Iran sẽ tổ chức các cuộc đàm phán về vấn đề hạt nhân với bộ ba cường quốc châu Âu – gồm Pháp, Đức và Anh (còn gọi là E3) – vào ngày 29/11 trong bối cảnh căng thẳng leo thang về một nghị quyết do 3 quốc gia này khởi xướng và được cơ quan giám sát hạt nhân của Liên Hợp Quốc là IAEA thông qua.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Esmaeil Baghaei hôm 24/11 cho biết, các Thứ trưởng Ngoại giao từ 4 quốc gia sẽ nhóm họp để thảo luận về "các vấn đề song phương, khu vực và hạt nhân".
Các quan chức Anh cũng xác nhận cuộc họp, nhưng cả London và Tehran đều không cho biết địa điểm diễn ra các cuộc đàm phán.
Thông báo này được đưa ra vài ngày sau khi Iran kích hoạt các máy ly tâm mới và tiên tiến để đáp trả một nghị quyết do Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) thông qua.
Nghị quyết do Pháp, Đức và Anh (E3) soạn thảo và được Mỹ ủng hộ, đã được thông qua trong cuộc họp của IAEA tại Vienna (Áo) hôm 21/11.
Nghị quyết chỉ trích Iran vì "không hợp tác đầy đủ" với cơ quan hạt nhân của Liên Hợp Quốc, đồng thời kêu gọi Tehran giải quyết các mối quan ngại liên quan đến các hạt uranium được cho là tìm thấy tại 2 địa điểm hạt nhân của nước này.
Nghị quyết nhận được 19 phiếu thuận. Nga, Trung Quốc và Burkina Faso phản đối. Và 12 thành viên còn lại bỏ phiếu trắng. Nghị quyết hôm 21/11 đánh dấu lần thứ 3 Liên Hợp Quốc thực hiện động thái như vậy kể từ năm 2020.
Đáp lại, Iran đã kích hoạt một số lượng lớn máy ly tâm tiên tiến, nói rằng động thái này nhằm mục đích "bảo vệ lợi ích của đất nước và phát triển hơn nữa ngành công nghiệp hạt nhân hòa bình của mình".
Trong tuyên bố của mình, ông Baghaei nhắc lại "chính sách nguyên tắc" của Iran về "tương tác và hợp tác với các quốc gia khác", đồng thời nhấn mạnh rằng các cuộc đàm phán sắp tới là "tiếp tục các cuộc thảo luận" được tổ chức bên lề Đại hội đồng Liên Hợp Quốc (UNGA) gần đây tại New York.
Vị quan chức Iran nói thêm rằng vòng đàm phán mới, được lên kế hoạch trong cuộc họp của UNGA, sẽ giải quyết "nhiều vấn đề khu vực và quốc tế, bao gồm tình hình ở Palestine và Lebanon, cùng với các vấn đề hạt nhân".
Chính phủ mới được bầu của Iran do Tổng thống Masoud Pezeshkian đứng đầu đã cam kết sẽ mở lại các kênh liên lạc với phương Tây và tìm cách để các lệnh trừng phạt được nới lỏng. Tuy nhiên, các sự kiện ở Gaza và Lebanon cùng những diễn biến liên quan đã ngăn cản điều đó.
"Ngoại giao hạt nhân" đã bị đình trệ với Iran trong nhiệm kỳ đầu tiên của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump, với việc vào năm 2018 Washington rút khỏi thỏa thuận hạt nhân JCPOA giữa Iran và 6 cường quốc thế giới nhằm hạn chế hoạt động hạt nhân của Tehran để đổi lấy việc nới lỏng các lệnh trừng phạt quốc tế.
Theo các tài liệu bị rò rỉ từ IAEA, Iran đang tiến gần đến ngưỡng 90% cần thiết để sản xuất đầu đạn hạt nhân.
Ông Ali Vaez, một chuyên gia về Iran của Tổ chức Khủng hoảng Quốc tế (ICG), nói với AFP rằng cuộc họp hôm 29/11 đã được lên kế hoạch diễn ra sớm hơn, nhưng "những kế hoạch đó đã bị trật bánh do căng thẳng giữa Iran và Israel" về cuộc chiến ở Gaza.
Vị chuyên gia cho rằng mặc dù các bên sẽ họp "mà không biết chính quyền Trump sắp tới muốn làm gì", nhưng "sau một chu kỳ leo thang khiến đôi bên đều thua thiệt, giờ đây họ đều nhận ra rằng tương tác có thể là lựa chọn ít tốn kém nhất".
Minh Đức (Theo Anadolu, Al Jazeera, Digital Journal)
Link nội dung: https://dulichgiaitri.vn/dong-thai-moi-ve-hat-nhan-giua-iran-va-bo-ba-cuong-quoc-chau-au-a191519.html