Dự án Tăng cường kết nối giao thông khu vực Tây Nguyên tiếp tục 'lụt' tiến độ

(Chinhphu.vn) - Bộ GTVT vừa có Công văn số 12146/BGTVT-TC yêu cầu Ban Quản lý dự án 2 khẩn trương thực hiện kết luận của Kiểm toán Nhà nước đối với Dự án Tăng cường kết nối giao thông khu vực Tây Nguyên.

Dự án Tăng cường kết nối giao thông khu vực Tây Nguyên tiếp tục 'lụt' tiến độ- Ảnh 1.

Thi công cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 19 đoạn qua đèo An Khê - Ảnh: Báo Đầu tư

Chấn chỉnh công tác quản lý thực hiện đầu tư dự án

Tại công văn này, Ban Quản lý dự án 2 được yêu cầu thực hiện nghiêm túc, đầy đủ và kịp thời các kiến nghị được nêu trong báo cáo kiểm toán, bao gồm: điều chỉnh sổ kế toán, báo cáo nguồn vốn đầu tư, chi phí đầu tư của dự án theo kết quả kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước; kiến nghị về xử lý tài chính; kiến nghị xử lý khác; kiến nghị giảm giá trị hợp đồng; kiến nghị rút kinh nghiệm, chấn chỉnh công tác quản lý thực hiện đầu tư dự án.

"Ban Quản lý dự án 2 có trách nhiệm đôn đốc các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công, phối hợp với các đơn vị liên quan đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án và có biện pháp xử lý kịp thời đối với các trường hợp chậm tiến độ của các gói thầu được nêu trong Báo cáo Kiểm toán Nhà nước, đảm bảo Dự án hoàn thành trước khi kết thúc thời gian gia hạn hiệp định tài trợ vốn", công văn do ông Lê Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ GTVT ký nêu rõ.

Trước đó, cuối tháng 10/2024, Kiểm toán Nhà nước khu vực VIII có Báo cáo kiểm toán hoạt động xây dựng và việc quản lý, sử dụng vốn đầu tư Dự án Tăng cường kết nối giao thông khu vực Tây Nguyên với thời kỳ kiểm toán là từ khi triển khai công trình đến ngày 30/6/2024.

Đây là lần thứ 3 kể từ tháng 10/2021 đến nay, dự án hạ tầng giao thông sử dụng vốn vay từ Ngân hàng Thế giới (WB) được Kiểm toán Nhà nước "nội soi". Điều này đồng nghĩa Dự án đã có cơ hội "hiệu chỉnh" những sai sót có thể xảy ra trong quá trình tổ chức thực hiện.

Bên cạnh đó, đợt kiểm toán thực hiện từ ngày 1/7/2024 đến 19/8/2024 sẽ không kiểm toán những nội dung đã được kiểm toán đợt 1 (năm 2021) và đợt 2 (năm 2023).

Một trong những điểm nổi bật nhất trong đợt kiểm toán năm 2024 là Kiểm toán Nhà nước khẳng định, đến thời điểm kiểm toán, chưa phát hiện sai phạm liên quan đến tham nhũng tại Dự án. Tuy nhiên, cũng như 2 đợt kiểm toán trước đó, tại đợt kiểm toán thứ 3, Kiểm toán Nhà nước vẫn nhặt được một số "sạn", khiếm khuyết trong công tác điều hành, quản lý Dự án của đơn vị chủ đầu tư là Ban Quản lý dự án 2.

Cụ thể, trong bước lập dự toán, tư vấn và chủ đầu tư còn tính sai một số khối lượng làm tăng giá trị dự toán Dự án số tiền 70.992 triệu đồng. Các sai sót này cơ bản đã được chủ đầu tư và đơn vị liên quan phát hiện và điều chỉnh tại bước thiết kế bản vẽ thi công, tuy nhiên chưa điều chỉnh giảm giá trị khối lượng tương ứng trong hợp đồng.

Bên cạnh đó, thời gian đánh giá E-HSDT một số gói thầu chậm so với quy định tại điểm khoản 1, Điều 12, Luật Đấu thầu năm 2013; thực hiện điều chỉnh hệ số tỷ trọng trong công thức tính giá trị bù giá khi chưa làm rõ cơ sở theo quy định của hợp đồng và quy chế đấu thầu. Tồn tại này, theo Kiểm toán Nhà nước, thuộc trách nhiệm của Tổ chuyên gia đấu thầu và Ban Quản lý dự án 2.

