UAE - đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam tại Tây Á

(Chinhphu.vn) - Năm 2023, UAE là thị trường xuất khẩu lớn nhất và là đối tác thương mại lớn thứ hai (sau Kuwait) của Việt Nam tại Tây Á. Trong giai đoạn 2019-2023, tổng trao đổi thương mại giữa hai nước bình quân đạt khoảng 4,8 tỷ USD/năm. Về cán cân thương mại, Việt Nam luôn xuất siêu sang thị trường UAE với giá trị lớn (trên 3 tỷ USD/năm).

UAE - đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam tại Tây Á- Ảnh 1.

Điện thoại, linh kiện điện tử là một trong số những nhóm hàng Việt Nam xuất khẩu nhiều nhất vào UAE

Kể từ khi Việt Nam và UAE thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 1/8/1993, hợp tác song phương duy trì đà phát triển tốt đẹp với nhiều kết quả thực chất. Về chính trị, hai nước thường xuyên trao đổi đoàn các cấp. Quan hệ Việt Nam – UAE ngày càng được củng cố và thắt chặt hơn sau những chuyến thăm của lãnh đạo cấp cao hai nước. 

Trong đó, nổi bật là: chuyến thăm và làm việc tại UAE của Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên (tháng 4/2023); chuyến thăm và làm việc tại UAE của Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân (tháng 5/2023); chuyến thăm chính thức Việt Nam của Bộ trưởng Ngoại giao UAE Sheikh Abdullah bin Zayed Al Nahyan (tháng 6/2023); Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự Hội nghị lần thứ 28 các Bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu (COP28), kết hợp hoạt động song phương tại UAE (tháng 12/2023); Quốc vụ khanh phụ trách ngoại thương của Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) Thani bin Ahmed Al Zeyoudi thăm Việt Nam (tháng 8/2024)...

Những chuyến thăm này đã góp phần làm sâu sắc thêm quan hệ song phương, đồng thời mở ra nhiều cơ hội hợp tác giữa hai nước trên nhiều lĩnh vực trong thời gian tới. Đáng chú ý, trong những chuyến thăm, lãnh đạo cấp cao hai nước đều khẳng định hợp tác kinh tế luôn là trụ cột quan trọng và là điểm sáng trong bức tranh tổng thể quan hệ hợp tác Việt Nam-UAE.

"Việt Nam luôn coi UAE là một trong những đối tác quan trọng nhất tại khu vực Trung Đông. Việt Nam đánh giá cao vai trò, vị trí của UAE, là một trung tâm kinh tế, thương mại, tài chính, du lịch, logistics hàng đầu của khu vực Trung Đông và thế giới", Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên thông tin và cho biết, từ đầu năm 2024 đến nay, hai bên đã ghi nhận nhiều kết quả hợp tác tốt đẹp về thương mại và đầu tư.

Thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam tại Tây Á

Năm 2023, UAE là thị trường xuất khẩu lớn nhất và là đối tác thương mại lớn thứ hai (sau Kuwait) của Việt Nam tại Tây Á. Trong giai đoạn 2019-2023, tổng trao đổi thương mại giữa hai nước bình quân đạt khoảng 4,8 tỷ USD/năm. Về cán cân thương mại, Việt Nam luôn xuất siêu sang thị trường UAE với giá trị lớn (trên 3 tỷ USD/năm).

Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) là nền kinh tế lớn thứ hai trong sáu quốc gia thuộc Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC), là trung tâm tài chính-thương mại hàng đầu ở Trung Đông và là quốc gia sản xuất dầu mỏ lớn thứ 4 trong Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC). Ngành công nghiệp chủ chốt tại UAE là khai thác và chế biến dầu mỏ, với sản lượng dầu khai thác đạt khoảng hơn 3 triệu thùng/ngày. Các ngành nông nghiệp quan trọng khác tại UAE là chăn nuôi và trồng chà là.

Tính đến hết quý III/2024, tổng trao đổi thương mại song phương đạt gần 5 tỷ USD, tăng 38% so với cùng kỳ năm 2023; trong đó Việt Nam xuất khẩu đạt 4,3 tỷ USD, tăng 7,5% và nhập khẩu đạt trên 650 triệu USD, tăng 10%.

