“BÀI TOÁN” NAN GIẢI GIỮ CHÂN NGƯ DÂN BÁM BIỂN MƯU SINH
LTS: Liên tục bị thua lỗ do ảnh hưởng dịch Covid-19 khiến hải sản không tiêu thụ được, nguồn thủy hải sản ngày một ít, trong khi chi phí cho mỗi chuyến ra khơi lại tăng, nhiều ngư dân Nghệ An đã phải rao bán tàu thuyền để đi làm thuê, thậm chí bỏ nghề đi xuất khẩu lao động.
Bài 1: Thua lỗ sau nhiều lần ra khơi, nhiều ngư dân xót xa rao bán tàu
Giăng buồm ra khơi đầu năm với nhiều hi vọng, nhưng thu nhập chẳng đủ tiền xăng dầu, nhiều ngư dân đã suy nghĩ đến con đường phải bỏ biển.
Càng ra biển… càng lỗ!
Ngày mồng 6 Tết, anh Nguyễn Văn Ngọc, trú xã An Hòa, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An cùng với 6 ngư dân ra khơi “lấy lộc” đầu năm. Thế nhưng, sau hơn 10 ngày lênh đênh trên biển, con tàu công suất 500 CV của anh đành phải quay về dù hầm chứa cá vẫn còn bỏ không.
“Chuyến này đi hết 3.000 lít dầu, kể cả các chi phí khác nữa thì lỗ gần 50 triệu đồng. Hiện giá xăng dầu tăng chóng mặt nên chúng tôi chưa dám ra khơi lần nữa, ở nhà chờ thêm một thời gian nữa xem sao chứ mỗi chuyến đi lỗ như vậy thì xót ruột lắm”, anh Ngọc nói.
Sinh ra và lớn lên tại vùng biển, trong gia đình có nhiều đời đánh bắt cá, vì vậy anh Ngọc đã theo bố vươn biển mưu sinh từ lúc 15 – 16 tuổi. Cũng vì vậy, chàng thanh niên này khát khao làm giàu từ biển. Năm 2017, sau khi Nghị định 67 ra đời, với mục đích hỗ trợ lãi suất vay cho ngư dân đóng tàu, anh Ngọc chung với 9 người khác đóng con tàu vỏ sắt trị giá 7,5 tỷ đồng.
Thế nhưng, đây cũng là quyết định khiến anh và bạn nghề lâm vào cảnh đường cùng. Từ năm 2019 đến nay, mất “mùa biển”, tàu ra khơi toàn bị lỗ khiến nợ không trả được. Nay những ngư dân khác đã rút vốn, chuyển đổi nghề để có thu nhập ổn định hơn, chỉ còn mỗi anh vẫn còn bám trụ gắng trả nợ.
“Cứ ra khơi là thua lỗ, may mắn lắm thì hòa vốn. Ngay như năm 2021, cả năm thu nhập chỉ mấy chục triệu. Ở nhà không có việc làm, nóng ruột vì tiền lãi ngân hàng vẫn phải trả, tàu bỏ không dễ bị xuống cấp nên tôi vẫn phải gắng gượng ra khơi tháng một, hai lần hy vọng sẽ gặp may để kiếm tiền trả nợ”, anh Ngọc thở dài.
Tạm biệt ngư dân này, chúng tôi đi dọc cảng Lạch Quèn của huyện Quỳnh Lưu, tàu thuyền neo đậu chật kín hai bên bờ. Dường như các ngư dân vẫn chưa hứng khởi ra khơi đầu năm dù đã qua ngày rằm Tháng Giêng.
Theo ngư dân, một phần do đầu năm thời tiết không thuận lợi, giá xăng dầu tăng, nhưng quan trọng là bị thua lỗi nên mọi người đều tạm dừng kế hoạch ra khơi, neo đậu thuyền chờ thời điểm khác. Thậm chí, một số tàu đã được chủ tháo mang hết đồ, dụng cụ về nhà, chỉ còn con tàu trống.
Ông Nguyễn Văn Thương, trú xóm Tân Thịnh, xã An Hòa, cho biết: “Ngày mồng 4 tết, tôi cùng 6 ngư dân khác ra khơi chuyến đầu năm “lấy lộc”, với hy vọng một năm thuận buồm xuôi gió, đánh bắt bội thu hơn. Hơn 1 tuần rong ruổi trên biển cả, 7 người đành bất lực quay trở về chỉ với vài tạ cá. Trừ chi phí dầu, đá lạnh… chuyến ra khơi này của tôi vẫn còn lỗ 10 triệu đồng, chưa kể tiền thuê nhân công”.