Điểm hạn chế lớn nhất

Điểm hạn chế lớn nhất tại Dự án Tăng cường kết nối giao thông khu vực Tây Nguyên được Kiểm toán Nhà nước ghi nhận trong đợt kiểm toán thứ 3 chính là công tác quản lý tiến độ.

Theo quyết định chủ trương đầu tư ban đầu, tiến độ Dự án được thực hiện từ năm 2017 đến 2023. Do Dự án bị chậm tiến độ, nên chủ đầu tư đề xuất Bộ Kế hoạch và Đầu tư tham mưu, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 787/QĐ-TTg ngày 30/6/2023 điều chỉnh tiến độ thực hiện Dự án đến ngày 31/12/2024; Chủ tịch nước đã ban hành Quyết định số 826/QĐ-CTN ngày 12/7/2023 gia hạn ngày đóng sổ khoản vay hiệp định tài trợ dự án đến ngày 31/12/2024.

Ngày 2/8/2023, Ngân hàng Thế giới (WB) đã có thư đồng ý gia hạn Hiệp định tài trợ đến ngày 31/12/2024. Tuy nhiên, đến thời điểm kiểm toán, Dự án vẫn chưa hoàn thành, các gói thầu xây lắp được kiểm toán đều chậm so với tiến độ hợp đồng ban đầu. Riêng Gói thầu XL01 có nguy cơ rất cao không hoàn thành việc thi công cho đến ngày Hiệp định hết hiệu lực, dẫn đến Dự án có khả năng thi công dang dở thì hết vốn.

Theo Kiểm toán Nhà nước, bên cạnh nguyên nhân khách quan như ảnh hưởng COVID-19, thời tiết, vướng công tác giải phóng mặt bằng, khó khăn trong quá trình thi công, còn do nhà thầu không huy động đủ các mũi thi công, chậm huy động nhân sự, thiết bị, vật liệu để thi công.

Được biết, Dự án được khởi công vào tháng 6/2021 với mục tiêu nâng cấp, cải tạo 143 km Quốc lộ 19 (từ tỉnh Bình Định đến tỉnh Gia Lai) đạt tiêu chuẩn đường cấp III. Tính đến đầu tháng 6/2024, Dự án đã cơ bản hoàn thành 7/8 gói thầu xây lắp; khối lượng công việc còn lại chủ yếu tại Gói thầu XL01 - thi công đoạn Quốc lộ 19 từ Km50 đến Km67, bao gồm 2 cầu (cầu Bàu Sen và cầu Ba La), có giá trị hợp đồng 569 tỷ đồng, đơn vị thi công là Công ty cổ phần Xây dựng Trung Nam 18 E&C.

Trước đó, đầu tháng 10/2024, Bộ GTVT đã có văn bản nghiêm khắc phê bình Ban điều hành dự án và đơn vị tư vấn giám sát, vì không nghiêm túc thực hiện các chỉ đạo của Bộ GTVT; không chủ động trong điều hành công việc; không có các giải pháp quyết liệt chỉ đạo các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công.

Bộ GTVT yêu cầu Ban Quản lý dự án 2 kiểm tra, rà soát chặt chẽ về thời gian huy động của các nhân sự tư vấn giám sát đang thực hiện tại Dự án. Đồng thời yêu cầu lãnh đạo Ban Quản lý dự án 2 tổ chức kiểm điểm và cử lãnh đạo thường trực hiện trường để trực tiếp chỉ đạo điều hành đến khi hoàn thành Gói thầu XL01 theo đúng tiến độ yêu cầu hoàn thành chung của Dự án.

Dự án Tăng cường kết nối giao thông khu vực Tây Nguyên có tổng mức đầu tư là 3.654,4 tỷ đồng (tương đương 155,8 triệu USD), trong đó vốn vay WB là 150 triệu USD (3.518,39 tỷ đồng); vốn đối ứng 3,7 triệu USD (86,79 tỷ đồng); vốn viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Australia cho công tác thiết kế kỹ thuật là 2,1 triệu USD (49,26 tỷ đồng).

Phan Trang

Tham khảo thêm
Tham khảo thêm
Thủ tướng chủ trì Hội nghị bảo đảm an ninh, trật tự phục vụ phát triển kinh tế-xã hội các tỉnh Tây NguyênThủ tướng chủ trì Hội nghị bảo đảm an ninh, trật tự phục vụ phát triển kinh tế-xã hội các tỉnh Tây Nguyên
Tham khảo thêm
Công bố Quy hoạch vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050Công bố Quy hoạch vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050

Link nội dung: https://dulichgiaitri.vn/du-an-tang-cuong-ket-noi-giao-thong-khu-vuc-tay-nguyen-tiep-tuc-lut-tien-do-a190616.html