Việt Nam xuất khẩu sang UAE các mặt hàng chính như: điện thoại di động và linh kiện; máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; giày dép, hàng dệt may; hạt điều, hạt tiêu; phương tiện vận tải và phụ tùng; hàng rau quả; hàng thủy sản… 

Nhập khẩu các mặt chủ yếu: dầu mỏ; khí đốt hóa lỏng; chất dẻo nguyên liệu; kim loại thường khác; thức ăn gia súc và nguyên liệu…

Tính đến tháng 6/2024, UAE có 41 dự án đầu tư trực tiếp (FDI) tại Việt Nam với lũy kế tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 71,6 triệu USD. Tiềm năng thu hút đầu tư từ UAE còn rất lớn khi nước này sở hữu nhiều quỹ đầu tư FDI có quy mô lớn nhất thế giới, trong đó Cơ quan Đầu tư Abu Dhabi quản lý 853 tỷ USD là quỹ đầu tư lớn thứ tư trên thế giới; Tập đoàn Đầu tư Dubai quản lý 320,8 tỷ USD, đứng thứ 12 trên thế giới; Công ty Đầu tư Mubadala quản lý 276 tỷ USD, đứng thứ 13 trên thế giới…

UAE - đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam tại Tây Á- Ảnh 2.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã thống nhất với Quốc vụ khanh Bộ Kinh tế Các Tiểu vương quốc Ả-rập Thống nhất (UAE), ông Thani bin Ahmed Al Zeyoudi các nội dung cuối cùng trong đàm phán Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện (CEPA) ngày 30/7/2024 - Ảnh: MOIT

Hiệp định CEPA – nền tảng nâng tầm quan hệ hợp tác

Theo Phòng Thương mại Quốc tế Dubai (Dubai Chambers), tiềm năng hợp tác kinh tế, thương mại giữa Việt Nam và UAE còn rất lớn, bởi hai nền kinh tế có thế mạnh bổ sung cho nhau. Hai nước đã tiến hành đàm phán Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện Việt Nam-UAE (CEPA) từ tháng 6/2023 và dự kiến hoàn tất đàm phán, ký kết CEPA nhân chuyến thăm của Thủ tướng Chính phủ tới UAE dịp này.

Trong các cuộc tiếp xúc gần đây, lãnh đạo hai nước đều nhất trí sớm hoàn tất đàm phán để đi đến ký kết hiệp định CEPA. Hiệp định được kỳ vọng không chỉ giúp xuất khẩu trực tiếp hàng hóa của Việt Nam sang UAE, mà còn giúp hàng hóa của Việt Nam thâm nhập thị trường Trung Đông thông qua "cửa ngõ UAE."

Gần đây nhất, trong buổi tiếp và làm việc với Quốc vụ khanh Bộ Kinh tế các Tiểu vương quốc Ả-rập Thống nhất (UAE) Thani bin Ahmed Al Zeyoudi diễn ra hôm 26/8/2024, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cũng đã nhấn mạnh tầm quan trọng của Hiệp định CEPA trong việc thúc đẩy hợp tác về thương mại, công nghiệp, năng lượng, logistics giữa hai bên. Bộ trưởng đề nghị cấp kỹ thuật của hai Bên tích cực phối hợp chặt chẽ để sớm hoàn tất đàm phán, đi đến ký kết hiệp định.

Đồng tình với quan điểm của Bộ trưởng, Quốc vụ khanh Thani bin Ahmed Al Zeyoudi hi vọng các Bộ, ngành của Việt Nam và UAE cùng phối hợp rà soát, nghiên cứu đàm phán và thúc đẩy ký kết các văn kiện, thỏa thuận hợp tác khác nhân dịp trao đổi đoàn cấp cao của Lãnh đạo hai nước trong thời gian tới như Bản ghi nhớ (MoU) giữa các Phòng Thương mại và Công nghiệp, MoU về thành lập Trung tâm dữ liệu...

Nhấn mạnh về vai trò, ý nghĩa của Hiệp định CEPA, Đại sứ Việt Nam tại UAE Nguyễn Thanh Diệp cũng nhận định, đây là FTA đầu tiên Việt Nam đàm phán với một nước Arab ở khu vực Trung Đông - châu Phi. Hiệp định CEPA có ý nghĩa và triển vọng to lớn, là một cột mốc quan trọng trong quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và UAE, mở ra một giai đoạn mới về hợp tác chiến lược chung trong nhiều lĩnh vực giữa Việt Nam và UAE.

