Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, đạt mục tiêu Chính phủ giao

(Chinhphu.vn) - Chiều ngày 28/10, Thời báo Tài chính Việt Nam phối hợp cùng Vụ Đầu tư (Bộ Tài chính) tổ chức tọa đàm “Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công”.

Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, đạt mục tiêu Chính phủ giao- Ảnh 1.

Tọa đàm "Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công" - Ảnh: VGP/HT

Động lực quan trọng nhưng tốc độ còn chưa như kỳ vọng

Năm 2024, Chính phủ tiếp tục coi giải ngân đầu tư công là động lực quan trọng để tăng tốc phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội.

Ngay từ đầu năm, tại Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 5/1/2024 của Chính phủ, việc triển khai thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2024 đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xác định là một trong các nhiệm vụ chính trị trọng tâm, quan trọng cần quan tâm, điều hành, chỉ đạo sát sao. Tại các Phiên họp Chính phủ thường kỳ, nội dung về đầu tư công thường xuyên được Chính phủ thảo luận, phân tích và có các chỉ đạo, giải pháp cụ thể để đưa vào Nghị quyết của phiên họp. Từ đầu năm đến nay, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều Chỉ thị, Công điện và văn bản chỉ đạo để đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công. Đồng thời, phát huy vai trò 7 tổ công tác của Thủ tướng và 26 tổ công tác của thành viên Chính phủ làm việc với các địa phương để kiểm tra, đôn đốc công tác giải ngân vốn đầu tư công.

Căn cứ các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về giải ngân vốn đầu tư công, Bộ Tài chính đã có nhiều văn bản đôn đốc, hướng dẫn các bộ, cơ quan trung ương và địa phương quyết liệt thực hiện các giải pháp thúc đẩy tiến độ, đẩy mạnh giải ngân các dự án quan trọng quốc gia, các công trình trọng điểm; nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng vốn đầu tư công.

Để đưa nguồn vốn đầu tư công đi nhanh vào trong xã hội, giúp thu hút đầu tư của các thành phần kinh tế khác, với chức năng và nhiệm vụ được giao, Bộ Tài chính đã thực hiện kịp thời công tác kiểm tra phân bổ vốn chi tiết của các bộ, ngành, địa phương. Đối với những đơn vị phân bổ không đúng quy định, Bộ Tài chính có văn bản gửi từng bộ, cơ quan trung ương đề nghị điều chỉnh lại kế hoạch phân bổ chi tiết, sau đó cơ bản các bộ, cơ quan trung ương đã có báo cáo bổ sung hoặc điều chỉnh lại phương án phân bổ chi tiết kế hoạch vốn đầu tư nguồn NSNN theo đúng quy định..

Về phía các bộ, ngành, địa phương cũng đưa ra quyết tâm và nỗ lực thực hiện các giải pháp để giải ngân hết số vốn được giao, giúp phát triển kinh tế của cả nước nói chung, của địa phương nói riêng.

Tuy nhiên, theo Bộ Tài chính, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công ước đến hết tháng 10 của cả nước ước đạt 47,43% kế hoạch; đạt 52,29% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, chưa đạt kỳ vọng đặt ra.

Bên cạnh các địa phương, bộ, ngành còn lúng túng trong triển khai giải ngân vốn đầu tư công thì có những địa phương, bộ, ngành đã triển khai giải ngân tốt. Đáng chú ý, có 15/44 bộ, cơ quan trung ương và 41/63 địa phương đã nỗ lực phấn đấu, đạt tỷ lệ giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công ước 10 tháng đạt trên mức trung bình của cả nước. Tiêu biểu một số bộ, cơ quan trung ương có tỷ lệ giải ngân cao gồm: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Giao thông vận tải, Đài Truyền hình Việt Nam, Ngân hàng Chính sách xã hội, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Long An, Hòa Bình, Tiền Giang, Thanh Hóa…

Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, đạt mục tiêu Chính phủ giao- Ảnh 2.

Ông Dương Bá Đức, Vụ trưởng Vụ Đầu tư (Bộ Tài chính) phát biểu tại tọa đàm - Ảnh: VGP/HT

Khẩn trương gỡ vướng, tăng tốc giải ngân

Theo ghi nhận từ phía Bộ Tài chính, đến nay, nhiều khó khăn vướng mắc ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân vẫn chưa được giải quyết dứt điểm như: vướng mắc về cơ chế chính sách; giải phóng mặt bằng, quy hoạch sử dụng đất và nguồn cung ứng nguyên vật liệu; vướng mắc ở các khâu hoàn thiện thủ tục đầu tư, quy trình giải ngân của các dự án ODA.