Điều đáng nói, sau đó ông Thương tiếp tục ra khơi lần nữa nhưng vẫn tiếp tục không đủ tiền. Cũng vì vậy, chiếc thuyền đánh cá công suất 320 CV đành nằm trong bến chưa biết khi nào xuất phát tiếp.
Ông Thương có 3 người con (2 trai và 1 gái) nhưng chẳng ai theo nghề biển. Các con của ông đều bỏ vào miền Nam để làm thuê cho công ty. Cũng vì vậy, sau hàng chục năm sống bằng nghề biển, đây là lần đầu tiên ông Thương có suy nghĩ việc bỏ nghề vào miền Nam làm thuê cùng các con.
“Tàu của tôi lúc mua khoảng 1 tỷ, cộng thêm một số ngư cụ nữa gần 1,8 tỷ. Nhưng giờ bán họ cũng chỉ trả giá 500 triệu. Bỏ nghề thì tiếc nhưng theo nghề thì không biết làm sao mà sống nữa. Thôi thì cố gắng thêm một vài chuyến nữa, nếu vẫn lỗ thì chắc phải bỏ nghề thôi”, ông Thương thở dài.
Tàu muốn bán cũng không ai mua
Ông Hồ Đình Quy, Phó chủ tịch UBND xã An Hòa, huyện Quỳnh Lưu cho biết, từ năm 2019, ngư dân gặp nhiều khó khăn do đánh bắt cá bị thất thu. Bởi thế nên giờ nhiều ngư dân cũng đang có ý định rao bán thuyền để đi làm thuê nhưng không có người mua.
Nếu như trước đây, một tàu công suất 500 CV đóng mới mất từ 8 đến 10 tỷ đồng thì nay chỉ bán khoảng 3 - 4 tỷ đồng nhưng vẫn ít người hỏi mua. Còn những tàu nhỏ 1 – 2 tỷ thì thậm chí bán cho “sắt vụn” cũng chỉ thu về vài trăm triệu.
“Hiện toàn xã chỉ còn 40 tàu đánh cá, trong đó có 17 tàu dài trên 15m; giảm gần một nửa so với năm 2018. Đánh bắt cá không năng suất, thu nhập bấp bênh, nhu cầu không có nên chẳng ai muốn sắm tàu nữa”, ông Quy nói.
Đặc biệt, từ Nghị định 67 của chính phủ, huyện Quỳnh Lưu đóng mới 52 tàu cá công suất lớn để đánh bắt xa bờ. Tuy nhiên, năng suất đánh bắt không cao, hiệu quả thấp... dẫn đến nhiều ngư dân rơi vào cảnh nợ nần không trả được. Thậm chí nhiều tàu đến hạn nhưng không thể trả nợ cho ngân hàng.
Ông Nguyễn Xuân Dinh, Phó chủ tịch UBND huyện Quỳnh Lưu cho biết, toàn huyện có gần 1.200 tàu cá, là địa phương có số lượng phương tiện tàu thuyền lớn của cả tỉnh. Trong đó có khoảng 700 tàu dài hơn 15m, đánh bắt xa bờ.
Tuy nhiên, hiện nay số lượng tàu và lực lượng lao động biển đang có xu hướng giảm. Ra Tết đến nay, đội tàu xa bờ của ngư dân các xã Quỳnh Nghĩa, Quỳnh Long, Tiến Thủy, Sơn Hải... vẫn chưa thể xuất bến khai thác đầu năm do thời tiết không thuận lợi, phần nữa do giá xăng dầu tăng cao.
“Đầu năm, chi phí từ xăng dầu, vật dụng mỗi chuyến biển tăng trong khi sản lượng, giá trị hải sản càng giảm nên các chủ tàu chưa ra khơi vì sợ lỗ. Trên địa phương cũng đang có tình trạng, đội ngũ lao động trẻ tại địa phương bỏ nghề, đi xuất khẩu lao động hoặc làm các công ty do thu nhập ổn định hơn”, ông Dinh nói.
Theo lãnh đạo huyện Quỳnh Lưu, ngoài những nguyên trên thì lao động biển ngày càng giảm còn do cơ cấu nghề chưa hợp lý, tổ chức sản xuất trên biển vẫn mang tính nhỏ lẻ; công nghệ khai thác, bảo quản sản phẩm trên tàu sau thu hoạch còn hạn chế; tình trạng cạnh tranh giữa các loại nghề, các nhóm tàu, giữa các địa phương trong một ngư trường ngày càng lớn.
Bài 2: Ngư dân trẻ không mặn mà với biển, bỏ nghề để đi xuất khẩu
Link nội dung: https://dulichgiaitri.vn/thua-lo-sau-nhieu-lan-ra-khoi-nhieu-ngu-dan-xot-xa-rao-ban-tau-a19115.html