Sáng 12/11, Lễ kỷ niệm 70 năm thành lập ngành Giáo dục và Đào tạo Thủ đô (1954 - 2024) và 42 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 - 20/11/2024) đã diễn ra long trọng tại Trung tâm Hội nghị quốc gia, và được kết nối trực tuyến tới các trường học, cơ sở giáo dục trên địa bàn Thành phố, trên các nền tảng ứng dụng số và mạng xã hội: Facebook, fanpage của các trường.
Tham dự lễ kỷ niệm có: Đồng chí Bùi Thị Minh Hoài - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội; đồng chí Phạm Quang Nghị - Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội; đồng chí Nguyễn Kim Sơn - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo; đồng chí Trần Sỹ Thanh - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội; đồng chí Nguyễn Văn Phong - Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội.
Cùng các đồng chí nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, các đồng chí lãnh đạo các Bộ, ban, ngành Trung ương, Bộ Giáo dục và Đào tạo; các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Thành ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội, và đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo các tỉnh thành bạn, Quận, Huyện, thị ủy, UBND các quận, huyện, thị xã, các vị khách quốc tế và hơn 3.500 đại biểu thầy cô, học sinh tham dự.
Thực hiện tốt trọng trách: “Nâng cao dân trí - chấn hưng dân khí - bồi dưỡng nhân tài”
Ôn lại hành trình 70 năm xây dựng và phát triển, Thành ủy viên, Giáo đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Trần Thế Cương cho biết: Tháng 10/1954, hàng vạn người dân Hà Nội đã vỡ òa trong niềm vui giải phóng Thủ đô, đón đoàn quân chiến thắng trở về. Niềm vui như nhân đôi với các thầy giáo, cô giáo và học sinh Hà Nội, bởi ngay sau thời khắc đó là sự ra đời của ngành Giáo dục và Đào tạo Thủ đô. Kể từ mùa thu năm ấy, đến hôm nay, ngành Giáo dục và Đào tạo Thủ đô đã trải qua 70 năm xây dựng, trưởng thành và phát triển.
“7 thập kỷ, tuy chưa thật dài so với lịch sử đất nước, Thăng Long - Hà Nội và lịch sử truyền thống của ngành Giáo dục Việt Nam, nhưng với trọng trách lớn lao: “Nâng cao dân trí - chấn hưng dân khí - bồi dưỡng nhân tài”, cùng với sự phấn đấu liên tục, bền bỉ, vượt qua mọi khó khăn, thử thách trên từng chặng đường phát triển, ngành Giáo dục và Đào tạo Thủ đô đã để lại nhiều dấu ấn lịch sử, ghi nhận và khẳng định những đóng góp to lớn của các thế hệ thầy và trò, góp phần quan trọng trong công cuộc xây dựng Thủ đô và đất nước”, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Trần Thế Cương nhấn mạnh.
Lật giở lại những trang đầu lịch sử, khi ngành Giáo dục và Đào tạo Thủ đô được khai sinh, chắc hẳn nhiều thế hệ nhà giáo không thể nào quên hình ảnh của một Hà Nội gian khó nhưng sôi nổi và đầy nhiệt huyết với những lớp học bình dân học vụ, xóa nạn mù chữ. Cả Hà Nội lúc đó chỉ có 96 trường tiểu học, 04 trường phổ thông trung học. Số trường này chỉ đáp ứng được 20% số trẻ đến trường, vì vậy 80% trẻ em - chủ yếu là con em của nhân dân lao động bị thất học, khoảng gần 90% người dân Hà Nội chưa biết chữ. Giáo dục mầm non cũng còn “non nớt”, chỉ có 03 trường mầm non với 254 trẻ.
Sau Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Hà Nội nhận thức rõ về vị thế là trung tâm văn hóa, giáo dục, là “trái tim” của cả nước, cần phải nỗ lực phấn đấu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo nhằm hướng tới xây dựng một nền giáo dục phát triển, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Ngày 11/01/1979, ngay sau khi Nghị quyết số 14 của Bộ Chính trị được ban hành, Hà Nội đã bắt tay ngay vào công cuộc cải cách giáo dục; không những quan tâm, tăng cường đầu tư phát triển về quy mô mà còn tập trung vào chiều sâu và mang tính cách mạng trong mục tiêu giáo dục, trong nội dung: “Nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện (đức, trí, thể, mỹ); trong nguyên lý giáo dục: Yêu cầu “học đi đôi với hành”, giáo dục kết hợp với lao động, nhà trường gắn liền với xã hội; trong việc xây dựng hệ thống giáo dục phổ thông 12 năm.
