Cạnh tranh lành mạnh giữa quảng cáo mạng và thông tin truyền thống
Sáng 12/11, tại Nhà Quốc hội, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội tiếp tục phiên chất vấn và trả lời chất vấn nhóm vấn đề thứ ba thuộc lĩnh vực thông tin và truyền thông.
Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Nguyễn Mạnh Hùng là thành viên Chính phủ thứ ba đăng đàn trả lời chất vấn.
Nhóm vấn đề chất vấn gồm: Giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động của ngành báo chí trong giai đoạn bùng nổ về truyền thông trên mạng xã hội hiện nay, đặc biệt là vai trò của báo chí cách mạng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Việc quản lý hoạt động quảng cáo trên báo chí, trên môi trường mạng và việc đầu tư, phát triển và nâng cao chất lượng hạ tầng viễn thông, nhất là khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số… cũng thuộc nhóm vấn đề sẽ được chất vấn.
Chia lửa với Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng có Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc và Bộ trưởng các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Khoa học và Công nghệ, Công an; Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc.
Nêu câu hỏi chất vấn, ĐBQH Phạm Văn Hòa (Đoàn Đồng Tháp) đặt vấn đề, tình trạng tiêu cực của phóng viên, biên tập viên thời gian qua phải chăng do sự bùng nổ của báo chí, tạp chí chuyên ngành trên các lĩnh vực, dẫn đến chất lượng chuyên môn thấp, đi xa tôn chỉ mục đích, vi phạm pháp luật.
Đại biểu đề nghị Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng chỉ rõ nguyên nhân của tình trạng trên và cho biết giải pháp để có sự cạnh tranh lành mạnh giữa quảng cáo mạng và thông tin truyền thống?
Trả lời chất vấn của đại biểu, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đã có nhận định thẳng thắn về vấn đề báo chí sụt giảm nguồn thu do phải cạnh tranh với mạng xã hội.
Bộ trưởng cho biết, 80% quảng cáo trực tuyến trước đây thuộc về báo chí thì hiện rơi vào tay mạng xã hội. Thủ tướng Chính phủ đã ra chỉ thị vào năm 2013 về truyền thông chính sách, trong đó xác định rất rõ ràng chính quyền các cấp phải coi truyền thông chính sách là một nhiệm vụ của mình, có bộ máy và có ngân sách hàng năm cho báo chí. Đây sẽ là nguồn tăng thêm cho báo chí thực hiện về kinh tế báo chí.
Bộ trưởng Hùng cũng nêu rõ, báo chí cần phải thay đổi công nghệ và về nội dung, có một chiến lược về chuyển đổi số quốc gia cho báo chí để đưa công nghệ của báo ch tương đương với cái các nền tảng xã hội.
Về vấn đề đạo đức của người làm báo, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho hay, thu nhập phóng viên các cơ quan báo chí không thấp so với cán bộ công chức.
"Nhiều cơ quan báo chí đã có mức thu từ 15 - 20 triệu, cao hơn công chức, viên chức, thấp hơn so với doanh nghiệp. Bộ Thông tin và Truyền thông, Ban Tuyên giáo Trung ương, Hội Nhà báo xác định trong nhiệm kỳ này tập trung vào vấn đề đạo đức nghề nghiệp báo chí", Bộ trưởng cho biết.
Báo chí phải có sự khác biệt với mạng xã hội
Chất vấn, ĐBQH Tạ Thị Yên (Đoàn Điện Biên) đặt câu hỏi, trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt giữa báo chí truyền thống và internet, mạng xã hội, ngoài việc tăng cường chất lượng, đẩy mạnh số hóa báo chí thì bài toán kinh tế báo chí, mô hình kinh doanh báo chí sẽ phải giải quyết như thế nào để báo chí truyền thống có thể cạnh tranh và tồn tại, làm tốt vai trò người lính xung kích trên mặt trận văn hóa, tư tưởng, góp phần vào sự phát triển bền vững của đất nước?
Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, khi kinh tế thị trường phát triển, các doanh nghiệp bắt buộc phải quảng cáo để bán hàng, vì thế chi khá nhiều tiền cho quảng cáo, khi đó quảng cáo chủ yếu trên báo chí.
Các cơ quan báo chí cũng mong muốn được tự chủ tài chính, nhưng sau đó mạng xã hội xuất hiện, 80% quảng cáo trực tuyến, như vậy nguồn thu của báo chí, nhất là các cơ quan báo chí tự chủ tài chính đã giảm đáng kể nguồn thu.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, số lượng cơ quan báo chí ra đời nhiều (880 cơ quan báo chí) nhưng nguồn thu giảm.
Trong Chỉ thị Thủ tướng Chính phủ ban hành về truyền thông chính sách có yêu cầu các bộ, ngành, chính quyền địa phương các cấp phải coi truyền thông là việc của mình.
Ngoài chủ động đưa thông tin, có kế hoạch đưa thông tin, có bộ máy đưa thông tin, có ngân sách hàng năm để chi cho truyền thông chính sách và dùng đến ngân sách để đặt hàng báo chí.
Đây là một thay đổi, thực tế cho thấy, từ năm ngoái, các cơ quan, chính quyền các cấp bắt đầu tăng ngân sách cho báo chí.
Trong kế hoạch sửa Luật Báo chí sắp tới, cũng có một mục đề cập đến kinh tế báo chí. Trong đó, cho phép một số cơ quan báo chí lớn được kinh doanh về nội dung, kinh doanh xung quanh lĩnh vực truyền thông, nhưng kinh doanh để làm báo.
Bộ trưởng cũng lưu ý, nếu báo chí chạy theo mạng xã hội, chúng ta sẽ đứng ở phía sau, do vậy phải có sự khác biệt với mạng xã hội là dùng công nghệ số để lấy lại trận địa, tăng số lượng độc giả, từ đó quảng cáo cũng sẽ tăng lên.
Đặc biệt, trong quy hoạch báo chí, có một nội dung rất quan trọng là Nhà nước tập trung đầu tư có trọng tâm, trọng điểm cho 6 cơ quan báo chí chủ lực để trở thành sức mạnh truyền thông.
Đồng thời, trong quá trình sửa luật theo hướng, Chính phủ sẽ xây dựng cơ chế đặc thù về kinh tế báo chí cho các cơ quan báo chí chủ lực.
Link nội dung: https://dulichgiaitri.vn/80-quang-cao-truc-tuyen-truoc-thuoc-ve-bao-chi-nay-roi-vao-mang-xa-hoi-a189835.html