Kỳ 1: Những nỗi đau không nói thành lời

(PNTĐ) - Tại Việt Nam, trầm cảm là nguyên nhân thứ 5 dẫn đến gánh nặng bệnh tật. Theo báo cáo của Bộ Y tế, năm 2023, ước tính có khoảng 3,2 triệu người Việt Nam mắc bệnh trầm cảm. Trong đó, nhóm tuổi từ 18-29 tuổi có tỷ lệ mắc bệnh cao nhất (5,4%), tỷ lệ mắc bệnh cao hơn ở phụ nữ (4,2%) so với nam giới (2,1%). Đó chỉ là phần nổi của “tảng băng chìm”, bởi hàng triệu người vẫn đang phải một mình chống chọi với nỗi đau vô hình đó, khiến không ít thảm cảnh đã xảy ra khiến con thơ mất mẹ, cha mẹ m...

Thời gian qua ghi nhận nhiều vụ nhảy cầu, nhảy lầu, sát hại con, người thân trong gia đình mà sau khi cơ quan điều tra vào cuộc đã xác định người gây án có dấu hiệu trầm cảm khi thực hiện hành vi. Bệnh trầm cảm giống như một sát thủ giấu mặt đang âm thầm gây ra những nỗi đau khôn nguôi.

Kỳ 1: Những nỗi đau không nói thành lời - ảnh 1
Người mắc trầm cảm thường bi quan về tương lai và có những ý tưởng và hành vi tự hủy hoại bản thân hoặc tự sát.

Ông đoạt mạng cháu vì trầm cảm
Mới đây, một vụ án mạng thương tâm xảy ra tại huyện Thạch Thất, Hà Nội. Ông nội mắc bệnh trầm cảm đã dùng dao sát hại cháu gái hơn 1 tháng tuổi của mình tử vong. Vụ việc xảy ra khi mẹ bé gái nhờ ông nội trông con hộ. Sau khi gây án, người ông cũng tự sát nhưng được đưa đi cấp cứu. Theo lãnh đạo địa phương, người ông bị trầm cảm nhưng hàng ngày vẫn trông cháu và nhà cửa.

Cùng thời gian trên, công an quận Nam Từ Liêm, TP Hà Nội cũng phát hiện thi thể một cô gái tử vong trong phòng trọ trên đường Đình Thôn, phường Mỹ Đình 1. Qua khám nghiệm và điều tra ban đầu, cơ quan chức năng xác định vụ việc không có dấu hiệu hình sự. Nạn nhân đã qua đời từ nhiều ngày trước, nghi do tự tử.

Đầu năm 2021, trên địa bàn xã Bộc Bố, huyện Pắc Nặm, tỉnh Bắc Kạn, một em bé 4 tháng tuổi được xác định tử vong bất thường tại nhà riêng, trên cổ có nhiều vết bầm tím nghi bị bạo hành. Nghi phạm được xác định là mẹ cháu bé. Lãnh đạo xã Bộc Bố cho hay, người mẹ có dấu hiệu trầm cảm sau sinh, khi thấy con khóc quá nhiều đã dùng khăn tã vải xô siết cổ bé đến chết. 

Cuối tháng 11/2020, tại phường Lộc Phát, TP Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng, một cháu bé 9 tháng tuổi cũng tử vong trong xô nước nhà tắm, trong khi mẹ cháu bé nằm vật vã, khóc lóc trong phòng ngủ. Mẹ cháu bé khai, do bực tức vì con khóc, không chịu ngủ nên đã bế con vào phòng tắm, dìm trong xô nước. Được biết, mẹ cháu bé bị bệnh trầm cảm sau sinh hơn 2 năm nay và thường xuyên điều trị ở TP Hồ Chí Minh, vừa về nhà 1 ngày trước. 

Theo báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) năm 2023, bệnh trầm cảm xếp ở vị trí thứ 3 trong danh sách gánh nặng bệnh tật thế giới và trong tương lai năm 2030 sẽ đứng ở vị trí đầu tiên với tốc độ tăng trưởng như hiện tại. Điều đáng báo động là mức độ quan tâm cũng như nhận thức về trầm cảm của xã hội, gia đình và chính nạn nhân lại chưa đầy đủ.

Tại Việt Nam, tỷ lệ mắc 10 loại rối loạn tâm thần thường gặp là 14,9% dân số, nghĩa là có khoảng 15 triệu người mắc rối loạn tâm thần. Tuy nhiên, đa số người dân cho rằng, rối loạn tâm thần chỉ là tâm thần phân liệt, dân gian thường gọi là điên. Thực tế tỷ lệ tâm thần phân liệt là 0,47% dân số; trầm cảm, lo âu chiếm tỷ lệ cao, tới 5-6% dân số, còn lại là các rối loạn tâm thần khác như rối loạn cảm xúc lưỡng cực, rối loạn tâm thần liên quan tới sử dụng rượu bia, ma túy và các chất gây nghiện khác... Ở trẻ em, các vấn đề sức khỏe tâm thần vào khoảng 12%, tương đương hơn 3 triệu trẻ em có nhu cầu về các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần. Tuy nhiên, chỉ khoảng 29% số người bị rối loạn tâm thần và chỉ 1/3 số người bị trầm cảm được chăm sóc sức khỏe tâm thần chính thức. 

