IIP của hầu hết các địa phương có quy mô công nghiệp lớn đều tăng

Theo số liệu ngày 16/11 của Tổng cục Thống kê, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 10/2024 của hầu hết các địa phương có quy mô công nghiệp lớn đều tăng so với tháng trước và so với cùng kỳ năm trước.

Các doanh nghiệp công nghiệp của các địa phương này đã có sự thích nghi và tăng trưởng tích cực. Nhiều doanh nghiệp sớm ổn định sản xuất kinh doanh, góp phần vào tăng trưởng kinh tế của địa phương.

Cụ thể, so với tháng trước, IIP của Quảng Ninh tăng 25,2%; Hải Phòng tăng 19,8%; Bắc Giang tăng 7,0%; Vĩnh Phúc tăng 5,8%; Bình Dương tăng 4,9%. So với cùng kỳ năm trước, IIP của Quảng Nam tăng 34,1%; Bắc Giang tăng 21,9%; Hải Dương tăng 14,3%; Đà Nẵng tăng 14,0%; Bình Dương tăng 13,6%; Hải Phòng tăng 12,1%.

Trong số các địa phương có quy mô công nghiệp lớn, có Bắc Ninh là địa phương có IIP tháng 10/2024 giảm mạnh so với tháng trước (giảm 6,8%) và so với cùng kỳ năm trước (giảm 6,1%).

Sản xuất công nghiệp Bắc Ninh vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn khi đơn hàng giảm, sức mua yếu, cộng thêm chi phí đầu vào tăng cao do tình hình chiến tranh vận chuyển hàng hóa, nguyên liệu khó khăn.

Sự sụt giảm quy mô ở cả thị trường trong nước lẫn thị trường xuất khẩu, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đang phải nỗ lực, cố gắng sản xuất cầm chừng để duy trì hoạt động, mong chờ sự khởi sắc hơn trong tháng cuối năm khi kinh tế thế giới dần hồi phục.

Tỉnh Bắc Giang là địa phương có tốc độ tăng IIP 10 tháng cao nhất với tốc độ tăng đạt 27,2% so với cùng kỳ năm trước. Tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Giang tháng 10 năm nay cơ bản tăng trưởng tốt và có bước phát triển tháng sau cao hơn so với tháng trước.

Sau cơn bão số 3, cùng với những biện pháp hỗ trợ của các cấp, các ngành, doanh nghiệp công nghiệp trên địa bàn thành phố Hải Phòng đã chủ động khắc phục thiệt hại do bão, tăng cường sản xuất để bù lại thời gian ngừng hoạt động, bù lại lượng thành phẩm đã bị hỏng do bão và đảm bảo kịp tiến độ đơn hàng.

Nhờ đó sản xuất công nghiệp trên địa bàn tháng 10/2024 có sự phục hồi tích cực với sự phát triển mạnh mẽ trong các lĩnh vực như sản xuất ô tô, linh kiện điện tử, dệt may, chế biến thực phẩm, và các ngành công nghiệp chế biến khác.

Tính chung, tốc độ tăng IIP 10 tháng năm 2024 của Thành phố Hải Phòng đạt 14,5%. Trong đó, ngành công nghiệp khai khoáng giảm 31,4%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 15,2%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 0,3%; ngành cung cấp nước; hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 0,4%.

Một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu 10 tháng năm 2024 dự kiến tăng cao so với cùng kỳ năm trước như: thiết bị ngoại vi của máy vi tính (chuột, bút quang, bàn phím,..) sản xuất đạt 31,6 triệu sản phẩm, tăng 114,0%; máy cắt cỏ sản xuất đạt 2,8 triệu cái, tăng 100,8%; xe có động cơ chở dưới 10 người sản xuất đạt 58 nghìn chiếc, tăng 72,0%; màn hình oled tivi sản xuất đạt 2,6 triệu chiếc, tăng 59,6%; tủ lạnh sản xuất đạt 569.542 chiếc, tăng 46,5%;…

Có được kết quả trên một phần là do Hải Phòng đã thực hiện các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp bao gồm giảm thuế, gia hạn thời gian nộp thuế, hỗ trợ vay vốn ưu đãi để khôi phục sản xuất.

Bên cạnh đó, Hải Phòng đã ưu tiên phục hồi sản xuất trong các ngành công nghiệp trọng yếu như chế biến chế tạo, sản xuất điện và các ngành công nghiệp phụ trợ cho sản xuất ô tô và điện tử. Các công ty lớn như Vingroup, VinFast và các khu công nghiệp lớn đã nhận được sự hỗ trợ cần thiết để nhanh chóng khôi phục hoạt động.

Hải Dương có tốc độ tăng IIP 10 tháng năm 2024 đạt 13,5%. Trong đó, ngành công nghiệp khai khoáng giảm 1,0%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 14,2%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 9,5%; ngành cung cấp nước; hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 8,4%.

Đối với ngành công nghiệp cấp 2, có 26/34 ngành có IIP 10 tháng năm 2024 tăng so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, một số ngành có mức tăng cao như: Sản xuất thiết bị điện tăng 40,5%; sản xuất máy móc, thiết bị chưa được phân vào đâu tăng 34,2%; dệt tăng 25,0%; sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy tăng 19,2%.

