Lý giải nguyên nhân trầm cảm
Safe and Sound là một trung tâm hỗ trợ sức khoẻ tinh thần của Viện Ứng Dụng Công Nghệ Y tế IMT, thuộc Liên Hiệp Hội Khoa Học Kỹ Thuật Việt Nam VUSTA, với hơn 20 năm hoạt động, trong đó có tư vấn, trị liệu về trầm cảm.
Theo TS. BS. Trần Tiến Tài, chuyên gia tâm lý nền tảng tư vấn tâm lý Online Safe and Sound, giảng viên Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, trầm cảm thường được gọi là "bệnh của thời đại" bởi vì tỷ lệ mắc bệnh này đã tăng đáng kể trong những năm gần đây, đặc biệt là ở các xã hội hiện đại. Nguyên nhân của bệnh có thể liên quan đến vấn đề di truyền, thay đổi nồng độ các chất dẫn truyền thần kinh, chức năng của hormone thần kinh bị thay đổi và các yếu tố tâm lý xã hội. Đặc biệt về yếu tố xã hội, văn hóa và lối sống hiện đại góp phần làm tăng nguy cơ mắc trầm cảm có thể kể đến bao gồm:
Áp lực công việc và cuộc sống: Áp lực từ công việc, tài chính, và các yêu cầu xã hội có thể gây căng thẳng và dẫn đến trầm cảm. Lối sống hiện đại thúc đẩy con người đạt được nhiều thành tựu, thành công, nhưng lại không cung cấp đủ thời gian cho sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống cá nhân.
Công nghệ và mạng xã hội: Việc lạm dụng công nghệ và mạng xã hội ngày càng phổ biến dẫn đến hiện tượng cách ly và cô lập xã hội, khiến con người dễ rơi vào trạng thái cô đơn, thiếu đi các mối quan hệ xã hội chất lượng. Mạng xã hội tuy là nền tảng giúp kết nối con người với nhau nhưng cũng có thể gây ra cảm giác cô đơn, mất kết nối thật sự với xã hội bên ngoài.
Chuyên gia Lê Thị Thanh Phương - Giám đốc Trung tâm Tâm lý trị liệu NHC Việt Nam cũng cho biết, có nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn đến trầm cảm, bao gồm yếu tố di truyền, sinh học, môi trường, và các yếu tố xã hội. Cụ thể, sự mất cân bằng các chất hóa học trong não có thể là một trong những nguyên nhân sinh học. Về mặt môi trường, áp lực từ công việc, tài chính, và các mối quan hệ cũng có thể khiến một người dễ rơi vào trầm cảm. Nhóm đối tượng dễ mắc nhất là người cao tuổi, thanh thiếu niên, và những người có tiền sử gia đình liên quan đến rối loạn tâm lý. Đặc biệt, trầm cảm ở người cao tuổi thường nghiêm trọng hơn, vì họ ít chia sẻ và dễ có những hành vi bạo lực hoặc tự gây hại.
Theo chuyên gia Lê Thị Thanh Phương, với nhịp sống nhanh, áp lực về tài chính, công việc, và cả sự phức tạp trong các mối quan hệ xã hội, nhiều người thường rơi vào trạng thái lo âu và căng thẳng, đây là tiền đề cho trầm cảm. Bên cạnh đó, mạng xã hội ngày nay cũng đóng vai trò không nhỏ. Các nghiên cứu chỉ ra rằng, việc dành quá nhiều thời gian trên mạng xã hội có thể khiến người dùng cảm thấy cô đơn, mất tự tin, và dễ bị so sánh, đặc biệt là ở thanh thiếu niên. Đây là những yếu tố làm gia tăng nguy cơ trầm cảm đối với những ai đã có tâm lý không ổn định.
Nhiều rào cản ứng phó với bệnh trầm cảm
Trầm cảm là một căn bệnh có thể để lại những hậu quả rất nghiêm trọng. Tuy nhiên, hiện nay, đáng tiếc là nhận thức của cộng đồng về bệnh trầm cảm vẫn còn nhiều hạn chế và thường thiếu chính xác, dẫn đến việc nhiều người mắc trầm cảm không được hỗ trợ kịp thời.
TS. BS. Trần Tiến Tài, chuyên gia tâm lý nền tảng tư vấn tâm lý Online Safe and Sound phân tích, trong văn hóa Á Đông nói chung và Việt Nam nói riêng, trầm cảm thường bị nhìn nhận như là một "sự yếu đuối" hoặc "thiếu nghị lực", chứ không phải là một bệnh lý nghiêm trọng. Điều này khiến người bệnh có xu hướng che giấu cảm xúc và không tìm kiếm sự giúp đỡ, bởi họ lo sợ bị đánh giá hoặc xa lánh. Bên cạnh đó, còn là thái độ kỳ thị đối với sức khỏe tâm thần.
Thứ nhất, từ góc độ cộng đồng, sự kỳ thị đối với sức khỏe tâm thần vẫn tồn tại ở nhiều nơi, khiến bệnh nhân và gia đình thường né tránh việc chia sẻ về tình trạng trầm cảm. Từ chính người bệnh: Bệnh nhân có thể tự kỳ thị bản thân, dẫn đến cảm giác tội lỗi và tự ti, làm tăng nặng các triệu chứng trầm cảm. Sự tự kỳ thị này cũng làm cho họ khó mở lòng để tìm kiếm sự giúp đỡ từ người thân hoặc chuyên gia.
