Bà Rịa-Vũng Tàu tích cực phối hợp triển khai dự án đường Vành Đai 4 TPHCM

(Chinhphu.vn) - Sáng 11/11, tại điểm cầu Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Lê Anh Tuấn đã có buổi làm việc với lãnh đạo UBND các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu, Long An và TPHCM về công tác phối hợp, triển khai dự án đường Vành đai 4 TPHCM.

Bà Rịa-Vũng Tàu tích cực phối hợp triển khai dự án đường Vành Đai 4 TPHCM- Ảnh 1.

Đại biểu tham dự tại điểm cầu tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.

Dự án xây dựng đường Vành đai 4 TPHCM với tổng chiều dài khoảng 207 km, đi qua địa phận TPHCM và các tỉnh Long An, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu, thuộc danh mục các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành GTVT. Phương án triển khai đầu tư dự án đã được các bộ, ngành, địa phương liên quan nghiên cứu đề xuất và Thủ tướng Chính phủ quyết định giao các địa phương làm cơ quan có thẩm quyền triển khai; trong đó TP. Hồ Chí Minh được giao là cơ quan đầu mối tổng hợp việc triển khai thực hiện các dự án thành phần, Bộ GTVT thực hiện chức năng quản lý Nhà nước chuyên ngành, đồng thời có trách nhiệm tổ chức điều phối triển khai thực hiện các dự án trên toàn tuyến.

Hiện nay, các địa phương đều đã hoàn thiện hồ sơ Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi và tích cực phối hợp, tháo gỡ khó khăn để kịp tiến độ thực hiện dự án. Đơn vị tư vấn cùng các cơ quan liên quan đang phối hợp nghiên cứu, rà soát lại các nút giao, hướng tuyến, chi phí đầu tư, chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng và chuẩn cao tốc. 

Dự kiến, công tác lập, thẩm tra, thẩm định và phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi sẽ thực hiện từ quý IV/2024 đến quý II/2025; công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư và xây dựng một số hạng mục phụ trợ sẽ thực hiện từ quý III/2025 đến quý IV/2026.

Tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu Nguyễn Công Vinh cho biết, tỉnh thống nhất với quy mô đầu tư, phương án triển khai và hình thức đầu tư đối tác công tư (PPP). Các vấn đề về kỹ thuật cũng như công tác chuẩn bị, tỉnh đang thực hiện đảm bảo theo các yêu cầu. 

Tỉnh đã tập trung hoàn thiện hồ sơ Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi các dự án thành phần theo đề nghị của UBND TPHCM để làm cơ sở tổng hợp hoàn thiện Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi tổng thể dự án trình Thủ tướng Chính phủ. Trong đó, chú trọng việc nghiên cứu, bổ sung phương án đầu tư các dự án thành phần đường Vành đai 4 theo hình thức BT (thanh toán bằng tiền hoặc thanh toán bằng đất) đề xuất phương thức đầu tư khả thi, phù hợp với tình hình thực tế của từng địa phương. 

Thời gian tới, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu sẽ phối hợp, làm việc chặt chẽ với các địa phương và đơn vị liên quan để thống nhất các bước triển khai tiếp theo cho dự án. Song song đó, rà soát, điều chỉnh, xử lý một số khó khăn, vướng mắc liên quan đến giao thông, cải tạo các đoạn đường nối; chỉ đạo bố trí kịp thời nguồn vốn triển khai dự án.

Sau khi nghe ý kiến đề xuất của các địa phương, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn nhấn mạnh, đường Vành Đai 4 TPHCM là dự án có kinh phí đầu tư rất lớn nên việc kết hợp ngân sách Trung ương cùng ngân sách địa phương để triển khai đầu tư dự án là cần thiết.

Thứ trưởng Lê Anh Tuấn thống nhất việc nghiên cứu các phương án triển khai để lựa chọn phương án tối ưu và kịp thời đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc thúc đẩy tiến độ dự án. Đồng thời, đề nghị các địa phương cần phải tập trung tối đa nguồn lực để triển khai mới có thể đáp ứng tiến độ đề ra; tích cực phối hợp với các đơn vị liên quan rà soát, xây dựng lại kế hoạch triển khai, bảo đảm có tính khả thi và phù hợp thực tế.

Đường Vành đai 4 TP. Hồ Chí Minh là tuyến vành đai cao tốc thuộc quy hoạch mạng lưới đường bộ quốc gia có quy mô 8 làn xe, đầu tư trước năm 2030. Tổng chiều dài tuyến khoảng 206,72 km, trong đó đoạn qua tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu dài khoảng 18,23 km, tỉnh Đồng Nai khoảng 45,54 km, tỉnh Bình Dương khoảng 47,95 km, TPHCM khoảng 16,70 km, tỉnh Long An khoảng 78,3 km.

Việc đầu tư xây dựng đường vành đai 4 TPHCM đoạn qua địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu sẽ giúp đáp ứng nhu cầu vận tải, giảm tải và đảm bảo an toàn giao thông trên các khu vực nội đô của khu vực TPHCM; nâng cao khả năng kết nối các tỉnh trong khu vực, rút ngắn thời gian, giảm chi phí trên hành lang vận tải, phát huy tối đa tiềm năng cụm cảng Cái Mép-Thị Vải, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của các tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu nói riêng và các tỉnh tuyến đường đi qua.

Việc kết nối với các tuyến đường cao tốc, tuyến quốc lộ hướng tâm vào TPHCM tại ra các trục vận tải thu gom hàng hóa, tạo động lực liên kết, lan tỏa thúc đẩy hợp tác và phát triển vùng Đông Nam Bộ với đồng bằng sông Cửu Long, Nam Trung Bộ, khu vực Tây nguyên và kết nối với hành lanh xuyên Á...

Đồng thời, việc hình thành tuyến mở ra hướng mới về phát triển đô thị, công nghiệp, thương mại, dịch vụ, tạo nên trục kinh tế động lực công nghiệp-logistics dọc cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu và đường Vành đai 4 TPHCM, phát triển các tổ hợp quy mô lớn về công nghiệp-dịch vụ-đô thị tại thành phố mới Phú Mỹ; phát triển các khu công nghiệp công nghệ cao, đô thị dịch vụ mới tại Cù Bị và Suối Nghệ (huyện Châu Đức)…

Việc triển khai đầu tư hoàn thành các tuyến đường Vành đai 4 TPHCM sẽ tạo được lực phát triển hiện đại hóa Cảng cửa ngõ quốc tế Thị Vải-Cái Mép thành Cảng quốc tế trung chuyển lớn, có tầm cỡ khu vực châu Á và quốc tế; hình thành 7 trung tâm logistics cấp quốc gia, khu thương mại tự do gắn với cảng biển tại khu vực Cái Mép Hạ, thu hút nhà đầu tư chiến lược và thiết kế hệ sinh thái hoàn chỉnh và đồng bộ, áp dụng các chuẩn mực hàng đầu quốc tế.

BT



Link nội dung: https://dulichgiaitri.vn/ba-ria-vung-tau-tich-cuc-phoi-hop-trien-khai-du-an-duong-vanh-dai-4-tphcm-a190013.html