Với những mục tiêu và bằng những chủ trương, chính sách, hành động cụ thể, 10 năm sau ngày thống nhất, ngành Giáo dục và Đào tạo Thủ đô đã có những bước “thay da, đổi thịt”, phát triển thành một trung tâm giáo dục lớn, đi đầu cả nước, tạo bước chuyển căn bản, tiền đề cho sự bứt phá khi đất nước bước vào kỷ nguyên đổi mới.
“Có thể nói sự phát triển của giáo dục Hà Nội trên hành trình 70 năm truyền thống cũng chính là tấm gương phản chiếu cho sự lớn mạnh của Thủ đô. Trong 70 năm qua, với sự nỗ lực xây dựng, đổi mới, sáng tạo không ngừng của các thế hệ lãnh đạo, nhà giáo và cán bộ ngành Giáo dục và Đào tạo; bằng việc triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp, ngành Giáo dục và Đào tạo Thủ đô đã có bước phát triển vượt bậc cả về quy mô, chất lượng và hiệu quả, xứng tầm là trung tâm giáo dục lớn; nơi đào tạo và cung cấp nguồn nhân lực quan trọng cho sự nghiệp xây dựng Thủ đô, đất nước”, vị tư lệnh ngành giáo dục Thủ đô khẳng định.
Đơn vị tiên phong đi đầu, dẫn dắt trong mọi nhiệm vụ của toàn ngành
Ghi nhận sự phát triển của ngành GDĐT Hà Nội trong 70 năm qua, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn khẳng định: Ngành Giáo dục và Đào tạo Thủ đô luôn là một trong những đơn vị tiên phong đi đầu, dẫn dắt trong mọi nhiệm vụ của toàn ngành. Đặc biệt, từ năm 2008, TP Hà Nội có những mở rộng địa giới, tuy gặp nhiều thách thức của quá trình điều chỉnh hành chính, song chất lượng giáo dục tiếp tục được duy trì và nâng cao, kỷ cương nền nếp được tăng cường. Giáo dục Hà Nội đã kết hợp tinh hoa của Thủ đô với giáo dục của Xứ Đoài nhiều truyền thống.
“Với vai trò của nền giáo dục Thủ đô của cả nước, ngành GDĐT Hà Nội đã không ngừng nỗ lực, phát huy năng lực chủ động tích cực, đổi mới sáng tạo của toàn thể đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên và học sinh, hoàn thành xuất sắc những yêu cầu của phát triển Thủ đô”, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nói.
Hiện nay, quy mô giáo dục Hà Nội chiếm trên 10% quy mô giáo dục cả nước với gần 3000 cơ sở giáo dục các cấp, khoảng 130 nghìn giáo viên, gần 2,3 triệu học sinh. Hà Nội cũng là nơi tập trung 120 cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng với gần 1 triệu sinh viên. Với quy mô giáo dục lớn nhất cả nước, có mạng lưới trường, lớp đang không ngừng được mở rộng, ngày càng khang trang hiện đại, tỷ lệ trường chuẩn quốc gia và quốc tế ngày càng gia tăng.
Giáo dục Hà Nội đang từng bước đáp ứng nhu cầu học tập của con em nhân dân Thủ đô, cả giáo dục chính khoá và giáo dục thưởng xuyên, cả nâng cao dân trí và bồi dưỡng nhân tài.
Theo Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Hà Nội là một trong những nơi tích cực và triển khai một cách bài bản, hiệu quả Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Chất lượng giáo dục toàn diện, giáo dục đại trà không ngừng được nâng cao, giáo dục mũi nhọn luôn đứng đầu cả nước với gần 2500 giải tại các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia và huy chương tại các kỳ thi quốc tế.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn trao tặng danh hiệu Nhà giáo nhân dân, Nhà giáo ưu tú và tặng hoa chúc mừng cho các nhà giáo Thủ đô. Năm 2024, ngành GDĐT Hà Nội có 1 nhà giáo được phong tặng Nhà giáo nhân dân và 55 nhà giáo được phong tặng Nhà giáo ưu tú.
Những thành quả của giáo dục Thủ đô đạt được trong 70 năm qua sẽ là tiền đề quan trọng, tạo đà để ngành Giáo dục Thủ đô tiếp tục phát triển, vượt qua những thách thức mới, sứ mệnh mới để đáp ứng được nhu cầu phát triển của Thủ đô trong thời kỳ mới.
