Sau kiến nghị của Bộ VH,TT&DL về việc mở cửa ngành du lịch, Chính phủ đã đồng ý với đề xuất của Bộ này về thời gian mở cửa lại hoạt động du lịch trong điều kiện bình thường mới theo đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về "thích ứng linh hoạt, an toàn, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19" từ ngày 15/3. Theo đó, các sở Du lịch địa phương và doanh nghiệp lữ hành đang gấp rút chuẩn bị nhiều phương án để đón khách.
Chia sẻ với Người Đưa Tin về việc chuẩn bị cho việc mở cửa trở lại, ông Bùi Văn Mạnh - Giám đốc Sở Du lịch Ninh Bình cho hay: "Để chuẩn bị cho mốc 15/3 và để thích ứng với dịch Covid-19, phục hồi phát triển trong năm 2022, ngành Du lịch Ninh Bình đã ban hành bộ 30 tiêu chí cần phải thực hiện trong hoạt động du lịch. Các tiêu chí này sẽ giúp doanh nghiệp căn cứ vào đó để thực hiện, ký cam kết bảo đảm an toàn cho du khách, người lao động cũng như những quy trình xử lý khi có vấn đề xảy ra.
Đặc biệt, ngành Du lịch Ninh Bình đã khai thác và sử dụng khá hiệu quả các nền tảng số, mạng xã hội để quảng bá, tổ chức các tour online hằng tuần; tập trung đẩy mạnh chuyển đổi số, xây dựng hệ thống thông tin số du lịch Ninh Bình. Trong năm 2022, ngành sẽ tập trung vào công tác hỗ trợ doanh nghiệp đào tạo nguồn nhân lực; tổ chức từ 15 đến 20 lớp đào tạo bồi dưỡng kỹ năng cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động làm công tác quản lý Nhà nước về du lịch... Chúng tôi còn xây dựng các sản phẩm mới, nâng cao chất lượng dịch vụ đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của khách sau thời gian dài bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh".
Ông Bùi Văn Mạnh cho biết thêm: "Ở các khu du lịch có lượng khách quốc tế nhất định trước dịch bệnh như khu Tràng An và Kênh Gà-Vân Trình, chúng tôi tăng cường hợp tác công tư, hợp tác quốc tế để thu hút các nguồn lực xã hội đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật ngành du lịch. Xây dựng các cơ chế, chính sách thông thoáng trong đầu tư cho các dự án du lịch; chính sách hỗ trợ doanh nghiệp về đào tạo nguồn nhân lực; quảng bá, phát triển sản phẩm du lịch, thương hiệu du lịch. Phát triển thương hiệu điểm đến du lịch tỉnh Ninh Bình gắn với hình ảnh, giá trị lịch sử - văn hóa Cố đô Hoa Lư theo hướng chuyên nghiệp, đồng bộ, hiện đại, có tính dài hạn và cạnh tranh cao.
Hiện tại, một số công ty du lịch ở Ninh Bình đã bắt đầu nhận khách, đã có một số đoàn khách quốc tế book tour đến Ninh Bình. Đây là một tín hiệu vui, chúng tôi sẽ hỗ trợ hết mình cho các công ty lữ hành để tạo điều kiện đón khách vào địa phương".
Bà Đặng Hương Giang - Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội chia sẻ: "Ngành du lịch Hà Nội sẵn sàng mọi nguồn lực để đón tiếp khách. Đối với du lịch nội địa, Hà Nội đã cho phép mở một số dịch vụ và điểm di tích, điển hình là danh thắng chùa Hương đã mở cửa từ ngày 16/2. Với mốc 15/3 tới đây, các điểm du lịch trên địa bàn thành phố sẽ được mở đồng loạt để đón khách quốc tế và nội địa. Việc cần làm lúc này là các đơn vị, doanh nghiệp phải chuẩn bị các kế hoạch gần để khi có khách du lịch chúng ta sẽ tiếp đón với điều kiện tốt nhất. Chúng tôi sẽ đồng hành cùng các doanh nghiệp để phục hồi du lịch một cách mạnh mẽ và nhanh nhất. Chúng tôi cũng hy vọng các Bộ, ngành sẽ có những chính sách nhất quán và nhanh nhất để hỗ trợ tối đa cho ngành du lịch".
Ông Trương Quốc Hùng - Chủ tịch Câu lạc bộ Lữ hành UNESCO cho rằng, một trong những khó khăn lớn lúc này là vấn đề nguồn nhân lực trong ngành du lịch đang bị hao tổn, số lượng lớn các đơn vị lữ hành đã giảm nhân sự.
“Cơ quan quản lý và các doanh nghiệp cần có giải pháp đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực để lực lượng này kịp thời quay trở lại phục vụ khách khi các điểm đến mở cửa. Có nhiều công ty lữ hành sau dịch Covid-19, nhân sự đã nghỉ gần hết, nên bây giờ phải tuyển dụng, đào tạo lại rất mất thời gian vì thế các doanh nghiệp cũng đang "chạy nước rút" để kịp phục vụ khách trong thời gian tới" - Ông Hùng thông tin.
