Ngược xuôi tìm hiện vật cổ về voi
Đắk Lắk là nơi có số lượng voi tự nhiên và thuần dưỡng nhiều nhất Việt Nam nên có thể nói đây là xứ sở của loài Voi. Tuy nhiên, trong những năm qua, số lượng bị suy giảm nhiều khiến các cơ quan chức năng và chính quyền phải vào cuộc bảo vệ loài voi bằng nhiều chính sách khách nhau. Với xứ mệnh của một người con Tây Nguyên, anh Võ Minh Luân (SN 1985, trú tại Tp.Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) đã âm thầm đồng hành cùng chính quyền tỉnh Đắk Lắk và có các bảo tồn voi theo cách riêng của mình là sưu tập các hiện vật cổ xưa liên quan đến hình tượng voi.
Anh Luân cho biết, từ năm 2013, anh và vợ là chị Bùi Thị Yến (SN 1985) đã sưu tầm nhiều các đồ vật cổ xưa để trang trí cho ngôi nhà đầu tiên của mình ở Tp.Hồ Chí Minh. Cũng từ đó, anh bén duyên với các đồ vật cổ xưa của ông bà ta để lại. “Là người con sinh ra và lớn lên ở vùng đất Tây Nguyên, tôi thích sưu tập các hiện vật cổ xưa về văn hoá Tây Nguyên. Trong đó, các hiện vật cổ xưa liên quan đến voi làm tôi thích thú vô cùng, bởi những câu chuyện sử thi, thần thoại và bài hát thơ ca về voi Tây Nguyên đã đi vào tâm thức tuổi thơ của mỗi người dân Tây Nguyên” – anh Luân nói.
Trên hành trình đi sưu tầm các hiện vật cổ xưa liên quan đến voi, anh Luân đã khắc ghi lại cho mình không ít kỷ niệm. Trong đó, có những hiện vật, anh ngược xuôi tìm kiếm nhiều năm và cuối cùng được các nhà sưu tầm lớn chia sẻ.
Nói đến đây, anh Luân nhớ lại: “Hiện vật đầu tiên về voi tôi sưu tầm được là tượng voi xưa của Trường Mỹ nghệ Biên Hoà được làm vào năm Canh Tý 1960. Đây là tượng một con voi Tây Nguyên bằng gốm nhìn thần thái trông như thật. Con voi như vừa tắm bùn xong và trên thân còn vẩy bùn bằng men xanh đồng trổ bông – một loại men nổi tiếng xưa kia của Trường Mỹ nghệ Biên Hoà. Để có được tượng voi này, tôi lặng lẽ theo đuổi hơn 3 năm từ một nhà sưu tầm nổi tiếng ở Sài Gòn - Phạm Hải Long. Khi biết được niềm đam mê, tâm nguyện của tôi muốn đưa tượng voi này về Đắk Lắk để bảo tồn và trưng bày, nhà sưu tầm Phạm Hải Long không ngần ngại tặng cho tôi. Đây là niềm vui bất giờ mà tôi chưa bao giờ dám nghĩ đến. Lúc đó, tôi chỉ biết cảm ơn anh vì đã gửi tình yêu của mình cho vùng đất Tây Nguyên”.
Sau khoảng 10 năm mãi miết sưu tầm, anh Luân đã sở hữu hơn 2.000 hiện vật cổ xưa liên quan đến hình tượng con voi bằng các chất liệu khác nhau như gốm sứ, ngà, gỗ, sừng, đồng, sắt, đá, tài liệu, tranh, ảnh… Trong đó, có hơn 200 tượng voi khác nhau có niên đại hàng trăm năm lịch sử. Tất cả những hiện vật này được vợ chồng anh nâng niu, giữ gìn cẩn thận trong ngôi nhà ở Tp.Hồ Chí Minh.
Đưa voi về đại ngàn
Cho đến năm 2021, anh Luân quyết định đưa toàn bộ số hiện vật cổ xưa liên quan đến voi về với đại ngàn. Theo đó, anh đã chọn khu đất trống nằm ở cuối con hẻm nhỏ thuộc buôn Đung (xã Cư Êbur, Tp.Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) làm nơi trưng bày những tượng voi cổ và đặt tên là “Xứ sở voi”. Anh Luân cho hay: “Sở dĩ, tôi đặt tên nơi này là “Xứ sở voi” vì mong muốn rằng đây sẽ là nơi bảo tồn các giá trị văn hoá, di sản về voi của vùng đất Tây Nguyên nói chung cũng như các hiện vật voi cổ xưa của đất nước Việt Nam. Qua đó, góp phần lan toả thông điệp bảo vệ voi tự nhiên và đàn voi nhà đang ngày càng giảm dần về số lượng”.
Tại “Xứ sở voi”, bức tường tượng voi được anh Luân sắp xếp từ hơn 1.000 con voi bằng gốm thuộc dòng gốm Biên Hòa, Lái Thiêu thập niên 1970-1980 của thế kỷ trước và cũng là điểm nhấn độc đáo nhất nơi đây.
Bên cạnh đó, bức tượng voi Tây Nguyên bằng gốm cổ, cao 90cm, dài 1,3m đặt trước cổng được ví như con voi đầu đàn của “Xứ sở voi” cũng được anh Luân trân quý. “Con voi này bằng gốm Biên Hòa được đặt làm riêng cho một cơ quan tỉnh Biên Hòa cũ. Sau này, nhà sưu tầm đồ cổ Trần Đức Hòa ở Đồng Nai biết tôi đam mê văn hóa Tây Nguyên nên đã chia sẻ bức tượng để tôi trưng bày” – anh Luân nói.
Không chỉ sưu tầm hiện vật hình tượng voi trên gốm xứ, anh Luân còn sưu tầm bộ miếng lót trên lưng voi được làm từ vỏ cây rừng và dây buộc voi dài 15m làm bằng da trâu dùng trong việc săn bắt voi rừng của người Tây Nguyên xưa.
Đáng quý hơn, anh Luân đã không giữ bộ sưu tập tượng voi cổ nói trên cho riêng mình, mà mở cửa “Xử sở voi” cho mọi người dân tỉnh đắk lắk và du khách đến thăm quan. Anh Võ Minh Luân cho biết: “Con voi đã đi vào đời sống và trở thành biểu tượng văn hoá của cao nguyên đắk lắk. Hình tượng con voi cũng đi vào sử thi, thần thoại, các lễ hội... Do đó, “Xứ sở voi” không đơn thuần là điểm thăm quan du lịch, mà du khách đến đây còn có cơ hội tìm hiểu về voi gắn liền lịch sử hàng nghìn năm. Qua đó, góp phần bảo tồn, phát huy các giá trị văn hoá, di sản về voi Tây Nguyên”.
Khánh Ngọc
Link nội dung: https://dulichgiaitri.vn/xu-so-voi-doc-dao-cua-nha-suu-tap-tre-o-dak-lak-a18979.html