Để sự nghiệp Giáo dục và Đào tạo Thủ đô ngày càng phát triển, sánh vai với quốc tế
70 năm sau ngày giải phóng, dù phải trải qua nhiều giai đoạn khó khăn, thử thách, song trong bất cứ hoàn cảnh nào, Hà Nội vẫn luôn là tấm gương điển hình trong sự nghiệp giáo dục - đào tạo, phát triển và bồi dưỡng một đội ngũ trí thức đông đảo, đóng góp vào sự phát triển chung của Thủ đô và đất nước.
Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết: “Hội nghị Trung ương 10, khóa XIII vừa diễn ra đã thống nhất khẳng định: Việt Nam bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Đất nước đang đứng trước thời điểm mang tính bước ngoặt quyết định, trong đó Hà Nội là trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa - khoa học - giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế, có vị trí xứng đáng ở khu vực và trên thế giới”.
Để làm được điều đó, theo Chủ tịch UBND Thành phố Trần Sỹ Thanh ngành giáo dục đào tạo Thủ đô phải vươn lên phát triển mạnh mẽ và vững chắc hơn nữa. Đồng thời đề nghị trong thời gian tới và ngay từ năm học 2024 - 2025 này, cần tiếp tục đẩy mạnh và triển khai Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Kết luận số 91-KL/TW ngày 12/8/2024 của Bộ Chính trị về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI "Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế".
Chủ tịch UBND Thành phố Trần Sỹ Thanh cho rằng, toàn Ngành Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cần quan tâm, thực hiện tốt một số nhiệm vụ, cụ thể:
Một là: Chăm lo nâng cao hơn nữa chất lượng dạy và học (bao gồm cả đức, trí, thể, mỹ), làm tốt cả việc dạy chữ, dạy nghề, đặc biệt là dạy người; không ngừng cải tiến cách dạy, cách học; gắn học với hành, trau dồi đạo đức, lối sống, nhằm tạo ra những con người thật sự có đức, có tài, phục vụ nhân dân, phụng sự Tổ quốc.
Hai là: Phát động và xây dựng môi trường sư phạm lành mạnh, tạo sự chuyển biến rõ nét và sâu sắc trong công tác giáo dục tri thức và truyền thống Thăng Long - Hà Nội. Đặc biệt, đề nghị ngành giáo dục nâng cao công tác tuyên truyền, giáo dục, hỗ trợ cho gia đình để cùng chung tay ngăn chặn tình trạng bạo lực học đường, tệ nạn xã hội; quan tâm nhiều hơn, thiết thực hơn tới các học sinh hoàn cảnh khó khăn để học sinh được học tập trong môi trường an toàn, thân thiện, hạnh phúc.
Ba là: Tiếp tục hiểu đúng và thực hiện tốt hơn nữa chủ trương xã hội hóa giáo dục, khai thác mọi nguồn lực của các thành phần kinh tế của toàn xã hội, tạo ra sức mạnh tổng hợp để tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại, đáp ứng công tác giáo dục, giảng dạy chất lượng cao.
Bốn là: Thường xuyên chăm lo công tác xây dựng Đảng, xây dựng Đoàn và thực hiện quy chế dân chủ, công khai trong nhà trường; thực hiện tốt phương châm “Xây dựng nhà trường văn hóa; nhà giáo mẫu mực; học sinh thanh lịch”.
Trong niềm vui chung, hướng tới kỷ niệm lần thứ 42 ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, Chủ tịch nước đã có 03 Quyết định: Số 1582, số 612; số 613 về việc phong tặng danh hiệu “Nhà giáo Nhân dân”, “Nhà giáo Ưu tú”, trong đó ngành Giáo dục và Đào tạo Thủ đô vinh dự có 01 “Nhà giáo Nhân dân” và 55 “Nhà giáo Ứu tú”. Đây là phần thưởng cao quý, mà Đảng, Nhà nước trân trọng ghi nhận quá trình nỗ lực phấn đấu bền bỉ của mỗi nhà giáo đối với sự nghiệp “trồng người”, xứng đáng để đồng nghiệp học tập và noi theo.
Link nội dung: https://dulichgiaitri.vn/70-namtrong-nguoi-ren-duc-luyen-tai-nhung-chu-nhan-cua-dat-nuoc-va-thu-do-a190067.html