà Nẵng), nơi xe đò vào nam ra bắc tấp nập, nói với bạn: giờ tung đôi sapo (dép thời ấy mà hôm qua một ông rất thông minh và giàu cứ hỏi mãi nó là cái thứ gì?) lên trời, nếu cả 2 sấp thì đi ra Bắc (định ra Huế, may mà không ra chứ Huế hồi ấy đói gần chết, đói nhất nước, và cái người Thái định ra gặp thì vừa đói vừa... sợ vợ), nếu cả hai ngửa thì đi vào Nam, và một sấp một ngửa thì... tự tử.
Cả hai ngửa.
Bạn vét hết túi đưa cho mấy đồng lẻ nhàu nhĩ. Ổng có mấy đồng nữa.
Leo lên 1 cái xe rờ nôn chạy than cà rịch cà tang từ Đà Nẵng đi Quy Nhơn với lộ trình... 2 ngày, giờ chỉ 5 tiếng đồng hồ là tới.
Lên xe lơ thu tiền, móc hết tiền đưa, lơ xe bảo tiền này không đủ đi Quy Nhơn. Ổng bảo tới đâu hết tiền thì cho xuống, nhưng đích vẫn là Quy Nhơn, ở đấy Thái lờ mờ nhớ có một thằng bạn thời... ở truồng, nghe nói cũng đang lay lắt ở đó.
Lơ xe cầm tiền rồi thi thoảng lại ngó ông khách. Chạy được nửa ngày chả thấy ăn uống gì, hỏi: Sinh viên ra trường đúng không? Sao anh biết? Tui cũng Bách khoa đây, trong lúc xin việc chưa ra thì... lơ xe đã. OK tui cho tới Quy Nhơn và... bao ăn nếu ông kia đồng ý.
Ông kia, tức lái xe. May, lái xe đồng ý. Thế là Thái được ăn mấy bữa cơm ngon lành của nhà xe, tới bến xe Quy Nhơn.
Nhưng Quy Nhơn mù mịt thế, biết bạn ở đâu? Lại ông lơ xe nói: thôi lên nóc xe ngủ với tui đêm nay, mai đi mô nữa tui gửi cho. Lại nhớ có bạn ở Buôn Ma Thuột. OK ngủ đi mai tui gửi xe.
Và được gửi xe đi Buôn Ma Thuột, được bao ăn dọc đường.
Lên Buôn Ma Thuột gặp ông xe ôm giọng Quảng, mừng húm, chú ơi con có bạn ở trường đại học. Trời ơi đại học rộng thế biết đứa mô ra đứa mô? dạ chú cứ chở con tới đó, con tìm sẽ ra.
Thế là tới cổng trường, phục ở đấy... hai ngày thì gặp. Bạn dẫn về nhà, và tá túc ở nhà bạn... 9 tháng.
Đoạn sang Pleiku như thế này.
Lục hết trí nhớ, cứ ở đâu có bạn, đàn anh là tìm đến. Nghe nói ở Pleiku có ông Văn Công Hùng học khóa 1, nghe nói mần chi đó, có vợ rồi, thì bèn tìm.
Lần mò tìm tới khu tập thể Ty Văn hóa, thấy một lão lêu đêu như cây sậy mà lại lùn, đầu gối củ lạc, râu tóc tốt hơn người, hỏi cho cháu hỏi anh Văn Công Hùng. Tớ Văn Công Hùng đây... thế là ông Văn Công Hùng lôi đi chiêu đãi, thịt chó.
Và nhớ mãi từ đấy.
Tôi là cái ông lêu đêu râu tóc ấy, thì chả nhớ gì, vì hồi ấy nhà luôn đông khách. Gọi là nhà nhưng là một căn trong dãy nhà tập thể, nguyên là khu gia binh của quân đội Việt Nam cộng hòa từ trước 1975.
Pleiku là đô thị phục vụ chiến tranh mà, khi ấy giăng giăng các hàng rào kẽm gai, các con đường lót ghi (có người gọi là ri, hoặc gi) bằng hợp kim của Mỹ (sau này là nguồn sống của cả ngàn người Pleiku khi ấy, đi tìm cọc sắt 3 cạnh, dây thép gai và đặc biệt là các tấm ghi bán lấy tiền). Khách văn cả nước hay lấy nhà tôi làm trạm nghỉ trên đường... hành chữ, trên đường giang hồ, cái mốt thời ấy.