Ở chiều ngược lại, một số ngành có chỉ số IIP tăng thấp hoặc giảm so với cùng kỳ năm trước như: Sản xuất đồ uống tăng 0,5%; sửa chữa, bảo dưỡng và lắp đặt máy móc và thiết bị sản xuất tăng 1,3%; sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác giảm 7,2%; khai khoáng khác giảm 1,0%.

Một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu 10 tháng năm 2024 tăng cao so với cùng kỳ năm trước như: Bao bì đóng gói bằng plastic tăng 37,0%; phân khoáng hoặc phân hóa học tăng 26,8%; đá xây dựng các loại tăng 10,6%; sữa/kem đặc có/không có đường tăng 9,9%.

Một số sản phẩm công nghiệp giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước như: Xi măng giảm 22,4%; bia chai, lon giảm 21,6%; sắt thép các loại giảm 20,0%; quần áo các loại trừ quần áo thể thao giảm 11,3%.

Doanh nghiệp công nghiệp tại Vĩnh Phúc bước vào giai đoạn cao điểm sản xuất để hoàn thành đơn hàng và đáp ứng nhu cầu tiêu dùng cuối năm.

Các doanh nghiệp tích cực tuyển dụng lao động, cải tiến dây chuyền và chuẩn bị nguyên vật liệu, đảm bảo sản xuất đáp ứng tiến độ giao hàng và hoàn thành kế hoạch năm.

Nhờ đó, hoạt động sản xuất công nghiệp trong tháng 10 và 10 tháng năm 2024 ổn định, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng so với tháng trước và so với cùng kỳ năm trước. Tốc độ tăng IIP 10 tháng năm 2024 của Vĩnh Phúc đạt 11,2%.

Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 11,3%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 9,5%; ngành công nghiệp khai khoáng giảm 19,7% và ngành cung cấp nước; hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải giảm 8,4%.

Đóng góp vào sự tăng trưởng của ngành công nghiệp Vĩnh Phúc có các ngành trọng điểm thuộc các ngành công nghiệp cấp 2 với chỉ số IIP 10 tháng tăng khá so với cùng kỳ năm trước như: Sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác tăng 15,9%; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tăng 14,0%; sản xuất kim loại tăng 6,8%;sản xuất phương tiện vận tải khác tăng 6,2%.

Quảng Nam cũng là địa phương có tốc độ tăng IIP 10 tháng năm 2024 đạt khá so với các địa phương trên cả nước nói chung và so với các địa phương có quy mô công nghiệp lớn nói riêng (tăng 17,5%).

Trong đó, ngành công nghiệp khai khoáng tăng 3,8%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 19,3%; ngành cung cấp nước; hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 10,3%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 0,9%.

Một số ngành công nghiệp chủ lực của địa phương có chỉ số sản xuất 10 tháng năm 2024 đạt mức tăng khá so cùng kỳ năm trước như: Sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tăng 65,3%; dệt tăng 65,3%; sản xuất thuốc, hoá dược và dược liệu tăng 41,7%; sản xuất xe có động cơ tăng 28,9%; sản xuất giường, tủ, bàn, ghế tăng 24,4%; sản xuất hoá chất và sản phẩm hoá chất tăng 21,5%.

Các doanh nghiệp trong địa bàn tỉnh Quảng Ngãi phải đối mặt với chi phí đầu vào tăng cao do xung đột quân sự giữa Nga và Ukraina,nhu cầu thị trường cắt giảm docác thị trường xuất khẩu chủ lực như Mỹ và EU đều suy giảm mạnh.

Chỉ số IIP 10 tháng năm 2024 của Quảng Ngãi giảm 1,6%; trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 1,6%; ngành sản xuất và phân phối điện giảm 8,6%; ngành cung cấp nước; hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 15,6%.

Một số ngành công nghiệp trọng điểm của Quảng Ngãi 10 tháng năm 2024 giảm mạnh: Sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (trừ máy móc, thiết bị) giảm 48,0%; sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác giảm 41,4%; sản xuất than cốc, sản phẩm dầu mỏ tinh chế giảm 11,3%; chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa… giảm 7,0%.

Chỉ số IIP 10 tháng năm 2024 của tỉnh Long An tăng 27,2%. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 27,7%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 0,3%; ngành cung cấp nước; hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 6,2% và ngành khai khai khoáng tăng 3,6%.

Trong các ngành công nghiệp cấp II, một số ngành có chỉ số sản xuất 10 tháng năm 2024 tăng cao so với cùng kỳ năm trước như: Đồng hồ thông minh tăng 47,3%; tai nghe có micro tăng 44,3%; giường bằng gỗ các loại tăng 51,5%.

Tham khảo thêm
Tham khảo thêm
Tham khảo thêm
Nâng tổng mức đầu tư tuyến đường ngã ba Voi đi Sầm Sơn lên gần 1.500 tỷ đồngNâng tổng mức đầu tư tuyến đường ngã ba Voi đi Sầm Sơn lên gần 1.500 tỷ đồng

T.M

Link nội dung: https://dulichgiaitri.vn/iip-cua-hau-het-cac-dia-phuong-co-quy-mo-cong-nghiep-lon-deu-tang-a190542.html