Đường dây lừa đảo, rửa tiền xuyên Việt đã bị triệt phá như thế nào?

9 bị can vừa bị Công an tỉnh Tây Ninh đề nghị truy tố về nhiều tội danh liên quan đến đường dây lừa đảo chiếm đoạt tài sản, rửa tiền xuyên Việt.

Ngày 19/11, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Tây Ninh cho hay, đơn vị vừa chuyển hồ sơ sang VKSND tỉnh đề nghị truy tố 9 bị can trong đường dây lừa đảo chiếm đoạt tài sản; mua bán trái phép thông tin về tài khoản ngân hàng; rửa tiền; thu thập, trao đổi trái phép thông tin về tài khoản ngân hàng; chiếm giữ trái phép tài sản.

Đường dây lừa đảo, rửa tiền xuyên Việt đã bị triệt phá như thế nào?- Ảnh 1.

Bị can Nguyễn Phú Yên.

Theo đó, bị can Phạm Văn Nghĩa (SN 1979) và bị can Nguyễn Phú Yên (SN 1984, cùng ngụ huyện Bến Cầu) bị đề nghị truy tố về tội Mua bán trái phép thông tin về tài khoản ngân hàng và Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Bị can Ngọc Tuấn Anh (tức Châu, SN 1997) và Vương Thị Thanh Hoa (SN 1989, cùng quê Phú Thọ) đề nghị truy tố về tội Rửa tiền. Bị can Ngô Xuân Phương (SN 1996 quê Bắc Ninh) bị đề nghị truy tố về tội Thu thập, trao đổi trái phép thông tin về tài khoản ngân hàng; Nguyễn Thị Huyền Trang (SN 2001, ngụ TP.Hà Nội) về tội Trao đổi trái phép thông tin về tài khoản ngân hàng. 

Đường dây lừa đảo, rửa tiền xuyên Việt đã bị triệt phá như thế nào?- Ảnh 2.

Bị can Phạm Văn Nghĩa.

Ngoài ra các bị can gồm: Nguyễn Thị Trang Minh Thư (SN 1992, ngụ tỉnh Bình Phước), Phạm Minh Đức (SN 1996) và bị can Nguyễn Thị Hồng Hạnh (SN 1988, cùng ngụ huyện Bến Cầu) bị đề nghị truy tố về tội Chiếm giữ trái phép tài sản.

Đường dây lừa đảo, rửa tiền xuyên Việt đã bị triệt phá như thế nào?- Ảnh 3.

Bị can Nguyễn Thị Hồng Hạnh.

Qua điều tra, Cơ quan An ninh điều tra, Công an tỉnh Tây Ninh xác định từ tháng 9/2022 đến ngày 5/5/2023, Yên đã đăng ký mở 9 tài khoản ngân hàng và mua 55 tài khoản ngân hàng của nhiều người với số tiền từ 500.000 đồng đến 1,5 triệu đồng/tài khoản để bán cho Nghĩa với số tiền từ 500.000 đồng đến 3 triệu đồng/tài khoản, hưởng lợi 25.000.000 đồng. 

Đường dây lừa đảo, rửa tiền xuyên Việt đã bị triệt phá như thế nào?- Ảnh 4.

Bị can Nguyễn Thị Huyền Trang.

Sau khi mua được 64 tài khoản, Nghĩa bán lại 63 tài khoản cho các đối tượng ở Campuchia để sử dụng nhận tiền lừa đảo để thu lợi hơn 12 triệu đồng.

Các tài khoản trên chủ yếu hoạt động giao dịch liên quan đến tiền lừa đảo qua không gian mạng và đã bị công an phát hiện.

Đường dây lừa đảo, rửa tiền xuyên Việt đã bị triệt phá như thế nào?- Ảnh 5.

Bị can Phạm Minh Đức tại cơ quan công an

Sau đó, Yên yêu cầu Đức, Hạnh, Phúc, Ngân, Nguyệt, Gấm đến ngân hàng đóng các tài khoản không cho người khác sử dụng nên các đối tượng ở Campuchia yêu cầu Nghĩa liên hệ với các chủ tài khoản để rút hết tiền trong tài khoản ra trả cho họ.

Kết quả xác minh cho thấy, trong ngày 8 và 9/5/2023, các chủ tài khoản nói trên đã rút được gần 3 tỷ đồng giao cho Nghĩa.

Ngoài ra, Nghĩa và Yên còn giúp sức cho các đối tượng lừa đảo qua mạng với số tiền gần 9 tỷ đồng. Trong đó, có khoảng 7 tỷ đồng được chuyển vào tài khoản của Ngọc Tuấn Anh và Vương Thị Thanh Hoa đứng tên hoặc đăng ký để sử dụng mua tiền điện tử cho một đối tượng người Trung Quốc.

Đối tượng Ngô Xuân Phương được xác định đã thực hiện hành vi thu thập trái phép hơn 360 tài khoản ngân hàng của người khác để phục vụ việc mua bán tiền điện tử, còn Nguyễn Thị Huyền Trang đăng ký mở và giao trái phép 41 tài khoản ngân hàng cho Phương.

Trong quá trình mua tiền điện tử, Hoa đã chuyển nhầm hơn 350 triệu đồng vào tài khoản của Nguyễn Thị Trang Minh Thư, đối tượng này sau đó không trả lại mà chiếm giữ, theo Vietnamnet.

Cơ quan An ninh điều tra tỉnh Tây Ninh đang làm rõ dòng tiền, nguồn tiền thu nhập do hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản; mua bán trái phép thông tin về tài khoản ngân hàng; rửa tiền; thu thập, trao đổi trái phép thông tin về tài khoản ngân hàng; chiếm giữ trái phép tài sản của các đối tượng bất hợp phát trên và phong tỏa 12 tài khoản với số tiền trên 1 tỷ đồng.

Khánh Linh (t/h)

Link nội dung: https://dulichgiaitri.vn/duong-day-lua-dao-rua-tien-xuyen-viet-da-bi-triet-pha-nhu-the-nao-a190863.html