Dấu xưa nơi làng Cựu

(PNTĐ) - Làng Cựu thuộc xã Vân Từ (huyện Phú Xuyên), cách trung tâm Hà Nội khoảng 40km và nổi tiếng chỉ sau làng cổ Đường Lâm (thị xã Sơn Tây). Đây là một trong ít nơi trên cả nước vẫn còn lưu dấu những căn biệt thự có kiến trúc pha lẫn Việt - Pháp - Hoa cổ kính.

Rêu phong làng cổ

Nhắc đến làng cổ ở Hà Nội, người ta thường nghĩ ngay đến làng cổ Đường Lâm của Sơn Tây hay Cự Đà của Thanh Oai, nhưng ít ai biết rằng Thủ đô vẫn còn ngôi làng có tuổi đời hàng trăm năm đó là làng Cựu.

Qua quãng đường hàng chục cây số với tàu xe tấp nập, làng Cựu hẳn sẽ mang lại cảm giác bình yên cho không ít người khi lần đầu ghé thăm. Dù đã trải qua nhiều biến động nhưng cho đến nay làng vẫn còn giữ được chiếc cổng cổ, đình và giếng nước. Chiếc cổng làng bề thế là kiến trúc cổ cao nhất ở làng Cựu, được xây theo lối “quyển thư”, tựa như một cuốn sách khổng lồ đang mở ra đón khách. Cổng làng có kiến trúc cầu kỳ, bề thế, có tầng, có mái và có cả lối lên xuống. Trên cổng, hai đôi nghê đắp nổi dù đã sứt mẻ theo thời gian nhưng dường như lại càng tôn bồi nên nét đẹp cổ kính của làng quê.

Bà Nguyễn Thị Nga (sinh năm 1957) chia sẻ, trước đây làng Cựu có tận 2 cổng lớn, tuy nhiên một cổng nơi đầu làng đã bị dỡ bỏ năm 1972. Chiếc cổng ấy được phá đi để xe chở lương thực có thể vào làng. Ngày nay, qua sự biến thiên của thời gian, làng vẫn giữ được chiếc cổng đặt nơi cuối làng.

Ở làng Cựu có điểm nhấn không thể lẫn với các nơi khác đó là những con ngõ rêu phong in hằn vệt thời gian loang lổ. Sâu bên trong là những căn nhà ẩn chứa bao câu chuyện đời vui buồn. Kỳ thực, ngõ hẹp thì ở đâu cũng vậy, nhưng ở nơi này dẫu không đến mức người đi phải nghiêng mình lách qua, song cũng phải chậm lại. Chậm lại nên sẽ có cảm giác sống chậm.

Dấu xưa nơi làng Cựu - ảnh 1
Làng Cựu hiện vẫn mang những nét đẹp xưa cũ.

Lại nữa, nơi làng Cựu nếu không nói đến kiến trúc có lẽ sẽ thực là thiếu sót. Nhà ở mang phong cách kiến trúc Pháp là nét đặc sắc nhất trong di sản ở làng Cựu. So với các làng khác cũng có kiến trúc phong cách châu Âu như làng Nha Xá (Hà Nam), Cự Đà (Hà Nội) thì nhà tại làng Cựu lại nhiều và đẹp. Hơn hết, nơi đây dường như kiến trúc được pha lẫn Việt - Pháp - Hoa. Chẳng thế mà, tại nhiều căn nhà cổ trong làng, trên phần mái của không ít nhà đều được trang trí bức phù điêu Tam đa (Phúc - Lộc - Thọ) mang đậm hơi hướng văn hóa Á Đông.

Ông Trần Quang Trung, Trưởng thôn Cựu chia sẻ, hiện làng còn khoảng 30 ngôi nhà cổ được xây dựng từ những năm 1920 - 1945. Điểm đặc biệt ở những căn nhà trong làng là đều quay về phía Nam. Nhà chính và nhà phụ tách biệt, cửa nhà không mở trực tiếp ra đường.

Để làng Cựu thành một trung tâm sáng tạo

Để có được những căn nhà đẹp đẽ mang hơi hướng cách tân hiện đại, đi trước vài chục năm thời gian nơi chiêm trũng của Phú Xuyên cũng là những hành trình hết sức thú vị. Theo nhiều cao niên ở làng Cựu, khoảng cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, làng thường xuyên phải đối mặt với tình cảnh ruộng đồng ngập lụt, nước dâng cao trắng xóa cả vùng quê. Không cam chịu để cái nghèo, cái đói đeo bám, nhiều nông dân làng Cựu quyết tâm vượt khỏi lũy tre làng để lên phố làm ăn.