Căn bệnh vô cùng nguy hiểm
Theo chuyên gia Lê Thị Thanh Phương - Giám đốc Trung tâm Tâm lý trị liệu NHC Việt Nam nhận định, trầm cảm là một rối loạn tâm lý phổ biến, biểu hiện như: Trạng thái buồn bã kéo dài, mất hứng thú với cuộc sống, và cảm giác mệt mỏi triền miên. Người mắc trầm cảm không chỉ bị ảnh hưởng về mặt cảm xúc mà còn gặp khó khăn trong suy nghĩ, làm việc, giao tiếp, thậm chí là ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất. Đây là một căn bệnh phức tạp và nếu không được hỗ trợ kịp thời, có thể dẫn đến những hành vi gây nguy hiểm cho bản thân hoặc người khác

Kỳ 1: Những nỗi đau không nói thành lời - ảnh 2
Ảnh minh họa

Chuyên gia Lê Thị Thanh Phương nhấn mạnh: Trầm cảm trong xã hội hiện nay đang ở mức đáng báo động. Theo các nghiên cứu gần đây, tỷ lệ người mắc trầm cảm, đặc biệt là ở người trẻ và người cao tuổi, ngày càng gia tăng. Điều này xuất phát từ nhiều nguyên nhân, như áp lực công việc, tài chính, và sự cô đơn trong các gia đình hiện đại. Bên cạnh đó, sự phát triển của mạng xã hội cũng khiến nhiều người dễ cảm thấy áp lực phải “hoàn hảo” như người khác, dẫn đến sự so sánh và tự ti - những yếu tố góp phần vào sự phát triển của trầm cảm.

Trước đây, có nhiều người cho rằng, trầm cảm thường xảy ra ở bà mẹ sau sinh, hay phụ nữ, người cao tuổi dễ mắc hơn nam giới hay trẻ em. Tuy nhiên, trên thực tế, trầm cảm hiện không chỉ xảy ra ở người trưởng thành mà còn xuất hiện nhiều ở thanh thiếu niên. Nhiều bạn trẻ phải đối mặt với sự kỳ vọng cao từ gia đình, cộng với các tác động từ internet, dễ rơi vào trạng thái căng thẳng và trầm cảm. Đáng lo ngại hơn, nhiều trường hợp mắc trầm cảm không được phát hiện và điều trị kịp thời, dẫn đến những hậu quả đáng tiếc như tự gây hại cho bản thân hoặc có hành vi không kiểm soát được với người khác. 

Bác sỹ Trần Thị Hồng Thu, Phó Giám đốc Bệnh viện Tâm thần ban ngày Mai Hương lo ngại: “Bệnh tâm thần cũng dễ mắc như các căn bệnh khác, kể cả những người tự tin rằng mình có một sức khỏe tốt cũng khó tránh khỏi. Mặt khác, bệnh lý tâm thần thường tiến triển âm thầm và mọi người có xu hướng thờ ơ quên lãng, thường để quá muộn mới chữa hoặc không bao giờ được chữa”.

Sự nguy hiểm của trầm cảm ở chỗ, bệnh có thể ảnh hưởng đến hoạt động hằng ngày của người mắc. Thống kê cho thấy, chỉ có xấp xỉ 60% số người mắc bệnh được tiếp cận điều trị. Trong khi bệnh lí trầm cảm rất phổ biến, gặp ở bất cứ ai, nhưng chỉ có khoảng một nửa số người bệnh được điều trị đúng. Triệu chứng chính là đau, liên quan bệnh dạ dày - ruột, hệ thống tiết niệu - sinh dục, đau vùng trước tim, đau mỏi lưng, đau mỏi vai gáy, đau xương cơ khớp.

Theo đó mà người bệnh không thừa nhận vấn đề trầm cảm của mình. Đau không biệt định cho các cơ quan nào và không đáp ứng với các điều trị biệt định cho các bệnh cơ thể. Ban đầu thường khám ở các bác sĩ đa khoa với biểu hiện của các triệu chứng đau hoặc khó thở dai dẳng, các rối loạn thần kinh thực vật như: Hồi hộp trống ngực, run, vã mồ hôi, chóng mặt. Họ làm đủ xét nghiệm thậm chí rất tốn kém để tìm ra bệnh lý cơ thể. Họ có thể dùng thuốc điều trị bệnh cơ thể, nhưng không hiệu quả. 

Chẩn đoán trầm cảm không dễ như chẩn đoán bệnh tiểu đường hoặc bệnh tim, vì không thể phát hiện thông qua kết quả xét nghiệm máu hoặc bất cứ hình ảnh chụp chiếu nào bằng máy móc hiện đại. Biến chứng nặng nhất của trầm cảm là tự sát. Khi phát hiện những biểu hiện hay lời đe dọa tự sát cần được đặc biệt chú ý. Những câu nói như “Tôi ước gì mình đã chết”, hay “Tôi không muốn sống nữa”. Người bị trầm cảm không hề có ý định dùng cái chết để gây sự chú ý. Nếu phát hiện người bệnh trầm cảm và có ý tưởng tự sát, hãy thông báo ngay cho bác sĩ chuyên khoa tâm thần.

Tiến sĩ, bác sĩ Ngô Anh Vinh, Phó Trưởng khoa Sức khoẻ vị thành niên, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết thêm về sự nguy hiểm của trầm cảm. Đó là người mắc trầm cảm thường xuyên rơi vào trạng thái buồn chán không rõ lí do, thất vọng, hay ủ rũ, nhạy cảm, dễ khóc lóc; có ý muốn sống cách ly với xã hội: Né tránh bạn bè, gia đình, sống thu mình;  Kém tập trung, giảm sự chú ý và có những lời nói tiêu cực về cuộc sống. Bệnh nhân cũng bi quan về tương lai và đặc biệt là thường có ý tưởng và hành vi tự hủy hoại bản thân hoặc tự sát; Giảm tính tự trọng và lòng tự tin, khó khăn trong việc quyết định.

Kỳ 2: Bệnh nguy hiểm nhưng chưa được nhận thức đầy đủ

Link nội dung: https://dulichgiaitri.vn/ky-1-nhung-noi-dau-khong-noi-thanh-loi-a189376.html