Ngày 1/11, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 8, tại phiên thảo luận về chủ trương đầu tư Chương trình MTQG về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035, các đại biểu Quốc hội đã bày tỏ đồng thuận thống nhất rất cao cần có chủ trương đầu tư Chương trình. Dự thảo Nghị quyết đã được chỉnh sửa, tiếp thu một cách khoa học những ý kiến đóng góp của các đại biểu Quốc hội trong thảo luận tại Kỳ họp thứ 7.
Các đại biểu kỳ vọng chương trình có tính đột phá nhằm cụ thể hóa, đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả các quan điểm, chủ trương lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng về phát triển văn hóa, góp phần tích cực cho quá trình thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững đất nước, xây dựng văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh của dân tộc Việt Nam.
Đại biểu Nguyễn Thị Sửu (ĐBQH tỉnh Thừa Thiên Huế) bày tỏ "Với một tâm thế của người sinh ra và lớn lên trên đất di sản Cố đô, yêu văn hóa truyền thống trong dòng chảy văn hóa của thời đại, tôi ủng hộ cao và mong muốn Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035 sẽ sớm thực tiễn hóa để không ngừng vun đắp sức mạnh nội sinh của người dân đất Việt trong kỷ nguyên mới hôm nay".
Đáng chú ý, một trong nội dung được nhiều đại biểu quan tâm, cho ý kiến, đó là việc đầu tư xây dựng các trung tâm văn hóa ở nước ngoài.
Về vấn đề này, đại biểu Trần Thị Thanh Hương (Đoàn ĐBQH tỉnh An Giang) cho rằng, việc xây dựng trung tâm văn hóa tại các nước là xu hướng của nhiều nước trên thế giới, thông qua đó góp phần tuyên truyền, quảng bá hình ảnh đất nước, con người văn hóa, đồng thời góp phần thu hút đầu tư thương mại, du lịch, lan tỏa hình ảnh của các quốc gia và tạo sức mạnh mềm của đất nước, cũng như của dân tộc. Đây cũng là một trong những nhu cầu cấp thiết trong tiến trình hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng của Việt Nam.
Cho đến nay, trên cơ sở đánh giá tổ chức, vận hành thực hiện của Trung tâm Văn hóa Việt Nam tại Pháp và Lào xuất phát từ tình hình thực tiễn và yêu cầu của nhiệm vụ văn hóa đối ngoại chính trị, an ninh của đất nước, đại biểu Trần Thị Thanh Hương thống nhất với kiến nghị của Chính phủ về việc có chương trình, nội dung thực hiện nhiệm vụ đầu tư xây dựng một số trung tâm văn hóa Việt Nam ở nước ngoài.
Tuy nhiên, đề nghị Chính phủ cần cân nhắc thêm trước mắt cần quan tâm lựa chọn những nước có mối quan hệ văn hóa lâu dài với Việt Nam, có đông đảo người Việt Nam sinh sống, lao động, học tập và có các đối tác dẫn đầu về đầu tư trực tiếp vào Việt Nam; đồng thời đánh giá kỹ lưỡng hơn về nội dung, phạm vi quy mô cũng như cân đối nguồn lực để xác định danh mục và lộ trình triển khai thực hiện bảo đảm phù hợp, khả thi và hiệu quả.
Bên cạnh đó, cần có kế hoạch cụ thể nhằm phát huy tối đa việc bảo tồn, phát huy, truyền bá các giá trị bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc, quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam, quảng bá du lịch Việt Nam.
Cần xây dựng bộ nhận diện bản sắc Việt Nam
Đồng quan điểm, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định) cho rằng việc xây dựng trung tâm văn hóa ở nước ngoài sẽ góp phần quảng bá văn hóa Việt Nam ra thế giới. Tuy nhiên, Việt Nam cần xây dựng bộ nhận diện bản sắc Việt Nam, nâng cao chất lượng các sản phẩm văn hóa để phục vụ cho hoạt động của các trung tâm văn hóa tại nước ngoài tăng hiệu quả.
Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh đề nghị trong điểm 9.1 về phát huy vai trò của các trung tâm văn hóa Việt Nam ở nước ngoài cần bổ sung một nội dung chi tiết 9.1.2 là giới thiệu bộ bản sắc văn hóa và những nét đặc sắc văn hóa của các dân tộc Việt Nam đến với thế giới.
Bởi theo đại biểu, hiện nay, chúng ta chưa có bộ nhận diện bản sắc văn hóa Việt Nam rõ nét như Nhật Bản hay Hàn Quốc. Bên cạnh đó, pháp luật cũng chưa quy định cơ quan có thẩm quyền nào được duyệt những bản sắc Việt Nam như quốc phục, quốc hoa.