Chia sẻ về về một số nghi ngại về phương án đón khách quốc tế, ông Lê Xuân Minh - Ban điều hành, công ty Bắc Á Tour cho hay: Chúng ta lên kế hoạch cho ngày 15/3 và chuẩn bị mọi nguồn lực để đón khách nhưng phải có một chính sách cụ thể. Với khách châu Á, thời gian đi thường chỉ kéo dài 4-5 ngày. Xét theo phản hồi từ Bộ Y tế mới đây, họ sẽ tốn tới 3 ngày cách ly. Khách châu Âu có thể đi dài ngày hơn, từ 1 tuần cho tới nửa tháng. Tuy nhiên, khả năng họ chấp nhận đi du lịch kiểu này là không cao. Tôi đang tự hỏi, không biết sau ngày 15/3 chúng ta đã mở "toang" được du lịch chưa hay vẫn còn có những rào cản?
Muốn đón khách thành công, chúng ta phải có những chính sách mở linh hoạt để khách yên tâm đi khám phá. Thực tế đã chứng minh khi thí điểm đón khách quốc tế thời gian của Việt Nam không đạt như kỳ vọng. Hy vọng rằng, sau ngày 15/3 thì chúng ta sẽ có những tín hiệu tích cực hơn từ những doanh nghiệp lữ hành".
Bà Lê Vân Anh - Công ty Thương Mai và Du lịch Vạn Lộc cho hay: "Khách quốc tế thường lên kế hoạch cho các chuyến đi rất kỹ lưỡng, có thể đến tháng 4, tháng 5 thậm chí tháng 7, tháng 8 họ mới đặt chuyến đi. Điều cần thiết là phải có một mốc thời gian, thống nhất về quy định để khách có thông tin, quyết định lựa chọn điểm đến du lịch. Từ nay đến mốc 15/3 cũng không còn quá nhiều thời gian nếu đến thời điểm này chúng ta vẫn còn lấn cấn, chưa thống nhất các quy định thì chẳng khác nào tạo thêm rào cản cho du khách.
Bộ VH,TT&DL cũng kiến nghị du khách trong vòng 24 giờ đầu về thẳng nơi lưu trú, thực hiện xét nghiệm Covid-19. Những người âm tính có thể tham gia các hoạt động du lịch. Khách nhập cảnh bằng đường bộ, đường biển, đường sắt xét nghiệm ngay tại cửa khẩu. Quy định này hướng đến sự bình đẳng cho khách du lịch, không phân biệt khách quốc tế, nội địa và tạo thuận lợi để hút khách đến Việt Nam. Nếu làm chặt quá, khách du lịch sẽ nghi ngại mà chuyển hướng sang du lịch ở nơi khác".
Bà Vân Anh chia sẻ thêm: "Các công ty lữ hành đều sẵn sàng đón khách và đang mong chờ một chính sách nhất quán. Chúng tôi sợ nhất việc đã nhận đoàn, nhận tour mà khi thông báo cho khách một kiểu, khi nhập cảnh vào Việt Nam lại thực hiện một kiểu khác thì rất mất uy tín. Nếu khách xuống sân bay đã tiêm đủ vaccine, có kết quả xét nghiệm âm tính thì tôi nghĩ không cần thiết cách ly nữa".
Việt Nam đã mở lại các đường bay quốc tế đi, đến 20 quốc gia và vùng lãnh thổ nhưng số chuyến bay quốc tế mới đạt gần 10% so với thời điểm chưa xảy ra đại dịch Covid-19. Nhiều quốc gia vẫn hạn chế nhập cảnh hành khách từ Việt Nam để phòng chống dịch. Việc này dẫn đến tần suất các chuyến bay ít, giá vé bị đẩy lên cao, việc sắp xếp lịch trình cho khách cũng khó khăn hơn rất nhiều.
Chưa kể, sau 2 năm dịch bệnh, cơ sở vật chất, chất lượng dịch vụ ở các khách sạn, resort bị ảnh hưởng rất nhiều, nhân sự trong ngành cũng thiếu hụt trầm trọng. Nếu không có sự chuẩn bị tốt, thì dù Việt Nam có mở cửa cũng khó lòng cạnh tranh được với các thị trường lân cận.
Ông Nguyễn Công Hoan - Tổng giám đốc Flamingo Redtours cho hay: "Việc thống nhất thời gian mở cửa mới chỉ là một bước, còn rất nhiều khâu, việc phải làm để Việt Nam đón được khách quốc tế. Vì thế, trước mắt tôi cho rằng các thủ tục cần phải sớm thống nhất, thông thoáng, tạo điều kiện để khách vào Việt Nam cảm thấy thoải mái nhất cũng để các doanh nghiệp có sự chuẩn bị đón khách tốt nhất. Sau ngày 15/3, chúng ta cần phải xem tâm tư của khách du lịch thế nào rồi mới có thể tính tiếp...".
Link nội dung: https://dulichgiaitri.vn/mo-cua-du-lich-tu-153-co-con-rao-can-a18972.html