Để góp phần thúc đẩy tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, Thủ tướng Chính phủ đã ra Công điện đôn đốc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm 2024. Bộ Tài chính đã có nhiều kiến nghị và giải pháp để thực hiện mục tiêu giải ngân tối thiểu 95% kế hoạch được giao.

Ông Dương Bá Đức, Vụ trưởng Vụ Đầu tư (Bộ Tài chính) cho biết: Trên cơ sở nhận diện được các vướng mắc, tại các Phiên họp Chính phủ thường kỳ, nội dung đầu tư công thường xuyên được Chính phủ thảo luận, phân tích để có các chỉ đạo kịp thời. Từ đầu năm 2024 đến nay, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có các Nghị quyết, Chỉ thị, văn bản chỉ đạo điều hành, đôn đốc việc giải ngân vốn đầu tư công (4 Chỉ thị; 5 công điện).

Đồng thời, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đang quyết liệt chỉ đạo việc sửa đổi, thay thế đồng bộ các cơ chế, chính sách có liên quan đến dự án đầu tư công để trình Quốc hội vào Kỳ họp tháng 10 như: Sửa đổi Luật Đầu tư công, Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật đấu thầu; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật chứng khoán, Luật kiểm toán độc lập, Luật Kế toán, Luật ngân sách nhà nước, Luật quản lý sử dụng tài sản công,...

"Vụ Đầu tư cùng kho bạc kiểm tra tìm các nguyên nhân, trong tổ chức triển khai, một số dự án vướng cơ chế chính sách, các bước triển khai các dự án lớn còn dài. Có tiền rồi, làm chủ trương đầu tư, làm dự án, đấu thầu... rất lâu. Vướng luật khó xoay chuyển được", ông Dương Bá Đức nói.

Theo đại diện Bộ Tài chính: Với quan điểm chỉ đạo xuyên suốt trong quá trình sửa các Luật dựa trên nguyên tắc: đổi mới tư duy xây dựng pháp luật, đáp ứng kịp thời thực tiễn, tăng cường phân cấp, phân quyền, đây được coi là cải cách lớn và đồng bộ nhằm tháo gỡ các khó khăn mang tính điểm nghẽn đối với việc thực hiện và giải ngân các dự án đầu tư công.

Với vai trò là cơ quan quản lý về giải ngân vốn đầu tư công, Bộ Tài chính đã tích cực tổng hợp, rà soát, đánh giá để tham mưu TTCP, Chính phủ nhiều giải pháp chỉ đạo điều hành kế hoạch đầu tư công năm 2024 như: Công khai hàng tháng số liệu giải ngân của từng dự án quan trọng quốc gia, dự án trọng điểm giao thông, dự án liên vùng... gửi tới từng bộ, cơ quan trung ương và địa phương để nắm bắt và có giải pháp kịp thời đôn đốc việc triển khai dự án và điều hành kế hoạch vốn của các dự án; chủ động thực hiện các giải pháp điều hành, đáp ứng đủ nhu cầu vốn kế hoạch năm theo tiến độ cho các dự án trong phạm vi dự toán đã được Quốc hội giao; kho bạc nhà nước đồng bộ triển khai dịch vụ công trực tuyến, tạo điều kiện thuận lợi cho đơn vị sử dụng ngân sách có thể giao dịch với KBNN 24/7 (kể cả ngày nghỉ/ngày lễ), tại bất cứ địa điểm nào có kết nối internet.

Đáng chú ý, Phó Thủ tướng Chính phủ - Bộ trưởng Bộ Tài chính trực tiếp làm Tổ trưởng, kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư năm 2024 tại một số địa phương. Qua đó, trực tiếp tháo gỡ các vướng mắc trong thẩm quyền và đôn đốc tới các địa phương triển khai quyết liệt các giải pháp nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân các dự án.

