Tin tức Đời sống 12/11: Cảnh báo nguy hiểm từ đồ "si đa"

Cập nhật tin tức đời sống ngày 12/11: Cảnh báo nguy hiểm từ đồ "si đa"; Trào lưu "mukbang" và những hệ lụy khó lường...

Cảnh báo nguy hiểm từ đồ "si đa"

Theo tiến sĩ Primrose Freestone, giảng viên cao cấp về Vi sinh lâm sàng tại Đại học Leicester (Anh) cho biết nhu cầu về quần áo cũ đã gia tăng đáng kể trong những năm gần đây. Nhiều người tiêu dùng coi đây là một cách tiết kiệm và bền vững để làm phong phú thêm tủ quần áo của mình. Tuy nhiên, trước khi mặc những món đồ cũ, việc khử trùng chúng (không chỉ đơn giản là giặt sạch sau khi mua về) được xem là yếu tố rất quan trọng.

Tiến sĩ Freestone nhấn mạnh rằng quần áo có thể là nơi chứa nhiều bệnh truyền nhiễm. Bà cho biết: "Da tự nhiên chứa hàng triệu vi khuẩn, có nghĩa là quần áo thường xuyên tiếp xúc với nhiều loại vi khuẩn, nấm và virus khác nhau". 

Theo vị tiến sĩ này, hệ vi sinh vật của mỗi người là khác nhau, vì vậy những gì vô hại với người này có thể gây hại cho người khác.

Bà giải thích thêm rằng quần áo cũ có thể mang theo mầm bệnh nếu không được khử trùng sạch trước khi bán. Nguyên nhân bắt nguồn từ việc vi khuẩn của hệ vi sinh vật trên da của chủ sở hữu ban đầu vẫn có thể tồn tại trên quần áo cũ. Kết quả là, bất kỳ bệnh nhiễm trùng nào mà người trước đó mắc phải có thể vẫn còn trên quần áo.

Để giữ an toàn khi mua quần áo cũ, người tiêu dùng nên dùng máy giặt để giặt kỹ mọi món đồ ở nhiệt độ cao nhằm mục đích khử trùng. 

Tiến sĩ Freestone khuyến cáo: "Bạn nên giặt quần áo cũ mới mua bằng chất tẩy rửa ở nhiệt độ khoảng 60°C. Điều này không chỉ làm sạch bụi bẩn mà còn loại bỏ vi khuẩn và vô hiệu hóa các tác nhân gây bệnh. Nước lạnh sẽ không hiệu quả trong việc này".

Trong trường hợp không thể giặt ở nhiệt độ cao, hãy sử dụng chất khử trùng quần áo để tiêu diệt vi khuẩn. 

Ngoài ra, vị tiến sĩ này cũng khuyên người tiêu dùng nên tách riêng quần áo cũ với quần áo đang sử dụng cho đến khi hoàn tất việc khử trùng đối với đồ cũ mới mua nhằm ngăn ngừa lây nhiễm chéo trong trường hợp có bất kỳ tác nhân gây bệnh nào hiện diện.

Trào lưu "mukbang" và những hệ lụy khó lường

Những năm gần đây, Mukbang là một xu hướng ẩm thực trực tuyến, trong đó người tham gia sẽ ăn trực tiếp trước camera và tương tác trực tiếp với khán giả. Nhiều bạn trẻ bắt xu hướng rất nhanh, họ làm video ăn thực phẩm kỳ lạ, có số lượng cực lớn như: hải sản, đuông dừa, uống bia, ăn trứng vịt lộn…

Đằng sau video mukbang chứa đầy món ngon hấp dẫn, người chơi phải đối mặt với những nguy cơ như tăng huyết áp, tăng cân, tạo ra hình ảnh tiêu cực về cơ thể và ăn uống; không ít người bày tỏ sự sợ hãi, bức xúc, cho rằng đây là trào lưu nguy hại, không tốt cho sức khỏe.

Tin tức Đời sống 12/11: Cảnh báo nguy hiểm từ đồ "si đa"- Ảnh 1.

Một trường hợp ở Trung Quốc đột tử ngay trên sóng livestream. Nguyên nhân tử vong được xác định là ăn quá nhiều.

Đề cập đến vấn đề này, TS Nguyễn Trọng Hưng - Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho rằng, trào lưu mukbang cần được coi là thói quen ăn uống không lành mạnh, gây ảnh hưởng xấu đến người trẻ.

Chuyên gia phân tích, trong quá trình quay video, người tham gia mukbang có thể mua nhiều thức ăn vượt quá nhu cầu của họ, gây lãng phí thực phẩm. Người tham gia mukbang có thể ăn quá nhiều, ảnh hưởng đến sức khỏe của họ. Với người xem, mukbang có thể khuyến khích họ ăn uống quá mức, gây hại đến sức khỏe.