Rồi sinh viên của trường ĐHTH Huế ra trường, nghe các thầy chúng là bạn tôi kể về ông Văn Công Hùng là ghé tìm. Nhớ có lần đâu hai giờ sáng có đứa gọi cửa, ra mở: Dạ anh, em là học trò thầy P, anh cho em ngủ nhờ một đêm. Chả hỏi han gì, lôi nó vào, quăng cho cái chiếu và cái vỏ chăn: chui vào giữa 2 lớp vỏ chăn mà ngủ không muỗi nó khiêng đi đấy.
Sáng mai đưa nó đi tô ly điếu đàng hoàng, hồi ấy là rất xịn, nó còn hỏi: Thế lỡ tối qua em là cướp thì sao? bảo thứ nhất là nhà tao chả có gì để cướp, trừ sách. Chả cướp nào cướp sách cả, thứ 2 tao tin thầy mày, dù thầy mày chưa chắc đã... đáng tin hihi.
Thì như ông Thái này, giờ ổng kể mới nhớ chứ nhớ quái đâu, đông khách kiểu thế quá mà. Nhưng hôm ấy ổng uống vào kể rất xúc động, là sau đấy chả biết anh ở đâu.
Mãi năm 1997, về đài truyền hình Đà Nẵng, lên Gia Lai thường trú mới gặp lại, rồi sau này lại thấy mấy ông em của ông ấy chơi với tôi, khoe ảnh lên facebook. Thế là kết nối trên facebook.
Hồi ấy, gặp khách là tôi hay làm hai món để đãi, một là... tiết canh. Mua tiết lợn hãm sẵn ngoài chợ, cái cổ họng và cục xương nữa. Cổ họng luộc làm nhân, xương ninh cùng lấy nước thả gạo vào nấu cháo. Tiết canh đếm người mỗi người 1 bát. Ngoài cái cổ họng băm nhỏ thì thêm các loại rau thơm với lạc rang cho nó đầy bát. Ăn xong bát tiết canh với rượu có bát cháo xương nữa, gờm, lại chả như bây giờ macallant với bò Úc. Với một lượng tiền rất ít có thể đãi cả năm bảy ông vừa no vừa say. Món thứ 2 là... thịt chó. Nó rẻ nhất hồi ấy mà lại phong phú, gọi 3 đĩa 1 tô là mấy thằng cũng nhòe, ngất ngưởng như quân vương. Thế mà nhiều khi vẫn phải ký nợ. Ôi giá giờ sưu tầm được cái sổ nợ quăn queo bẩn thỉu mà phần dành cho tôi tới mấy trang ấy thú vị phết.
Khách nào ở lâu thì tôi... xoay vòng như giờ luân chuyển cán bộ á, là chia bớt cho các bạn văn Pleiku, ví dụ nhà văn Phạm Đức Long, hồi ấy là trạm trưởng trạm truyền giống gia súc mà nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo gọi là truyền tinh... nhân dân. Có lần tôi chứng kiến Phạm Đức Long ký phiếu chi nội dung: chi 20 liều tinh tiếp khách- mở ngoặc đơn: nhạc sĩ NTT he he.
Tôi nghe Thái kể xong cũng rưng rưng nhớ một thời, nhưng máu nghề nghiệp nổi lên, lấy tư cách đàn anh lệnh: chú viết lại chuyện chú đời đầu đi, thành cái ký rất hay á. Dân học văn, nhưng bập vào truyền hình là hỏng đi, vì toàn chạy theo sự kiện.
May chú còn... mần thơ (có tội của tôi xúi), và quả là thơ Thái khá hay, tôi lại đang xui phải in tập thơ chứ cứ in lẻ trên báo như lâu nay nó chưa thành tác giả được.
Là còn một đoạn ổng kể rất kinh nữa, lang thang ở cái huyện giờ ở tỉnh Đăk Lắk, bây giờ là Buôn Đôn ấy, cả gần năm trời, được một gia đình người bạn cưu mang, chết hụt bởi mấy bận đi đốn gỗ (bây giờ gọi là lâm tặc), rồi dính sốt rét ác tính. Sau này, khi có điều kiện, Thái đưa vợ con trở lại thăm gia đình ân nhân ở Buôn Đôn, nghe nói cả hai bên đều... khóc.
Một đoạn thơ của Thái về ngày ấy: "Muốn úp mặt vào khoảnh rừng buổi ấy/ để nghe ta thở dốc giữa mây mù/ cơn sốt giật nghiêng ngày đêm Ea sup/ chiều Buôn Đôn lạnh thấu cả núi đồi"...
Mấy đứa nhóc con Thái nghe chuyện của cha nó mà há hốc mồm.
Nhưng phải có những ngày thuở ấy, mới thấy quý hôm nay.
* Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả
Link nội dung: https://dulichgiaitri.vn/nhung-cau-chuyen-mot-thoi-a187795.html