Giám đốc Sở NN&PTNT Yên Bái Hoàng Hữu Độ cho biết, chứng chỉ FSC (Forest Stewardship Council) đã trở thành một trong những tiêu chuẩn phổ biến cho việc quản lý rừng bền vững trên thế giới. Chứng nhận FSC tạo nên uy tín và củng cố vị thế người dân, doanh nghiệp trồng rừng, bán gỗ trên thị trường. Qua đó chứng minh với khách hàng gỗ xuất xứ từ hoạt động lâm nghiệp đã tuân thủ những tiêu chuẩn môi trường, kinh tế và xã hội nghiêm ngặt nhất trên thế giới về quản lý rừng có trách nhiệm. Sản phẩm gỗ được cấp chứng chỉ sẽ tiếp cận được các thị trường yêu cầu về FSC, mang lại thu nhập cao hơn cho người trồng rừng và doanh nghiệp.
Tuy nhiên có một thực tế, FSC là một quy trình cấp chứng chỉ rừng có các nguyên tắc và tiêu chí về hoạt động quản lý, khai thác rừng riêng khá ngặt nghèo. Trong khi đó phần lớn diện tích rừng trồng của các hộ gia đình, cá nhân nhỏ lẻ, manh mún, nhiều loại cây trồng trong 1 lô rừng (keo, quế, bồ đề...) dẫn đến giá trị kinh tế khi tham gia FSC chưa cao. Nhiều hộ dân đăng ký tham gia quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng nhưng lại tự ý khai thác trước hạn, thay đổi loài cây trồng... gây khó khăn cho việc rà soát, đánh giá hồ sơ và phát sinh thêm chi phí.
Nhu cầu của thị trường sản phẩm được cấp chứng chỉ FSC mới chỉ quan tâm đến loài cây keo, bạch đàn, bồ đề, chưa mở rộng sang loài cây trồng khác (như cây quế với diện tích toàn tỉnh trên 80.000 ha). Hiện nay người dân có xu hướng chuyển đổi cơ cấu cây trồng sang loại cây trồng nhanh thu sản phẩm, có giá trị kinh tế cao như quế... dẫn tới những diện tích rừng trồng bằng loài cây keo, bạch đàn, bồ đề ngày càng thu hẹp, không mở rộng được các diện tích tham gia cấp chứng chỉ rừng.
Ông Kiều Tư Giang, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Yên Bái cho biết thêm, việc cấp chứng chỉ rừng thời gian qua vẫn gặp nhiều khó khăn bởi nhiều nguyên nhân như: để đạt được chứng chỉ FSC cần nguồn đầu tư lớn, chi phí thuê chuyên gia tổ chức đánh giá cấp chứng chỉ FSC định kỳ hàng năm khá cao, vượt quá khả năng của người trồng rừng quy mô nhỏ. Nếu không có sự đầu tư, hỗ trợ từ các doanh nghiệp sẽ không thể thực hiện được việc cấp chứng chỉ rừng.
Ngoài ra, phần lớn diện tích rừng của các hộ dân chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nên tính pháp lý về mặt hồ sơ chưa đầy đủ theo quy định. Vì vậy, giải pháp tình thế là chính quyền địa phương xác nhận diện tích rừng do hộ gia đình canh tác ổn định, không có tranh chấp… Về lâu dài cần hoàn thiện hồ sơ và thực hiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ gia đình.
Năm 2024, huyện Lục Yên được giao thực hiện cấp chứng chỉ 2.310 ha rừng. Đến nay, đã thực hiện được 310 ha. Chính quyền huyện đã phổ biến, tuyên truyền, vận động nhân dân đăng ký tham gia cấp chứng chỉ rừng bền vững, tổ chức thu đơn đăng ký tham gia, xác minh thông tin chủ rừng. Kết quả đã xác định được hơn 2.100 ha của trên 900 hộ dân ở các xã Trung Tâm, Phúc Lợi, Động Quan, Khánh Hòa.
Ông Hà Tiến Công, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Lục Yên cho biết, để đẩy nhanh tiến độ cấp chứng chỉ rừng bền vững FSC, đơn vị đã phối hợp với UBND các xã và công ty TNHH đầu tư lâm nghiệp Hoà Phát tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia cấp chứng chỉ rừng bền vững. Xác minh thông tin chủ rừng đã có đơn đăng ký tham gia cấp chứng chỉ rừng FSC về vị trí, diện tích, tình trạng pháp lý, loài cây trồng, năm trồng, năm dự kiến khai thác...
Không riêng ở Lục Yên, hiện nay việc thực hiện cấp chứng chỉ rừng ở Yên Bái còn chậm bởi nhiều nguyên nhân. Cụ thể, trình độ quản trị rừng của các chủ rừng ở Việt Nam nói chung và tỉnh Yên Bái nói riêng đang ở mức rất thấp so với tiêu chuẩn quản lý rừng bền vững quốc tế, nhiều chủ rừng chưa nhận thức đầy đủ về quản lý rừng bền vững gắn với việc cấp chứng chỉ rừng.
Để giải bài toán khó trong việc cấp chứng chỉ rừng, Sở NN&PTNT Yên Bái đã đề ra những giải pháp quyết liệt để hoàn thành mục tiêu cấp chứng chỉ cho 22.550 ha rừng trong năm nay. Cụ thể, Sở NN&PTNT sẽ kiểm tra, rà soát tiến độ thực hiện để đề xuất UBND tỉnh chấm dứt hoạt động tham gia cấp chứng chỉ rừng đối với các doanh nghiệp thực hiện chậm tiến độ, không thực hiện đúng cam kết. Tiếp tục tìm kiếm, giới thiệu các doanh nghiệp có khả năng để tham gia thực hiện cấp chứng chỉ rừng tại các địa phương.
Phối hợp với các địa phương, tiếp tục thực hiện rà soát diện tích rừng trồng trên địa bàn đủ điều kiện để giới thiệu cho các doanh nghiệp và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp tham gia cấp chứng chỉ rừng tại địa phương.
Đối với doanh nghiệp cần tiếp tục rà soát, tổ chức đánh giá thường niên diện tích rừng trồng đã được cấp chứng chỉ rừng. Thực hiện đúng nội dung đã cam kết khi tham gia cấp chứng chỉ rừng; tổ chức kế hoạch thu mua, bao tiêu toàn bộ sản phẩm gỗ cho người dân có diện tích rừng tham gia thực hiện cấp chứng chỉ, không để xảy ra tình trạng người dân bán gỗ đã được cấp chứng chỉ FSC với lý do các doanh nghiệp không thu mua, ảnh hưởng đến tâm lý người dân, thiệt hại về nguồn vốn của doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần tăng cường nhân lực, nguồn lực và phối hợp với đơn vị tư vấn, các đơn vị có liên quan tổ chức triển khai cấp chứng chỉ rừng tại các địa phương. Trao đổi, thống nhất với chính quyền các địa phương về kế hoạch, thời gian, địa điểm thực hiện, không thực hiện việc cấp chứng chỉ rừng cho nhiều doanh nghiệp trên cùng một địa bàn.
Đỗ Hương
Link nội dung: https://dulichgiaitri.vn/yen-bai-thao-go-kho-khan-cap-chung-chi-fsc-cho-nhieu-dien-tich-rung-a191132.html