Sala trăm cột trăm tuổi
Được xây dựng từ năm 1573, chùa Buppharam (còn gọi là chùa hoa) tọa lạc tại xã Hưng Hội, huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu, cách trung tâm Tp.Bạc Liêu khoảng 7 km là một trong những ngôi chùa Khmer lâu đời nhất của tỉnh Bạc Liêu hiện nay.
Chùa Buppharam được người dân địa phương gọi là chùa Chót. Bởi, theo tuyến đường giao thông từ trung tâm Bạc Liêu đi vào xã Hưng Hội, có 3 ngôi chùa Khmer thì chùa này nằm ở vị trí cuối. Chùa được đặt tên theo tên của vị Thượng tọa sáng lập chùa.
Trong khuôn viên chùa có một công trình bằng gỗ hầu như còn nguyên vẹn, được xem là hiếm có hiện nay, đó là ngôi sala (giảng đường). Công trình này xây dựng từ năm 1915, tức đã hơn 100 năm tuổi.
Thượng tọa Tăng Sa Vong, Trụ trì chùa cho biết, cây gỗ làm sala có nhiều loại như cẩm lai, cẩm xe, thao lao… được chuyển từ Campuchia về. Các thợ đục đẻo, ráp lại thành ngôi sala.
Ngôi sala ngang khoảng 10 m, dài 20 m, có tổng cộng 100 cây cột lớn, nhỏ bằng gỗ. Ngoài những điêu khắc, tráng trí không quá cầu kỳ thì điểm nổi bật của sala là hình tượng chim thần Krut. Đây là loài vật dữ nhưng có tình cảm với Phật pháp.
Tuy ngôi sala này đã trải qua trăm năm nhưng theo Thượng tọa Tăng Sa Vong, nhà chùa chưa trùng tu, sửa chữa gì nhiều, chỉ thay một số cây kèo, đòn tay bị mục. Ngoài ngôi sala trăm tuổi, chùa Chót còn có 2 bức tượng Phật bằng đá có niên đại từ thế kỳ 15, cách đây hàng trăm năm.
Ngôi nhà cổ 140 năm tuổi giữa lòng thành phố
Tọa lạc tại ấp 2, xã Tắc Vân, Tp.Cà Mau, ngôi nhà cổ của ông hội đồng Lâm Canh (còn gọi là Ban Yếu) được xem là một trong những người giàu có nức tiếng tại Cà Mau thời bấy giờ với ruộng đất "cò bay thẳng cánh".
Với độ giàu có của mình, khoảng năm 1880, hội đồng Canh đã thuê thợ thiết kế, thi công và vận chuyển nguyên vật liệu về xã Tắc Vân, Tp.Cà Mau xây dựng.
Hơn 1 thế kỷ trôi qua, "dinh thự" của ông hội đồng nức tiếng Cà Mau ngày nào vẫn tồn tại sừng sững theo thời gian. Tuy có nhiều hạng mục xuống cấp nhưng công trình này vẫn toát lên vẻ đẹp cổ kính làm nao lòng nhiều người. Ngôi nhà cổ này đang được cháu, chắt của hội đồng Canh dùng làm nhà thờ tổ.
Ông Trương Hoàng Vân, Trưởng ấp 2, xã Tắc Vân cho biết, ông và con trai út của hội đồng Canh từng là bạn học. Ông thường xuyên được bạn rủ đến nhà chơi nên ông cũng ít nhiều hiểu biết về nguồn gốc của căn nhà cổ này.
Theo vị Trưởng ấp 2, ngôi nhà được xây bằng tường 20, lợp ngói và mặt cửa bằng đá nên khi vào trong mát như có máy lạnh. Đặc biệt, gian giữa của căn nhà được thiết kế không gian rộng để đón ánh nắng và gió để nhiều người khi bước vào đều cảm thấy thông thoáng, mát mẽ.
Ông Hồ Thanh Sử, Chủ tịch UBND xã Tắc Vân cũng cho biết thêm, khoảng năm 2002, tỉnh Cà Mau dự định cùng cháu, chắt hội đồng Lâm Canh đầu tư tái tạo nhằm giữ lại di tích này nhưng gia đình không đồng ý. Nếu gia đình đồng ý cùng ngành chức năng trùng tu thì sẽ có nghĩa rất lớn đối với việc phát triển du lịch tại địa phương.
Link nội dung: https://dulichgiaitri.vn/kham-pha-nhung-cong-trinh-hon-100-nam-tuoi-o-mien-tay-a19009.html