Trong khi đó, đại biểu Phạm Văn Hòa (ĐBQH Đồng Tháp) bày tỏ "Trước đây, tôi không đồng tình nhưng bây giờ qua giải trình của Thường vụ, giải trình của Bộ VHTT&DL và các ý kiến của đại biểu, tôi thống nhất nên phải xây dựng trung tâm văn hóa ở nước ngoài và một số thôi, nhưng ở đây đề xuất một số là tương đối".
Theo đó, Chính phủ sẽ quy định, đề xuất đối với những trung tâm văn hóa và đối với những nước lớn có đông đảo đồng bào Việt kiều đang ở, có khi đồng bào Việt kiều chúng ta không có bao nhiêu mà chúng ta cũng xây dựng sẽ lãng phí.
Đại biểu đề nghị Chính phủ có quan tâm đối với những quốc gia lớn, đông dân và có đồng bào Việt kiều, chúng ta nên xây dựng để tuyên truyền.
Bày tỏ sự ủng hộ, đại biểu Nguyễn Anh Trí (Đoàn ĐBQH TP.Hà Nội) lưu ý phải cân nhắc thật kỹ về sự cần thiết và tính hiệu quả, vì bản chất đây là xuất khẩu văn hóa, là quảng bá văn hóa, điều đó phụ thuộc rất lớn vào khẩu vị văn hóa, sự yêu thích, thậm chí kể cả vấn đề chính trị của quốc gia đó, quan hệ giữa 2 quốc gia.
Nếu xây dựng thì cần phải bảo đảm có tính lưỡng dụng cao, đó là văn hóa, là biểu diễn, là trưng bày, hội nghị, hội thảo, hội chợ, họp mặt... và lưu ý là không chỉ chúng ta dùng mà bạn cũng dùng, việc này là rất quan trọng để tăng tính hiệu quả.
Lựa chọn 3 - 5 trung tâm ưu tiên đầu tư xây dựng
Giải trình về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh việc xây dựng trung tâm văn hóa ở nước ngoài là thực hiện chiến lược văn hóa đối ngoại của Đảng, của Nhà nước. Đây là sự hiện diện của văn hóa Việt Nam ra nước ngoài và thông qua đó, chúng ta quảng bá, bảo tồn, giới thiệu văn hóa của Việt Nam và đó thực sự là ngôi nhà chung văn hóa của kiều bào ở nước ta ở nước ngoài.
"Khi làm Chính phủ sẽ hết sức lưu ý, dựa trên quan hệ với các nước theo nguyên tắc đối đẳng, đồng thời chúng ta phải ưu tiên các quốc gia Việt Nam có mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện. Vì vậy, dự kiến chúng ta sẽ lựa chọn từ 3 - 5 trung tâm cần được ưu tiên đầu tư xây dựng theo thứ tự", Bộ trưởng cho hay.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cũng chia sẻ, Chính phủ Hàn Quốc đang triển khai làm 80 trung tâm văn hóa tại 80 quốc gia. "Chúng ta không thể so sánh với Hàn Quốc. Nguồn lực của chúng ta đến đâu, kiều bào sinh sống ở địa bàn nào, nhu cầu ở đó ra sao, khả năng phát triển thế nào, chúng ta tính toán để có giải pháp hiệu quả và phù hợp".
Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh đánh giá cao Chính phủ và cơ quan chủ trì thẩm tra đã tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 7, chuẩn bị hồ sơ công phu, kỹ lưỡng, lắng nghe ý kiến của các cơ quan liên quan, các chuyên gia, các nhà khoa học, các nhà quản lý, các đối tượng chịu sự tác động để hoàn thiện nội dung chương trình.
Nhiều ý kiến nhất trí quy định cơ chế, chính sách đặc thù để thực hiện chương trình, đề nghị Chính phủ chủ động tối ưu nguồn lực đầu tư cho chương trình, không dàn trải, không để xảy ra tình trạng không bố trí được nguồn lực để thực hiện ngay sau khi chương trình được phê duyệt chủ trương đầu tư.
Về xây dựng một số trung tâm văn hóa Việt Nam ở nước ngoài, đề nghị Chính phủ cần nghiên cứu kỹ lưỡng, đánh giá cụ thể khi xây dựng các trung tâm, tránh hình thức lãng phí, không hiệu quả và tiếp tục tăng cường tổ chức các hoạt động văn hóa trên nhiều lĩnh vực để giới thiệu, quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam ra bạn bè thế giới.
Sau phiên họp này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh đề nghị Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội chủ trì, phối hợp với các cơ quan trình dự án và các cơ quan hữu quan nghiên cứu kỹ lưỡng, tiếp thu ý kiến các đại biểu Quốc hội, hoàn thiện dự thảo nghị quyết, chuẩn bị báo cáo tiếp thu, giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để trình Quốc hội xem xét, thông qua trong chương trình của kỳ họp.
Hải Giang
Link nội dung: https://dulichgiaitri.vn/xay-dung-trung-tam-van-hoa-viet-nam-o-nuoc-ngoai-phai-hieu-qua-tranh-hinh-thuc-a188955.html