Thứ hai, là từ sự thiếu hiểu biết của gia đình và bạn bè: Trong gia đình, trầm cảm đôi khi bị xem là tình trạng "buồn chán tạm thời" hay "mệt mỏi". Vì vậy, gia đình và bạn bè có thể không nhận diện được các dấu hiệu trầm cảm ở người thân và thường đưa ra những lời khuyên như "hãy vui vẻ lên" hoặc "hãy cố gắng hơn", từ đó lại vô tình làm người bệnh cảm thấy cô lập và không được hỗ trợ.
Thứ ba là do sự thiếu kỹ năng tự nhận diện ở người bệnh: Bản thân người mắc trầm cảm cũng thường gặp khó khăn trong việc tự nhận biết tình trạng của mình, do họ có thể coi đó là cảm giác buồn rầu thông thường. Trầm cảm có thể tiến triển âm thầm qua nhiều tháng hoặc nhiều năm, khiến người bệnh mất dần khả năng cảm nhận niềm vui trong cuộc sống mà không nhận ra rằng đây là dấu hiệu của bệnh lý cần được điều trị.
Cuối cùng do tình trạng thiếu dịch vụ chăm sóc và hỗ trợ tinh thần. Ở nhiều nơi, đặc biệt là các vùng nông thôn, dịch vụ chăm sóc sức khỏe tinh thần còn thiếu hoặc khó tiếp cận, khiến người bệnh gặp khó khăn trong việc tìm kiếm sự giúp đỡ chuyên môn.
TS. BS. Trần Tiến Tài, chuyên gia tâm lý nền tảng tư vấn tâm lý Online Safe and Sound chia sẻ về một số trường hợp mắc trầm cảm mà ông đã tiếp xúc để chứng minh tầm quan trọng của việc cần nâng cao nhận thức của cộng đồng, gia đình và chính người bệnh về trầm cảm.
Đó là một bệnh nhân nam trung niên, 40 tuổi, công việc văn phòng đã đến gặp bác sĩ khi tình trạng trầm cảm đã nghiêm trọng. Anh đã trải qua các dấu hiệu mất ngủ kéo dài, không còn hứng thú với công việc mà trước đây mình yêu thích, và thậm chí đã có ý nghĩ tự sát. Tuy nhiên, trong suốt nhiều tháng, anh ấy từ chối thừa nhận tình trạng của mình là trầm cảm. Anh xem đây là "sự yếu đuối" và cố gắng tự mình vượt qua. Đáng tiếc là, khi gia đình thuyết phục anh đến gặp bác sĩ, bệnh đã ở giai đoạn nặng và anh cần can thiệp điều trị chuyên sâu và dùng thuốc dài hạn.
Từ trường hợp này, có thể thấy rằng việc thừa nhận cảm xúc tiêu cực là điều rất quan trọng. Nếu người bệnh sớm nhận diện và thừa nhận vấn đề, họ sẽ dễ dàng tiếp cận với sự hỗ trợ kịp thời và ít gặp phải hậu quả nặng nề hơn.
Một trường hợp khác, một bệnh nhân nam 70 tuổi, từng là người vui vẻ và hòa đồng, đã dần rơi vào trạng thái u uất sau khi nghỉ hưu. Gia đình nghĩ rằng đây chỉ là biểu hiện "buồn chán tuổi già", và vì vậy họ không để ý nhiều. Cho tới khi ông có hành vi tự sát bằng cách nhảy khỏi ban công chung cư, gia đình mới nhận ra tính nghiêm trọng của tình trạng này. Tuy nhiên, đến lúc đó, ông đã rơi vào trạng thái trầm cảm nặng kéo dài, khiến việc điều trị trở nên khó khăn và kém hiệu quả hơn. Đây là trường hợp minh chứng cho việc thiếu kiến thức về sức khỏe tinh thần ở người cao tuổi. Nếu gia đình quan tâm và nhận diện sớm, ông có thể được hỗ trợ điều trị sớm hơn, giúp hạn chế hậu quả.
Hoặc ở một lứa tuổi khác, một bệnh nhân nữ 17 tuổi, vốn là một học sinh giỏi, năng động nhưng dần trở nên thu mình, xa lánh bạn bè, giảm thành tích học tập và mất ngủ triền miên. Cô bé có những dấu hiệu rõ rệt của trầm cảm, nhưng khi chuyên gia đề xuất can thiệp, gia đình lại phủ nhận. Bố mẹ cô cho rằng đây chỉ là do "giai đoạn tuổi dậy thì" hoặc "áp lực học hành". Họ từ chối việc điều trị tâm lý, tin rằng con gái mình chỉ cần "cố gắng hơn" là đủ. Sau một thời gian, tình trạng của cô bé nặng hơn và có biểu hiện tự hại bản thân. Khi gia đình nhận ra tình hình nghiêm trọng, họ đưa con đi điều trị, nhưng tình trạng của cô đã nghiêm trọng, cần nhiều thời gian hơn để phục hồi và điều chỉnh. Đây là một ví dụ đau lòng về việc phủ nhận tình trạng của bệnh nhân, khi người thân không hiểu đúng về trầm cảm và xem nhẹ bệnh lý này.
Có thể thấy rằng, khi cộng đồng, gia đình và chính người bệnh hiểu rõ về trầm cảm sẽ có các biện pháp hỗ trợ đúng cách và kịp thời. Điều này không chỉ giúp giảm nhẹ nỗi đau cho người bệnh mà còn góp phần tạo ra một cộng đồng hiểu biết và đồng cảm hơn với những ai đang phải đối diện với căn bệnh trầm cảm.
Kỳ 3: Làm gì để hạn chế trầm cảm và giảm thiểu hậu quả của bệnh?
Link nội dung: https://dulichgiaitri.vn/ky-2-can-benh-nguy-hiem-nhung-chua-duoc-nhan-thuc-day-du-a190530.html