2 tỷ phụ nữ và trẻ em gái không được tiếp cận dịch vụ bảo trợ xã hội

(PNTĐ) - Theo báo cáo của Cơ quan Liên hợp quốc về Bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women), cuộc sống của 2 tỷ phụ nữ và trẻ em gái trên thế giới đang bị đe dọa bởi sự thiếu hụt nghiêm trọng chính sách về bảo trợ xã hội.

2 tỷ phụ nữ và trẻ em gái không được tiếp cận dịch vụ bảo trợ xã hội - ảnh 1
Phụ nữ và trẻ em khó tiếp cận với các dịch vụ bảo trợ xã hội làm trầm trọng thêm tình trạng nghèo đói và đẩy lùi sự tiến bộ của cộng đồng.
Ảnh: UNWomen

Báo cáo không chỉ phơi bày sự bất bình đẳng giới đang ngày càng gia tăng mà còn nhấn mạnh tác động tàn phá của việc thiếu vắng bảo trợ xã hội đối với cuộc sống của phụ nữ và trẻ em gái, làm trầm trọng thêm tình trạng nghèo đói và đẩy lùi sự tiến bộ của cộng đồng.

Vấn đề cơ bản nằm ở sự thiếu hụt đáng kể các chính sách bảo trợ xã hội, bao gồm trợ cấp tiền mặt, bảo hiểm thất nghiệp, chế độ hưu trí, và nhất là chăm sóc sức khỏe. Sự thiếu hụt này không chỉ tác động trực tiếp đến cuộc sống của phụ nữ và trẻ em gái mà còn tạo ra một chuỗi tác động tiêu cực, ảnh hưởng đến các thế hệ sau. 

Chế độ thai sản, một trong những quyền lợi cơ bản của phụ nữ, cũng đang bị xói mòn ở nhiều quốc gia. Theo các dữ liệu nghiên cứu, có tới hơn 63% phụ nữ trên toàn cầu sinh con mà không được hưởng chế độ thai sản, con số này tăng vọt lên 94% ở khu vực châu Phi cận Sahara. Sự thiếu thốn này không chỉ khiến phụ nữ gặp khó khăn về mặt kinh tế mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, hạnh phúc của cả mẹ và con, làm gia tăng vòng luẩn quẩn nghèo đói qua các thế hệ.

Số liệu thống kê cũng cho thấy phụ nữ và trẻ em gái chiếm tỷ lệ rất lớn trong số những người nghèo trên thế giới. Phụ nữ trong độ tuổi 25-34 thường có nguy cơ sống trong các hộ gia đình cực kỳ nghèo hơn nam giới cùng độ tuổi tới 25%. Sự thiếu thốn này có liên quan mật thiết đến sự bất bình đẳng giới trong việc phân bổ tài sản, cơ hội và nguồn lực. Các yếu tố như xung đột và biến đổi khí hậu đang làm trầm trọng thêm tình trạng bất bình đẳng này. Những cuộc khủng hoảng này thường tác động mạnh mẽ hơn đến phụ nữ và trẻ em gái, đẩy họ vào tình trạng dễ bị tổn thương và nghèo đói.

Tuy nhiên, cũng có những điểm sáng trong bức tranh toàn cảnh đáng lo ngại này. Một số quốc gia đang tích cực nỗ lực để cải thiện tình hình. Mông Cổ là một điểm sáng khi đã mở rộng chế độ nghỉ thai sản cho nhiều nhóm lao động, bao gồm cả người chăn nuôi và người kinh doanh tự do, đồng thời tăng cường các chế độ nghỉ phép chăm sóc con cho các bậc cha mẹ. Mexico và Tunisia cũng đã có một số chính sách nhằm đưa người giúp việc vào hệ thống an sinh xã hội, giúp họ cải thiện điều kiện sống và bảo vệ quyền lợi của mình. Mặc dù những nỗ lực tích cực này cho thấy khả năng giải quyết vấn đề và cần được nhân rộng. Tuy nhiên, những tiến bộ vẫn còn hạn chế và chưa đủ để giải quyết tính căn cơ bài toán nan giải này.

Báo cáo của UN Women kêu gọi các chính phủ trên toàn cầu ưu tiên giải quyết vấn đề này bằng cách thiết lập các chính sách bảo trợ xã hội phù hợp và công bằng. Điều quan trọng là các chính sách này phải đáp ứng nhu cầu đặc thù của phụ nữ và trẻ em gái, không chỉ dựa trên sự cần thiết về kinh tế mà còn xem xét các yếu tố văn hóa, xã hội và thể chất.

Để giải quyết vấn đề phức tạp này, cần có một sự hợp tác toàn diện giữa các quốc gia, các tổ chức quốc tế và cộng đồng dân cư. Các chương trình giáo dục, đào tạo và nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của bình đẳng giới cũng cần được đẩy mạnh để thay đổi nhận thức xã hội và tạo điều kiện thuận lợi hơn cho phụ nữ tham gia vào các lĩnh vực kinh tế và chính trị. Thêm vào đó, sự hỗ trợ về tài chính và nguồn lực cho các hoạt động xã hội nhằm giúp đỡ phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn cũng cần được ưu tiên hàng đầu.

Vấn đề hàng tỷ phụ nữ và trẻ em gái trên thế giới không được hưởng bảo trợ xã hội là một vấn đề khẩn cấp và cần được giải quyết triệt để. Chỉ thông qua sự hợp tác và cam kết của tất cả các bên liên quan, chúng ta mới có thể tạo ra một tương lai công bằng và bền vững hơn cho tất cả mọi người.

 

Link nội dung: https://dulichgiaitri.vn/2-ty-phu-nu-va-tre-em-gai-khong-duoc-tiep-can-dich-vu-bao-tro-xa-hoi-a188425.html