Hiệp định CEPA sẽ là căn cứ pháp lý, tạo ra một nền tảng mới nhằm thúc đẩy hơn nữa hợp tác chung về kinh tế giữa hai nước, thông qua việc giảm hoặc xóa bỏ thuế quan đối với nhiều loại hàng hóa và dịch vụ; tạo ra cơ hội tăng cường khả năng tiếp cận thị trường, thúc đẩy dòng vốn FDI và tạo ra các cơ hội mới trên một số lĩnh vực quan trọng cho cộng đồng doanh nghiệp của cả hai nước.

Dự báo hợp tác trong các lĩnh vực thương mại, đầu tư, kinh tế, công nghiệp, năng lượng, logistics, nông nghiệp và cơ sở hạ tầng, công nghệ cao, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, đổi mới sáng tạo, hợp tác lao động… sẽ được thúc đẩy khi tiến trình CEPA mở ra.

Tăng tính cạnh tranh của sản phẩm để thuận lợi xuất khẩu vào UAE

Dù tiềm năng hợp tác giữa hai nước còn rất lớn, song theo Thương vụ Việt Nam tại UAE, UAE lại là thị trường có tính cạnh tranh rất khốc liệt, đây cũng là thách thức lớn nhất đối với các doanh nghiệp Việt Nam. 

Ngoài ra, còn một thách thức khác nữa đối với các doanh nghiệp Việt Nam đó là phải cạnh tranh trực tiếp với các doanh nghiệp từ một số quốc gia mà họ đã ký CEPA với UAE như Ấn Độ, Indonesia, Israel và Thổ Nhĩ Kỳ… do doanh nghiệp của các nước này đã được hưởng ưu đãi khi xuất hàng vào UAE, tạo ra lợi thế cạnh tranh đối với các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam.

Để có thể thúc đẩy hơn nữa xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam vào UAE, các doanh nghiệp Việt Nam cần phải áp dụng khoa học, công nghệ tiên tiến trong sản xuất, thay đổi phương thức quản lý, giảm thiểu các chi phí trung gian, nhằm giảm giá thành sản phẩm, tăng tính cạnh tranh của các sản phẩm Việt Nam.

Ngoài ra, do UAE là quốc gia Hồi giáo, do đó, các doanh nghiệp Việt Nam cũng cần phải tìm hiểu về văn hóa và nhu cầu tiêu dùng của người Hồi giáo, xây dựng hệ thống chứng nhận tiêu chuẩn Halal cho các sản phẩm thực phẩm, đồ uống, mỹ phẩm, thời trang Hồi giáo… khi xuất khẩu vào UAE.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Phu nhân cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đang có chuyến thăm chính thức Các Tiểu Vương quốc Arab Thống nhất (UAE), Nhà nước Qatar, tham dự Hội nghị Sáng kiến đầu tư tương lai lần thứ 8 và thăm, làm việc tại Vương quốc Saudi Arabia từ ngày 27/10 đến ngày 1/11/2024. Trưa ngày 27/10 (theo giờ địa phương, chiều cùng ngày theo giờ Hà Nội), Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng Phu nhân và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới Thủ đô Abu Dhabi, bắt đầu chuyến thăm chính thức Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) theo lời mời của Tổng thống UAE Mohamed bin Zayed Al Nahyan.

Với nền tảng quan hệ tốt đẹp trong hơn 30 năm qua, chuyến thăm chính thức UAE của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính lần này nhằm tiếp tục triển khai đường lối đối ngoại của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, chính sách đa phương hóa, đa dạng hóa, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, trong đó ưu tiên đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa đối tác, đa dạng hóa chuỗi cung ứng, góp phần tiếp tục củng cố môi trường hòa bình, hợp tác, thu hút tối đa các nguồn lực phục vụ phát triển đất nước.

Chuyến thăm sẽ tiếp tục góp phần củng cố tin cậy chính trị và tạo động lực mới mang tính đột phá cho hợp tác của Việt Nam với UAE trên nhiều lĩnh vực, từ kinh tế, thương mại, đầu tư, tới các lĩnh vực hợp tác mới như đổi mới sáng tạo, khoa học, công nghệ, năng lượng.

Phan Trang


Link nội dung: https://dulichgiaitri.vn/uae-doi-tac-thuong-mai-quan-trong-cua-viet-nam-tai-tay-a-a187862.html