Sàng lọc trước sinh (SLTS) và sơ sinh (SS) là biện pháp giúp chẩn đoán các bệnh do rối loạn di truyền, từ đó có biện pháp can thiệp và điều trị kịp thời, hạn chế những hậu quả nặng nề do dị tật bẩm sinh gây ra, giảm thiểu số người tàn tật, thiểu năng trí tuệ trong cộng đồng, góp phần nâng cao chất lượng dân số.
Theo TS. BS. Vũ Duy Hưng, Chi cục trưởng Chi cục Dân số Hà Nội, việc sàng lọc trước sinh và sơ sinh rất quan trọng, giúp tầm soát sớm các dị tật, từ đó chẩn đoán và đưa ra các biện pháp tư vấn cho người mẹ để kịp thời can thiệp, điều trị sớm những bất thường của trẻ. Do đó, thời gian qua, thành phố Hà Nội đã tổ chức các lớp tập huấn nâng cao năng lực trong thực hiện sàng lọc trước sinh và sơ sinh cho cán bộ thực hiện Đề án các cấp; triển khai giám sát tình hình thực hiện Đề án mở rộng tầm soát, chẩn đoán, điều trị bệnh, tật trước sinh và sơ sinh trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Triển khai các hoạt động truyền thông, tư vấn sàng lọc khiếm thính và sàng lọc bệnh tan máu bẩm sinh, tổ chức truyền thông cho cha mẹ học sinh các trường mầm non về khám sàng lọc khiếm thính; tư vấn và khám sàng lọc bệnh tan máu bẩm sinh cho học sinh các trường PTTH; tổ chức tập huấn cho cộng tác viên về tư vấn sàng lọc khiếm thính, xây dựng kế hoạch khám sàng lọc khiếm thính cho 20.000 trẻ mầm non tại 10 quận/huyện.
Các quận/huyện/thị xã triển khai thực hiện các hoạt động trên địa bàn; tổ chức truyền thông tại cộng đồng, tư vấn vận động đối tượng thực hiện sàng lọc trước sinh và sơ sinh, thực hiện lấy mẫu máu gót chân để xét nghiệm sàng lọc 3 bệnh miễn phí; phối hợp với Trung tâm sàng lọc, chẩn đoán trước sinh và sơ sinh - Bệnh viện Phụ sản Hà Nội tiếp nhận mẫu máu, xét nghiệm và trả kết quả xét nghiệm.
Ngoài ra, Hà Nội bắt đầu triển khai mô hình điểm về tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn tại quận Bắc Từ Liêm nhằm phát hiện, phòng ngừa các nguy cơ sinh con bị bệnh, tật bẩm sinh, ngăn ngừa sớm các bệnh lý di truyền góp phần đảm bảo hôn nhân bền vững, ngăn ngừa sớm các bệnh lý di truyền, từng bước nâng cao chất lượng dân số Thủ đô.
Ông Hưng cho biết: "Trình độ và sự nhận thức của người mẹ là yếu tố quan trọng quyết định đến nguy cơ của thai nhi bị dị tật. Có những trường hợp dù được bác sĩ tư vấn rất nhiều lần nhưng vẫn không chịu thay đổi hành vi. Điều quan trọng nhất là các sản phụ cần có kiến thức tốt về thai nghén và thái độ đúng đắn trong sàng lọc.
Đặc biệt, cần nâng cao kiến thức và thái độ của người dân, cộng đồng về việc khám sức khỏe của mình và trách nhiệm với cả những đứa trẻ sẽ được sinh ra”.
Chị Ng. LA, trú quận Hai Bà Trưng cho biết: "Khi đi khám thai tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, tôi được các bác sĩ tư vấn tôi hiểu thêm tầm quan trọng của việc SLTS và SS. Tôi luôn tuân thủ lịch khám theo khuyến cáo của bác sĩ để tầm soát, phát hiện các bất thường nhằm bảo đảm cho bé sinh ra được khỏe mạnh. Sau khi con chào đời, tôi cũng sẽ cho làm xét nghiệm máu gót chân để sàng lọc sơ sinh".
Ước tính mỗi năm, Trung tâm sàng lọc, chẩn đoán trước sinh và sơ sinh (bệnh viện Phụ Sản Hà Nội), tiếp nhận khoảng hơn 20.000 thai phụ đến khám và đăng ký tư vấn về sàng lọc, chẩn đoán trước sinh. Trong đó có hơn 1.000 trường hợp cần chọc dịch ối để làm xét nghiệm di truyền.
Đối với sàng lọc sơ sinh, năm cao điểm có thể thực hiện cho 60.000-70.000 bé sinh ra tại bệnh viện và trong địa bàn thành phố Hà Nội, nhờ đó phát hiện được ra nhiều trường hợp có nguy cơ cao, nhất là bệnh về rối loạn chuyển hóa (trung bình một năm cũng có khoảng 2.000 trẻ có nguy cơ cao).
Sàng lọc trước sinh và sơ sinh là phương pháp đơn giản, rẻ tiền, đem lại hiệu quả rất lớn, góp phần làm giảm tỷ lệ tử vong, giúp trẻ sinh ra đời phát triển bình thường hoặc tránh được những hậu quả nặng nề do dị tật bẩm sinh gây ra, phòng ngừa các hậu quả nặng nề của bệnh và cải thiện tương lai phát triển của trẻ.
- Tính đến hết 9 tháng năm 2024 số sinh toàn thành phố 9 tháng là 69.441 trẻ tăng 120 trẻ so với cùng kỳ năm 2023. Số trẻ là con thứ 3 trở lên 9 tháng là 4.581 trẻ, giảm 321 trẻ so với cùng kỳ năm 2023; đạt tỷ lệ 6,60 % giảm 0,52% so với cùng kỳ năm 2023;
- Tỷ số giới tính khi sinh ở mức 113,4 trẻ trai/100 trẻ gái;
- Tỷ lệ người cao tuổi được khám sức khỏe định kỳ đạt 82,52 % (1.145.042 người cao tuổi được khám sức khỏe);
- Tỷ lệ phụ nữ mang thai được tầm soát từ 4 loại bệnh, tật bẩm sinh phổ biến đạt 84,97% (80.367 phụ nữ mang thai được sàng lọc).
- Tỷ lệ trẻ sơ sinh được tầm soát từ 5 loại bệnh, tật bẩm sinh phổ biến đạt 85,76% (59.553 trẻ sơ sinh được sàng lọc).
- Tỷ lệ cặp nam, nữ được tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn đạt 68,43%;
- Tổng số người sử dụng BPTT mới là 434.389 người (đạt 107,6% KH năm).
Link nội dung: https://dulichgiaitri.vn/ha-noi-nang-cao-nhan-thuc-nguoi-dan-ve-sang-loc-truoc-sinh-va-so-sinh-a190830.html