Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam - Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường lắng nghe nông dân nói

(Chinhphu.vn) – Khơi thông nguồn lực đất đai, hướng tới mục tiêu NetZero, bảo vệ môi trường nông nghiệp, nông thôn" là chủ đề của diễn đàn “Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam – Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường lắng nghe nông dân nói” sẽ tổ chức ngày 15/11 tại Hà Nội.

Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam - Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường lắng nghe nông dân nói- Ảnh 1.

200 nông dân tiêu biểu sẽ đối thoại với Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam và Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường

Diễn đàn Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam- Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường lắng nghe nông dân nói năm 2024 sẽ do đồng chí Lương Quốc Đoàn- Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch BCH Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, cùng đồng chí Đỗ Đức Duy- Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường đồng chủ trì.

Đặc biệt, Diễn đàn sẽ có sự tham dự trực tiếp của hơn 200 nông dân Việt Nam xuất sắc, nông dân giỏi, hợp tác xã tiêu biểu. Trong suốt thời gian diễn ra, chương trình sẽ được tường thuật trực tiếp (livestream) trên Báo điện tử Dân Việt, Báo Tài nguyên và Môi trường, trên các nền tảng số (Fanpage, Youtube, TikTok của Báo điện tử Dân Việt). Diễn đàn cũng sẽ được kết nối đến hơn 10.000 điểm cầu là Hội Nông dân các cấp tỉnh, huyện, xã cả nước nhằm tuyên truyền, lan tỏa tới đông đảo cán bộ, hội viên nông dân cả nước.

Diễn đàn Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam- Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường lắng nghe nông dân nói năm 2024 được thực hiện theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc giao lãnh đạo các Bộ, ngành chủ động, tăng cường tổ chức lắng nghe, đối thoại với các chủ thể về từng chủ đề, lĩnh vực nhằm kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân, doanh nghiệp, hợp tác xã, từ đó có các cơ chế, chính sách nhằm tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, khơi thông các "điểm nghẽn" còn tồn tại.

Theo Ban Tổ chức Diễn đàn, với tiêu đề "Lắng nghe nông dân nói", Diễn đàn nhằm cụ thể hóa các giải pháp, nhiệm vụ đã được nêu tại Nghị quyết số 18-NQ/TW về "Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao"; Nghị quyết số 19-NQ/TW về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, trong đó đặc biệt nhấn mạnh đến vai trò "chủ thể, trung tâm" của người nông dân trong phát triển kinh tế nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới.

Đây cũng là một hoạt động nhằm triển khai thực hiện Nghị quyết số 46-NQ/TW ngày 20/12/2023 của Bộ Chính trị về đổi mới nâng cao chất lượng hoạt động của Hội Nông dân Việt Nam đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới.

Diễn đàn được tổ chức tại thời điểm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng nhằm tuyên truyền, phổ biến, giải đáp, cung cấp thông tin để đẩy mạnh thi hành Luật Đất đai 2024, nhất là đối với những vấn đề liên quan đến đất đai trong nông nghiệp, nông thôn.

Theo Ban Tổ chức, tính đến thời điểm này, thông qua các kênh khác nhau như các cấp Hội Nông dân cả nước gửi về, ý kiến bạn đọc qua chuyên mục Lắng nghe nông dân trên Báo điện tử Dân Việt, đã có trên 1.000 câu hỏi, ý kiến, đề xuất, nguyện vọng được gửi đến hai đồng chí lãnh đạo, nhằm giải đáp các thắc mắc về một số vấn đề lớn, đó là:

Một là, các vấn đề về đẩy mạnh thi hành Luật Đất đai 2024 với các nội dung về: Cơ chế, chính sách về thi hành Luật Đất đai, cơ chế, chính sách về khuyến khích tập trung, tích tụ đất đai nông nghiệp phục vụ sản xuất nông nghiệp; Cơ chế, chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong phát huy, khơi thông nguồn lực từ đất đai phục vụ các mục tiêu phát triển kinh tế- xã hội.

Hai là, các vấn đề về cơ chế chính sách liên quan đến biến đổi khí hậu, mục tiêu giảm phát thải ròng, hấp thụ carbon như về: Cơ chế, chính sách về thích ứng với biến đổi khí hậu, tăng cường khả năng dự báo khí tượng, thủy văn, nhất là các hiện tượng thời tiết cực đoan như lũ quét, sạt lở đất, tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn đảm bảo đời sống, sản xuất cho người nông dân; Phát huy vai trò của nông dân trong thực hiện mục tiêu thực hiện giảm phát thải ròng bằng 0 đến năm 2050 (NetZero), nông dân tham gia sản xuất hấp thụ carbon thấp.

Ba là, các vấn đề liên quan đến cơ chế, chính sách về bảo vệ môi trường nông nghiệp, nông thôn như: Cơ chế, chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong xử lý rác thải sinh hoạt, rác thải nông nghiệp, môi trường làng nghề; cung cấp nước sạch và xử lý nước thải ở nông thôn. Thực tiễn trong quá trình thực hiện tiêu chí số 17 về môi trường trong xây dựng nông thôn mới; Cơ chế, chính sách trong thực thi về bảo vệ môi trường trong lĩnh vực khai thác tài nguyên, khoáng sản ở nông thôn.

Theo dự kiến, Diễn đàn sẽ diễn ra dưới hình thức mở. Tại Diễn đàn, cán bộ, hội viên nông dân cả nước, các hợp tác xã, chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp trực tiếp chia sẻ, đề xuất các ý kiến, nguyện vọng đối với Hội Nông dân Việt Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường về cơ chế, chính sách đất đai, khí hậu, môi trường. Trên cơ sở đó, lãnh đạo hai đơn vị sẽ trực tiếp lắng nghe và trao đổi với phương châm "cùng lắng nghe, cùng trao đổi" trên tinh thần cởi mở, thẳng thắn, đi thẳng vào trọng tâm các vấn đề liên quan.

Diễn đàn là một hoạt động quan trọng trước thềm Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với Nông dân năm 2024, qua đó nhằm thu thập, tổng hợp các kiến nghị, đề xuất của cán bộ, hội viên nông dân gửi Thủ tướng Chính phủ; thể hiện vai trò chủ thể, trung tâm của người nông dân trong các vấn đề liên quan đến tài nguyên và môi trường.

Thu Cúc

Tham khảo thêm
Tham khảo thêm
Chủ tịch Quốc hội dự lễ tôn vinh Nông dân Việt Nam xuất sắc, HTX tiêu biểu toàn quốc 2024Chủ tịch Quốc hội dự lễ tôn vinh Nông dân Việt Nam xuất sắc, HTX tiêu biểu toàn quốc 2024
Tham khảo thêm
Tham khảo thêm
Gặp mặt 63 nông dân Việt Nam xuất sắc và các HTX tiêu biểuGặp mặt 63 nông dân Việt Nam xuất sắc và các HTX tiêu biểu

Link nội dung: https://dulichgiaitri.vn/chu-tich-hoi-nong-dan-viet-nam-bo-truong-bo-tai-nguyen-va-moi-truong-lang-nghe-nong-dan-noi-a189623.html