Tác động kép của Hiệp định FTA thế hệ mới đối với ngành thủ công mỹ nghệ

(PNTĐ) - Theo số liệu của Ngành Công thương, xuất khẩu sản phẩm thủ công mỹ nghệ (TCMN) của Việt Nam hiện đạt khoảng 3,5 tỷ USD/năm, trong khi quy mô thị trường TCMN toàn cầu đạt 752,2 tỷ USD và được kỳ vọng tăng 10% mỗi năm. Điều đó cho thấy, Việt Nam đang đứng trước cơ hội rất lớn để có thị trường mới.

Tin liên quan

Bàn giải pháp thúc đẩy bình đẳng giới và giải quyết các vấn đề xã hội cấp thiết với phụ nữ, trẻ em

Hội LHPN Hà Nội chung tay giúp phụ nữ khó khăn huyện Sóc Sơn sửa xây “mái ấm“

Chia sẻ kinh nghiệm hay, giải pháp tốt từ các mô hình hiệu quả của Dự án 8

Trong những năm gần đây, Việt Nam đẩy mạnh mở cửa, hội nhập kinh tế thế giới. Việc tham gia vào các hiệp định thương mại tự do FTA thế hệ mới, nổi bật là Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) – EVFTA đã góp phần không nhỏ giúp Việt Nam đạt được nhiều thành tựu quan trọng về phát triển kinh tế, mở rộng thị trường xuất khẩu, củng cố thị trường truyền thống, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội tham gia vào các thị trường tiềm năng trên thế giới.

Tuy nhiên, việc phát triển sản phẩm làng nghề truyền thống nói chung, trong đó có sản phẩm thủ công mỹ nghệ đang gặp không ít khó khăn, thách thức trên hành trình hội nhập thị trường thế giới, đặc biệt để đáp ứng các tiêu chí của các Hiệp định FTA thế hệ mới.

Tác động kép của Hiệp định FTA thế hệ mới đối với ngành thủ công mỹ nghệ - ảnh 1
Sản phẩm TCMN mang tính ứng dụng cao và đậm nét bản sắc văn hóa là xu thế được nhiều người tiêu dùng lựa chọn.

Các chuyên gia kinh tế đã nhận định, Hiệp định EVFTA rất có lợi cho các nhà sản xuất của Việt Nam nói chung và các làng nghề nói riêng, nhất là trong ngành nghề thủ công mỹ nghệ. Tác động của Hiệp định đối với các doanh nghiệp làng nghề là tác động kép, có đi có lại, đó là không gian thị trường, tiếp cận các nguồn lực về công nghệ, vốn cho sự phát triển; tạo lực kéo giúp các doanh nghiệp làng nghề nói chung và mặt hàng thủ công mỹ nghệ nói riêng của Việt Nam thâm nhập sâu hơn vào thị trường EU.

Để khai thác hiệu quả thị trường châu Âu, tận dụng cơ hội về mở cửa thị trường mà EVFTA mang lại, các doanh nghiệp, làng nghề cần chủ động và tích cực hơn trong việc tìm hiểu quy định hàng rào kỹ thuật trong thương mại của châu Âu nhằm bảo đảm sản phẩm có thể vượt qua được những tiêu chuẩn đó để vào thị trường châu Âu. Ðồng thời, doanh nghiệp cần không ngừng đổi mới sáng tạo, cải thiện năng lực công nghệ nội tại và năng lực hấp thụ công nghệ mới, tiên tiến để nâng cao chất lượng sản phẩm.

Theo số liệu của Hiệp hội Làng nghề Việt Nam, Hà Nội là nơi tập trung số lượng lớn làng nghề, chiếm tới 45% tổng số làng nghề của cả nước. Toàn thành phố có 1.350 làng nghề, trong đó có 327 làng nghề, làng nghề truyền thống đã được công nhận, với 6 nhóm nghề gồm: chế biến, bảo quản nông, lâm, thủy sản; sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ; xử lý chế biến, nguyên vật liệu phục vụ sản xuất ngành nghề nông thôn.

Tác động kép của Hiệp định FTA thế hệ mới đối với ngành thủ công mỹ nghệ - ảnh 2
Thường xuyên tổ chức các hội chợ, triển lãm để giúp các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất TCMN có thêm cơ hội giao lưu và tìm kiếm đối tác, mở rộng thị trường tiêu thu sản phẩm.

Sản xuất đồ gỗ, mây tre đan, gốm sứ, thủy tinh, dệt may, sợi, thêu ren, đan lát, cơ khí nhỏ; sản xuất và kinh doanh sinh vật cảnh; các dịch vụ phục vụ sản xuất, đời sống dân cư nông thôn. Nhờ có nhiều chính sách nhằm thúc đẩy làng nghề phát triển gắn với du lịch, đã có những làng nghề thu hút sự quan tâm của khách du lịch như: Lụa Vạn Phúc (quận Hà Đông), gốm sứ Bát Tràng (huyện Gia Lâm)...

Tuy nhiên, làm thế nào để hàng TCMN của Việt Nam có chỗ đứng trên các thị trường quốc tế, trong đó có thị trường EU tiềm năng? Đây thực sự là bài toán không dễ.

Theo các chuyên gia, bên cạnh sự nỗ lực thay đổi của chính người sản xuất về nhận thức, tiếp cận thị trường, cách thức tổ chức kinh doanh, đổi mới sản xuất, cần sự hỗ trợ của cơ quan quản lý Nhà nước xây dựng, duy trì kênh thông tin, đường dây nóng cung cấp, cập nhật kịp thời, tuyên truyền mạnh mẽ về các rào cản kỹ thuật của EU.

Cần thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của các tổ chức dịch vụ hỗ trợ kỹ thuật, kịp thời cung cấp thông tin, dịch vụ về xuất nhập khẩu, thông tin thị trường; xây dựng, đăng ký bảo hộ và công nhận chỉ dẫn địa lý. Sản xuất kinh doanh gắn với du lịch là xu hướng phát triển bền vững và hiệu quả cho mỗi thương hiệu trong quá trình phát triển của từng địa phương cũng như mỗi doanh nghiệp. Đặc biệt trong bối cảnh kinh tế ngày càng phát triển của Việt Nam hiện nay và nhu cầu đi du lịch mua sắm, du lịch làng nghề ngày càng cao.

EVFTA sẽ tạo ra những cơ hội lớn đối với các doanh nghiệp làng nghề có sản phẩm xuất khẩu, nhất là với ngành hàng thủ công mỹ nghệ. Được biết, nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất TCMN của Hà Nội đã và đang đẩy mạnh liên kết, thay đổi quy mô sản xuất, nâng cao sức cạnh tranh của mỗi sản phẩm hàng hóa, đặc biệt hướng tới nhu cầu của các thị trường tiềm năng.

Link nội dung: https://dulichgiaitri.vn/tac-dong-kep-cua-hiep-dinh-fta-the-he-moi-doi-voi-nganh-thu-cong-my-nghe-a190594.html