Đây là lần thứ hai Việt Nam trúng cử thành viên Ủy ban Luật Thương mại quốc tế của Liên Hợp Quốc, tiếp nối nhiệm kỳ đầu tiên (2019-2025) với nhiều dấu ấn thành công, thể hiện sự ghi nhận và đánh giá cao của các nước thành viên Liên hợp quốc và cộng đồng quốc tế đối với những đóng góp tích cực và xây dựng của Việt Nam trong quá trình tham gia phát triển, hài hòa hóa và thực thi luật thương mại quốc tế nói chung và trong khuôn khổ Ủy ban Luật Thương mại quốc tế của Liên Hợp Quốc thời gian qua.
Số phiếu ủng hộ cao của các nước đối với ứng cử của Việt Nam cũng phản ánh vị thế, uy tín quốc tế ngày càng cao của đất nước và là thành quả của quá trình bồi đắp, củng cố quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa Việt Nam với các nước thành viên Liên Hợp Quốc những năm qua.
Trong vai trò thành viên Ủy ban Luật Thương mại quốc tế của Liên Hợp Quốc, trong 5 năm tới, Việt Nam sẽ tiếp tục tham gia trực tiếp vào tiến trình đàm phán và định hình các quy tắc của luật thương mại quốc tế ngay từ giai đoạn đầu, như xây dựng các luật mẫu, hướng dẫn, các quy định về giải quyết tranh chấp thương mại, tranh chấp giữa nhà nước và nhà đầu tư cũng như quy tắc điều chỉnh các phương thức thương mại mới… bảo đảm các quy tắc này phù hợp với các ưu tiên, lợi ích của Việt Nam và hài hòa với lợi ích chung của cộng đồng quốc tế, nhất là của các quốc gia đang phát triển.
Việt Nam coi trọng và tham gia tích cực Ủy ban Luật Thương mại quốc tế của Liên Hợp Quốc, qua đó thúc đẩy xây dựng khuôn khổ pháp lý và định hình chính sách hướng tới hệ thống thương mại mở, công bằng và minh bạch. Tại khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, cùng trúng cử với Việt Nam có các nước: Malaysia, Philippines, Singapore, Sri Lanka, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc.
UNCITRAL là cơ quan chuyên môn của Liên hợp quốc về luật thương mại quốc tế được thành lập từ năm 1996. Cơ quan này có vai trò quan trọng hàng đầu trong thúc đẩy quá trình hài hòa hóa và nhất thể hóa pháp luật thương mại quốc tế.
Từ khi thành lập đến nay, UNCITRAL đã xây dựng nhiều Công ước quốc tế quan trọng trong lĩnh vực thương mại quốc tế như như Công ước New York năm 1958 về công nhận và cho thi hành phán quyết của trọng tài nước ngoài, Công ước Viên năm 1980 về mua bán hàng hóa quốc tế, các Luật mẫu, quy định, hướng dẫn về trọng tài thương mại quốc tế, thương mại điện tử, doanh nghiệp vừa và nhỏ, đối tác công-tư, phá sản và nhiều lĩnh vực khác của luật thương mại quốc tế.
Link nội dung: https://dulichgiaitri.vn/viet-nam-tai-cu-thanh-vien-uy-ban-luat-thuong-mai-quoc-te-a191171.html