Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai vừa mới cấp cứu cho nam bệnh nhân 50 tuổi (ở Nam Định) tự ý ăn củ ấu tàu (còn gọi là củ ấu tẩu, thảo ô) để tăng cường sức khỏe, chữa bệnh xương khớp.
Nam bệnh nhân nhập viện trong tình trạng mất kiểm soát đại tiểu tiện. Kết quả xét nghiệm tìm thấy chất độc aconitin có trong củ ấu tàu.
Ngoài ra, chỉ số Troponin T của bệnh nhân là 31,74 ng/L (gấp gần 3 lần bình thường) cho thấy cơ tim tổn thương.
Khai thác tiền sử bệnh, bệnh nhân cho biết sử dụng củ ấu tàu mấy chục năm, bằng cách luộc ăn và uống nước (một lượng rất ít) để tăng sức mạnh xương khớp, chịu đòn, tránh đau khi tập võ.
Tuy nhiên sau nhiều lần ăn, ông thấy tê bì khắp cơ thể, thường xử trí bằng cách chạy hoặc nhờ người tác động lực vào cơ thể để toát mồ hôi, sau đó bình thường.
Lần này, bệnh nhân đã chạy nhiều vòng và nhờ người hỗ trợ tác động vật lý, chủ động tạo nôn để đẩy phần đã sử dụng ra ngoài nhưng hiện tượng tê bì ngày càng nặng, người choáng váng, ngất, vệ sinh không tự chủ.
Bệnh nhân được xử trí truyền dịch tại cơ sở y tế tuyến huyện và chuyển đến Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai.
Trước đó, các cơ sở y tế từng cấp cứu, điều trị cho nhiều trường hợp bị ngộ độc do ăn củ ấu tàu. Hầu hết bệnh nhân cấp cứu trong tình trạng kích thích nhiều, tê miệng lưỡi, tê chân tay, vã mồ hôi, đau tức ngực, khó thở, huyết áp không đo được, đại tiện không tự chủ.
Bác sĩ Nguyễn Văn Chiến, Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) chia sẻ với Người Lao Động, tại trung tâm từng có các bệnh nhân ngộ độc rất nặng.
Biểu hiện nguy hiểm nhất của ngộ độc aconitin là loạn nhịp tim, ngoại tâm thu thất, trường hợp nặng là ngoại tâm thu thất đa ổ, nhịp nhanh thất, xoắn đỉnh, rung thất và tử vong. Loạn nhịp tim là nguyên nhân chính gây tử vong và nguy cơ tử vong luôn thường trực một khi ngộ độc đã xảy ra.
Ngộ độc aconitin xuất hiện rất nhanh, các triệu chứng có thể xuất hiện ngay hoặc sau vài phút/ vài giờ sau khi uống dịch chiết hoặc ăn củ, rễ, lá cây ấu tàu. Biểu hiện ngộ độc khá đặc trưng là cảm giác tê bì môi, lưỡi, chân, tay, thậm chí toàn thân, đau bụng, nôn, tiêu chảy.
Ở nước ta, củ ấu tàu chỉ ở dạng thô (củ còn nguyên dạng) hoặc dạng thái lát, dễ nhận dạng. Tuy nhiên nhiều bệnh nhân sử dụng thuốc y học cổ truyền dạng viên, sau đó bị ngộ độc, xét nghiệm mẫu thuốc và nước tiểu thấy độc tố aconitin.
Khi sử dụng củ ấu tàu các bác sĩ khuyến cáo khi sử dụng các chế phẩm có thành phần là củ ấu tàu cần thận trọng. Không tự chế biến củ ấu tàu làm thức ăn nếu không biết cách loại bỏ độc tố. Không được uống rượu ngâm củ ấu tàu bởi có thể ngộ độc dẫn đến tử vong. Các loại rượu ngâm củ ấu tàu dùng để xoa bóp phải được dán nhãn rõ ràng, cất giữ cẩn thận, tránh xa tầm tay trẻ em.
Lưu ý khi xuất hiện các triệu chứng ngộ độc cần lập tức đến cơ sở y tế gần nhất để xử trí, tuyệt đối không ở nhà tự theo dõi hoặc điều trị theo biện pháp dân gian.
Trúc Chi (t/h)
Link nội dung: https://dulichgiaitri.vn/an-loai-cu-be-ngoai-xau-xi-de-tang-suc-khoe-nguoi-dan-ong-bong-ngat-xiu-a190942.html