TS. Phan Hữu Thắng, Chủ tịch Liên chi hội Tài chính Khu công nghiệp Việt Nam (VIPFA) phân tích: Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành Việt Nam đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật, trong đó có các điều khoản quy định về điều kiện, tiêu chí lựa chọn dự án FDI nhằm tạo hành lang pháp lý để các địa phương chủ động xem xét, chấp thuận chủ trương đầu tư trước khi quyết định cấp giấy chứng nhận đăng kí đầu tư cho nhà đầu tư nước ngoài.
Tuy nhiên, các tiêu chí qui định về lựa chọn dự án FDI còn phân tán ở nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác nhau nên khi áp dụng vào thực tế, các cấp lãnh đạo tại địa phương rất khó tìm kiếm đầy đủ các điều khoản cụ thể cùng lúc tại nhiều các văn bản pháp qui khác nhau. Vì thế, có thể bỏ sót một số các quy định, có thể dẫn đến những sai sót không đáng có khi chấp thuận cấp phép cho các dự án không có đủ các điều kiện đầu tư.
Còn ông Lê Anh Dũng, Tổng giám đốc ISC cho biết: Bên cạnh những thành tựu đạt được, việc thu hút và sử dụng FDI thời gian qua còn một số bất cập.
Trước hết, phải kể đến việc liên kết và hiệu ứng lan tỏa năng suất và công nghệ của khu vực FDI đến khu vực trong nước còn hạn chế.
Cùng với việc phát triển quan hệ đối tác toàn diện, đối tác chiến lược với các nước trên thế giới và tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, trong những năm gần đây, Việt Nam chuyển sang thu hút FDI có chất lượng và hiệu quả cao hơn.
Nhằm hỗ trợ các cơ quan chuyên môn ở địa phương nắm bắt được đầy đủ các quy định pháp luật liên quan đến FDI, thực thi dễ dàng hơn nhiệm vụ rà soát, xử lý lựa chọn dự án đầu tư, rút ngắn thời gian thẩm định và trả lời nhà đầu tư nước ngoài khi xem xét hồ sơ đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư; giám sát, đánh giá đúng vị trí, vai trò và đóng góp của khu vực FDI đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, cũng như kết quả đạt được các mục tiêu đã đặt ra trong việc hợp tác đầu tư với nước ngoài, Viện Nghiên cứu đầu tư quốc tế (ISC) trân trọng giới thiệu cuốn "Sổ tay hướng dẫn quản lý hoạt động hợp tác đầu tư nước ngoài trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương".
Cuốn sổ tay bao gồm, phần I: Hướng dẫn áp dụng tiêu chí Thẩm định hồ sơ chấp thuận chủ trương đầu tư dự án FDI thuộc thẩm quyền UBND cấp tỉnh. Trong đó có nêu các tiêu chí thẩm định và quy trình cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư được mô hình hóa, tiện cho cán bộ, công chức nhà nước cũng như nhà đầu tư biết rõ quy trình, tuần tự các bước thực hiện.
Phần II: Hướng dẫn áp dụng tiêu chí giám sát, đánh giá chất lượng, hiệu quả đầu tư trực tiếp nước ngoài trên địa bàn tỉnh. Trong đó có Bộ tiêu chí giám sát, đánh giá chất lượng, hiệu quả FDI trên địa bàn tỉnh.
Phần III: Các Hiệp định thương mại tự do Việt Nam tham gia đang được thực thi. Trong đó đã tóm lược những nội dung cơ bản của các Hiệp định, các cơ hội – thuận lợi – khó khăn khi thực thi.
Phần IV: Các quốc gia là đối tác quan trọng của Việt Nam.
Cuốn sổ tay cũng cung cấp thêm danh sách 100 công ty lớn nhất thế giới theo giá trị vốn hóa năm 2023 ở phần V.
TS. Ngô Công Thành, Chủ tịch ISC, Phó Chủ tịch Liên chi hội tài chính khu công nghiệp Việt Nam (VIPFA), chủ biên của cuốn Sổ Tay này cho biết, khi nghiên cứu xây dựng cuốn sổ tay này các chuyên gia ISC đã xác định rõ đối tượng chính cần phục vụ là: Thường trực tỉnh ủy, UBND tỉnh; lãnh đạo các cơ quan chức năng của tỉnh có liên quan trực tiếp đến quản lý đầu tư nước ngoài (Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Xây dựng, SởTài chính, Sở LĐTBXH; Ban Quản lý KKT/KCN, Khu công nghệ cao của tỉnh). Đây là các đối tượng thường xuyên thay đổi do luân chuyển, bổ nhiệm theo nhiệm kỳ, khó có thể nắm bắt được đầy đủ các quy định pháp luật liên quan đến FDI.
Tài liệu này cũng cung cấp công cụ phân tích, đánh giá chất lượng, hiệu quả đầu tư trực tiếp nước ngoài trên địa bàn tỉnh định kỳ hàng năm để nhận diện các bất cập, hạn chế của dòng vốn FDI vào địa phương.
Các tiêu chí ISC đưa ra trong cuốn sổ tay này có tính khả thi cao, dễ thực hiện, có thể định lượng để xếp hạng các địa phương khi đánh giá hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài.
Trên cơ sở đó có chính sách, giải pháp xử lý kịp thời, góp phần phát triển kinh tế - xã hội bền vững của từng địa phương và cả nước.
"Các nhà đầu tư nước ngoài đang tìm kiếm cơ hội đầu tư và triển khai dự án đầu tư tại Việt Nam cũng có thể sử dụng cuốn sổ tay này cho việc chuẩn bị hồ sơ trình cấp có thẩm quyền đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư đối với dự án của mình và chuẩn bị văn bản báo cáo các cơ quan chức năng tình hình thực hiện dự án đầu tư theo đúng quy định", theo TS. Ngô Công Thành.
Dưới góc độ của bộ phận chuyên môn địa phương làm công tác thẩm định các dự án thu hút FDI đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư Vĩnh Phúc đánh giá: Việc ban hành "Bộ tiêu chí thẩm định đầu tư FDI" sẽ mang lại nhiều lợi ích với nhà đầu tư FDI, cơ quan quản lý nhà nước và lãnh đạo tỉnh trong việc quyết định đầu tư, góp phần thu hút và quản lý hiệu quả các dự án FDI. Đối với các cơ quan quản lý đóng vai trò chủ trì thẩm định như Sở KHDT và Ban Quản lý khu công nghiệp (QLKCN), các tiêu chí cụ thể giúp bộ phận chuyên môn dễ dàng tra cứu, đối chiếu, có căn cứ rõ ràng, tăng tính khách quan, minh bạch trong quá trình thẩm định, tăng tính ổn định và nhất quán trong việc đánh giá hiệu quả đầu tư...
Đối với Nhà đầu tư FDI, việc minh bạch hóa quy trình, tiêu chí thẩm định đầu tư của tỉnh giúp Nhà đầu tư sẽ rõ ràng về các yêu cầu, điều kiện để được cấp phép đầu tư, giúp họ chuẩn bị hồ sơ hiệu quả hơn. Tăng tính chắc chắn, dự đoán được kết quả; làm giảm thiểu rủi ro, chi phí đầu tư và cả thời gian khảo sát nghiên cứu phát triển dự án.
Anh Minh
Link nội dung: https://dulichgiaitri.vn/them-cong-cu-de-cac-dia-phuong-lua-chon-du-an-fdi-chat-luong-a190084.html