Hôm nay (20/11), Bộ NN&PTNT chính thức công bố Kế hoạch Hành động bảo tồn voi tại Việt Nam đến năm 2035, tầm nhìn 2050 (VECAP 2022).
Đây là một cột mốc quan trọng trong nỗ lực bảo vệ voi, lồng ghép các sáng kiến thí điểm, tăng cường sự tham gia của cộng đồng và phát triển chính sách nhằm đảm bảo sự sống còn và phát triển bền vững của loài voi tại Việt Nam trong những thập kỷ tới. Kế hoạch này được xây dựng trên cơ sở khoa học, là kết quả của sự hợp tác giữa Cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và PTNT) và tổ chức Humane Society International (HSI) từ năm 2019.
Quần thể voi giảm đáng báo độngBáo cáo của Cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT) cho thấy, từ số lượng 2.000 cá thể voi được phát hiện vào những năm 80 của thế kỷ trước, quần thể voi châu Á tại Việt Nam đã suy giảm xuống mức báo động dưới 200 cá thể voi hoang dã. Với vai trò là loài chỉ thị quan trọng trong hệ sinh thái rừng, sự tồn tại của voi là điều kiện thiết yếu để bảo vệ đa dạng sinh học và các loài khác cùng tồn tại.
Trong các năm từ 1996, 2006, 2012, 2013 và 2022, Việt Nam đã ban hành một chương trình hành động cấp Bộ và 3 kế hoạch, đề án cấp Chính phủ để bảo tồn voi do tầm quan trọng của loài này. Tương ứng với từng giai đoạn, công tác bảo tồn voi đã có những kết quả đáng khích lệ. Đặc biệt vào năm 2019, Chương trình thí điểm bảo tồn voi theo hướng chung sống hài hòa được tiến hành tiên phong tại tỉnh Đồng Nai, với 3 sáng kiến "Giám sát voi bằng bẫy ảnh"; "Giám sát xung đột voi người" nhằm cải thiện việc quản lý hiện tại hướng tới chung sống hài hòa và "Quản lý vùng sống và sinh cảnh của voi".
Phương pháp tiếp cận khoa học của những sáng kiến này giúp định dạng chính xác 27 cá thể, với cấu trúc đàn rõ ràng, cho phép hiểu hơn về xu hướng di chuyển của đàn và mức độ, tần suất hay nguyên nhân của xung đột voi người,…
Những kết quả rõ ràng này được các chuyên gia trong và ngoài nước khi tham gia hội thảo quốc tế tổ chức vào tháng 8/2023 ghi nhận và đánh giá cao tính phù hợp của các phương pháp này với các quần thể voi nhỏ, phân mảnh và có nguy cơ cao như ở Việt Nam.
Việc xác định phương pháp phù hợp và xây dựng kế hoạch hành động dựa trên các kết quả khoa học đánh dấu một bước tiến quan trọng trong nỗ lực bảo tồn loài thú quý hiếm này tại Việt Nam.
Chung tay bảo tồn voi
Tại Lễ công bố Kế hoạch VECAP 2022, đại diện tỉnh Đồng Nai, Quảng Nam, Đăk Lăk, Trường Đại học Lâm nghiệp, các tổ chức quốc tế đều có những cam kết mạnh mẽ sẽ cùng đồng hành bảo tồn loài voi với mục tiêu thúc đẩy sự chung sống hài hòa giữa voi và cộng đồng con người.
Tại Lễ công bố kế hoạch VECAP 2022, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Quốc Trị cho biết, trong số hàng trăm loài động vật hoang dã xếp vào diện quý hiếm, nguy cấp cần bảo vệ, Bộ NN&PTNT chọn voi là loài ưu tiên xây dựng các kế hoạch bảo tồn vì loài voi không chỉ là làm gia tăng tính đa dạng trong hệ sinh thái rừng Việt Nam mà voi còn biểu tượng cho sức mạnh.
"Bảo tồn voi không chỉ là bảo tồn, phát huy sự hài hòa trong môi trường sống giữa con người và loài voi mà còn là sự hài hòa giữa con người và thiên nhiên. Năm 1994, Luật Bảo vệ và phát triển rừng được ban hành thì đến năm 1996 đã có kế hoạch bảo tồn voi. Trong những giai đoạn tiếp theo, ngành chức năng, các tổ chức quốc tế và các địa phương đều có các chương trình, kế hoạch bảo vệ voi, giúp số lượng voi có xu hướng tăng lên", ông Trị nói.
Cũng theo Thứ trưởng Nguyễn Quốc Trị, từ thành công trong nỗ lực bảo tồn voi của các bên có thể là cơ sở để xây dựng chương trình bảo vệ các loài động vật hoang dã quý hiếm khác. Việc các địa phương tham gia trong việc bảo tồn voi không chỉ tạo không gian sống cho voi mà còn tạo cơ hội cho chính các địa phương trong tương lai trong việc giáo dục cho thế hệ trẻ, phát triển các mô hình du lịch sinh thái.
Đỗ Hương
Link nội dung: https://dulichgiaitri.vn/hanh-dong-de-bao-ton-loai-voi-a191122.html