Trào lưu này còn có thể gây ra một hình ảnh tiêu cực về cơ thể dẫn đến việc hành vi ăn uống không lành mạnh và ảnh hưởng đến tâm lý của người xem.

Do đó, TS Nguyễn Trọng Hưng khuyến cáo, với những người có vấn đề về tiêu hóa như bị viêm loét dạ dày, rối loạn tiêu hóa, bệnh lý gan, béo phì hoặc các vấn đề khác liên quan đến đường tiêu hóa, tuyện đối không tham gia vào trào lưu này.

Đặc biệt với trẻ em đang trong quá trình phát triển cả về thể chất và tâm lý, việc xem mukbang có thể ảnh hưởng tiêu cực đến quá trình phát triển của trẻ. Người có bệnh tâm lý như rối loạn ăn uống hoặc các vấn đề liên quan đến hành vi ăn uống nên tránh áp dụng trào lưu mukbang, để tránh tác động xấu đến sức khỏe tâm lý của họ.

TS Nguyễn Trọng Hưng cũng lưu ý, với những người mắc các bệnh mạn tính như đái tháo đường, tăng huyết áp, béo phì hay bệnh lý tim mạch, việc áp dụng trào lưu mukbang nên được cân nhắc kỹ càng.

"Trong mukbang, người tham gia thường ăn nhiều thực phẩm có nhiều đường, muối, chất béo và calo cao. Điều này có thể gây ra tăng đường huyết, tăng huyết áp và tăng cân, gây ra các vấn đề sức khỏe đáng lo ngại cho những người mắc các bệnh này.

Vì vậy, những người mắc các bệnh mạn tính nên hạn chế tham gia hoặc xem mukbang. Nếu muốn tham gia, họ nên tìm kiếm ý kiến của bác sĩ và tìm cách thay đổi chế độ ăn uống của mình để phù hợp với bệnh lý của mình", TS Nguyễn Trọng Hưng khuyến cáo.

Dính độc vì dùng tay "giết" kiến ba khoang

Sáng 12/11, nam bệnh nhân 30 tuổi ở Hải Dương đến Bệnh viện Da liễu Trung ương khám trong tình trạng đỏ rát khắp vùng cổ, xuất hiện mụn mủ trắng, bỏng rát…

BSCK2 Nguyễn Minh Thu - Phó trưởng Khoa khám bệnh, Bệnh viện Da liễu Trung ương cho biết, thời gian gần đây, các bác sĩ tiếp nhận nhiều trường hợp viêm da tiếp xúc do côn trùng, trong đó có kiến ba khoang đến khám. Đáng chú ý có ngày đến vài chục ca bệnh.

Đa số bệnh nhân vào viện có tổn thương da bỏng rát, đỏ, một số trường hợp tổn thương loét, bội nhiễm do tự điều trị, điều trị sai cách. Không ít bệnh nhân cho biết họ đã trải qua quá trình tự điều trị, từ theo phương pháp dân gian đến thuốc bôi, nhưng không đỡ, đến khi tổn thương nặng, lan rộng mới đến viện.

Theo BS. Thu, người dân khi thấy kiến ba khoang thường hay dùng tay chà xát, "giết" kiến khiến độc tố trong cơ thể loài kiến này giải phóng nhiều trên da, gây tổn thương rộng và sâu.

Trong cơ thể kiến ba khoang có chứa độc tố Pederin (C24H43O9N), độc tính mạnh gấp 12 - 15 lần nọc của rắn hổ nhưng do lượng tiếp xúc nhỏ và chỉ ở ngoài da nên không đủ gây chết người như nọc rắn nhưng sẽ khiến vùng da tiếp xúc tổn thương, bỏng rát. Khi tiếp xúc với độc tố kiến ba khoang, tổn thương thường gặp ở vùng da hở như mặt, hai tay. Vết thương thành vệt dài hoặc thành đám. Ban đầu là những nốt ban đỏ rồi sưng lên thành mụn mủ.

"Thông thường kiến ba khoang không tiết độc tố nếu không bị nghiền nát, chà xát. Vì thế, khi phát hiện kiến ba khoang đang bám trên da, thay vì đập nát con kiến (hậu quả khiến vùng da tiếp xúc kiến bỏng rát), hãy thổi cho kiến bay đi rồi dùng khăn giấy xử lý con kiến", bác sĩ khuyến cáo.

Tham khảo thêm
Tham khảo thêm
Tham khảo thêm
Loài vật quý hiếm bậc nhất hành tinh, biệt tăm nhiều năm bất ngờ "tái xuất" ở Việt NamLoài vật quý hiếm bậc nhất hành tinh, biệt tăm nhiều năm bất ngờ

T.M (tổng hợp)

Link nội dung: https://dulichgiaitri.vn/tin-tuc-doi-song-1211-canh-bao-nguy-hiem-tu-do-si-da-a189916.html