Giữa Hà thành phồn hoa, người làng Cựu học được nghề may Âu phục. Bàn tay tài hoa, đức tính cần cù, chịu khó đã giúp họ gây dựng cơ nghiệp, trở thành chủ những hiệu may tên tuổi ở các phố Hàng Trống, Hàng Gai, Hàng Ngang… giữa đất Hà thành. Sau khi đã khá giả, người làng đều về quê xây dựng nhà cửa. Có người xây nhà phong cách truyền thống Việt hoặc người Hoa. Cũng có người lại chọn lối kiến trúc châu Âu để dựng xây mái ấm của riêng mình. Mỗi người một phong cách, một quan điểm về cái đẹp nhưng tựu chung lại ở họ là sự cầu kỳ trong xây dựng. Chẳng thế mà, khi xây nhà không ít gia đình thuở đó đã đặt mua những bè gỗ lim từ Thanh Hóa vận chuyển bằng đường thủy về làng. Đá xanh chuyển từ Hà Nam, Ninh Bình lên. Không chỉ vậy, họ còn thuê thợ giỏi các nơi về chạm trổ hình thú, hoa lá...

Qua biến thiên của thời gian, những ngôi nhà khang trang tựa như những biệt phủ lộng lẫy một thuở cứ thế nối nhau mọc lên. Có một thời, người ta nhắc đến làng Cựu không phải bằng danh xưng vốn có mà thay vào đó là cái tên “làng Tây”. Dù là gọi nôm và cũng là cách ví von vui vẻ nhưng xét cho cùng đó là sự công nhận với làng Cựu.

Dấu xưa nơi làng Cựu - ảnh 2Dấu xưa nơi làng Cựu - ảnh 3

Huy hoàng là vậy nhưng thời gian có lẽ là chất “xúc tác” mạnh mẽ nhất giúp phong hóa đi những đẹp đẽ, kỳ vỹ. Hiện tại, không ít nhà cổ nơi làng Cựu đã xuống cấp trầm trọng. Có những ngôi nhà khi sửa chữa đã mất hẳn “chất cổ”. Thậm chí, nhiều nhà bị phá dỡ, thay thế bằng một cơ ngơi mới, tiện nghi nhưng “lạc lõng” với cảnh quan xung quanh khiến bao người ngậm ngùi, tiếc nuối.

Những trăn trở là không thể tránh và không thể phủ nhận. Tuy nhiên, nơi làng Cựu vẫn có những “điểm sáng” mà ít nơi nào có được. Làng Cựu nay đã trở thành điểm đến thú vị của du khách gần xa.

Trước nhịp sống vội vã, hiện tại giới trẻ Hà thành thích đến làng Cựu chụp ảnh, trong đó có khá nhiều sinh viên báo chí đến làm những bài tập phóng sự truyền hình hay đoạn phim ngắn về tuổi thanh xuân hoặc những trải nghiệm đầu đời. Trong những thước phim, hình ảnh của họ luôn có bóng dáng thiếu nữ với nụ cười tươi tắn, ánh mắt trong ngần bên những bờ tường rêu xanh. Các nam thanh nữ tú về đây đều hỏi về nếp làng, về những ngôi nhà cổ, con ngõ. Sự xuất hiện của những gương mặt đang căng tràn nhựa sống làm làng Cựu sinh động, tươi mới hẳn.

Đáng mừng hơn, hiện Hà Nội và gần nhất là huyện Phú Xuyên cũng xác định rõ nét tiềm năng của làng Cựu. Trong định hướng phát triển của mình, huyện Phú Xuyên đã xác định các xã Chuyên Mỹ, Vân Từ, Tân Dân, Phú Túc, Phú Yên... sẽ phát triển thành điểm du lịch. Đặc biệt các xã Chuyên Mỹ (nghề sơn khảm), Vân Từ (nghề may - làng cổ thôn Cựu), Phú Túc (đan guột tế) hướng phát triển mô hình làng nghề du lịch, trở thành điểm tham quan du lịch cấp Thành phố.

Nhìn từ làng Cựu có thể thấy, nơi ngoại thành Hà Nội vẫn còn có nhiều ngôi làng chứa đựng trầm tích. Đó là những làng như Nghiêm Xá (xã Nghiêm Xuyên, huyện Thường Tín), làng Chử Xá (xã Văn Đức, huyện Gia Lâm), làng Lai Xá (xã Kim Chung, huyện Hoài Đức)… về lâu dài, nếu Hà Nội phát triển những tuyến du lịch đến các điểm này hẳn sẽ có không ít người đăng ký tham gia.

Hơn hết, nhìn từ làng Cựu, nhìn vào sự cố gắng gìn giữ những trầm tích văn hóa của chính quyền và người dân địa phương có thể thấy, nếu có chung mục tiêu chung tay vì sự phát triển của quê hương, bảo tồn, gìn giữ văn hóa làng… đây hẳn sẽ là sự tôn bồi, vun đắp cho mảnh đất nghìn năm văn hiến. Để từ những mảnh ghép nhỏ này, Hà Nội sẽ mãi là nơi tinh hoa hội tụ.

Link nội dung: https://dulichgiaitri.vn/dau-xua-noi-lang-cuu-a190533.html