Cụ thể từ góc độ ngành GTVT, ông Nguyễn Anh Dũng, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch, Bộ GTVT cho biết, tính đến hết tháng 9/2024, Bộ GTVT được Thủ tướng Chính phủ giao 71.288 tỷ đồng kế hoạch vốn năm 2024 và vừa rồi mới được giao thêm 1.240 tỷ đồng từ nguồn tăng thu ngân sách trung ương năm 2022. Dự kiến sẽ được Thủ tướng Chính phủ giao bổ sung thêm 2.954 tỷ đồng cho các dự án nhóm B đang thiếu vốn. Như vậy, năm 2024, Bộ GTVT dự kiến được giao khoảng 75.482 tỷ đồng.

Về kết quả giải ngân, tính đến hết tháng 10/2024, Bộ GTVT đã giải ngân được 47.759 tỷ đồng, đạt 63% kế hoạch. Theo báo cáo của các chủ đầu tư/Ban QLDA, Bộ GTVT dự kiến năm 2024 sẽ giải ngân được khoảng 75.228 tỷ đồng, đạt 99,7% kế hoạch, đáp ứng yêu cầu chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là giải ngân tối thiểu 95% kế hoạch vốn giao.

Về các khó khăn vướng mắc ảnh hưởng đến kết quả giải ngân của Bộ GTVT, ông Nguyễn Anh Dũng cho biết có 4 khó khăn chính. Thứ nhất, trình tự, thủ tục đầu tư xây dựng qua nhiều khâu, nhiều bước nên mất rất nhiều thời gian (đặc biệt là các thủ tục như: chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, đất rừng, đất lúa).

Thứ hai, công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, di dời công trình hạ tầng kỹ thuật vẫn là khâu tiềm ẩn nhiều rủi ro, gây ảnh hưởng tới tiến độ thực hiện và giải ngân của các dự án.

Thứ ba, về vật liệu xây dựng, thời gian vừa qua được Quốc hội, Chính phủ cho phép áp dụng cơ chế đặc thù về khai thác mỏ đã giảm bớt nhiều thủ tục. Tuy nhiên, hiện nay nguồn cung cấp vật liệu tại một số dự án vẫn còn vướng mắc, chậm được giải quyết, đặc biệt trong việc cấp phép, nâng công suất các mỏ, làm ảnh hưởng tới tiến độ triển khai các dự án.

Thứ tư, thời tiết ngày càng bất thường, rất khó dự báo; đặc biệt thời gian tới vào mùa mưa lũ, chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới tiến độ thực hiện, giải ngân các dự án.

Phó Thủ tướng Lê Thành Long kiểm tra, đôn đốc giải ngân đầu tư công tại 5 địa phương Đông Nam BộQuy định về ủy quyền, phân cấp đầu tư dự án đầu tư côngThủ tướng phê bình, yêu cầu kiểm điểm trách nhiệm chậm giải ngân đầu tư công

Trong khi đó, chuyên gia kinh tế, PGS. TS Trần Đình Thiên nhận định, giải ngân dự án đường dây 500 kV mạch 3 là "điều thần kỳ" khi 6 tháng đã hoàn thành với tiến độ rất ấn tượng với động lực thúc đẩy từ toàn tuyến, từ trung ương đến địa phương.

Vị chuyên gia cũng cho biết ấn tượng với tốc độ giải ngân sân bay Long Thành. Hai dự ản "khủng" tưởng chừng như giải ngân sẽ rất khó nhưng với sự chỉ đạo và triển khai quyết liệt đã hoàn thành giai đoạn đầu rất tốt. Từ kinh nghiệm hay của 2 dự án này chúng ta sẽ tìm ra bài học cho các dự án khác.

"Bên cạnh 'ấn tượng dương' thì cũng có 'ấn tượng âm' như TPHCM. Tôi nghĩ không phải do TPHCM kém linh hoạt hay kém nỗ lực nhưng vẫn chậm dù có cả Nghị quyết riêng về giải ngân. Trong khi đó, TP Hà Nội tuy giải ngân cao hơn TPHCM nhưng vẫn mức trung bình cả nước. Vậy, nhiều địa phương gánh vác thúc đẩy tăng trưởng quốc gia nhưng lại giải ngân thấp là điều chúng ta phải suy nghĩ", TS Trần Đình Thiên nói.

Anh Minh


Link nội dung: https://dulichgiaitri.vn/day-manh-giai-ngan-von-dau-tu-cong-dat-muc-tieu-chinh-phu-giao-a187911.html