Tin liên quan
Nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh
Tạo môi trường để nuôi dưỡng và phát triển doanh nghiệp công nghệ số
Đổi mới để bay cao, sáng tạo để vươn xa, hội nhập để phát triển
Thảo luận tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số, Thủ tướng Chính phủ nhận định hai luật này rất quan trọng bởi thực tế thiếu vốn nên cần cơ chế chính sách để huy động nguồn vốn tối đa, hiệu quả và quá trình đó phải có quy định của pháp luật để cơ quan, tổ chức, cá nhân được giao trách nhiệm biết thế nào là đúng luật mà làm, không đúng mà tránh.
Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, Việt Nam là nước đang phát triển, quy mô nền kinh tế còn khiêm tốn dù xếp thứ 34 trên thế giới, nhưng sức chống chịu với cú sốc bên ngoài còn hạn chế. Vì thế, việc có cách thức phù hợp huy động các nguồn lực từ Nhà nước, nhân dân, xã hội, trái phiếu… rất quan trọng nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn tới.
Thủ tướng cho rằng, muốn xây dựng kỷ nguyên mới như Tổng Bí thư Tô Lâm nói, đòi hỏi phải đổi mới tư duy, vận hành và quản lý dựa trên tổng kết thực tiễn theo nguyên tắc cái gì được thì phát huy, chưa được phải sửa ngay, vướng mắc phải tháo gỡ. "Đổi mới để bay cao, sáng tạo để vươn xa, hội nhập để phát triển" là quan điểm được lãnh đạo Chính phủ nêu.
Việc huy động nguồn lực, theo Thủ tướng, bắt nguồn từ nội lực là chính. Và nội lực bên cạnh yếu tố con người, thiên nhiên, truyền thống lịch sử, còn là cơ chế, chính sách. "Cơ chế, chính sách nếu đúng hoàn cảnh, phù hợp xu thế sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh, làm thay đổi trạng thái, xoay chuyển tình thế", Thủ tướng nhấn mạnh và dẫn chứng cơ chế khoán 10, khoán 100 giúp Việt Nam từ nước nhập khẩu gạo thành nước xuất khẩu gạo.
Đề nghị luật phải mạnh dạn phân cấp, phân quyền
Góp ý về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp (sửa đổi), Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu quan điểm, kế hoạch kinh doanh thì giao cho hội đồng quản trị chịu trách nhiệm quyết định, làm sao bảo toàn và phát triển vốn, phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Chính phủ, cơ quan quản lý có công cụ để định hướng, kiểm tra, giám sát và công cụ đó phải rõ để người ta sáng tạo.
Thủ tướng đề nghị luật phải mạnh dạn phân cấp, phân quyền. Đầu tư công thì theo luật đầu tư công. Còn vốn của tập đoàn, doanh nghiệp đầu tư vào đâu thì hội đồng quản trị quyết định và chịu trách nhiệm chứ không phải đi xin cấp hành chính này kia.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đồng tình với cơ quan thẩm tra rằng khi đánh giá doanh nghiệp cần đánh giá tổng thể giá trị mang lại chứ không đánh giá từng việc một, và nêu ví dụ trong 10 việc được giao, có thể 2-3 việc họ làm chưa tốt, thua lỗ nhưng “tổng thể vẫn dương” là bảo toàn và phát triển vốn.
Do vậy, dự thảo luật nên quy định quản lý tới doanh nghiệp dạng nào và tới người chịu trách nhiệm trực tiếp, còn lại để doanh nghiệp quản lý cấp dưới. Như Trung ương quản lý tỉnh, còn tỉnh quản lý huyện, huyện quản lý xã. “Chương trình mà Trung ương đi làm tận xã thì tắc, mà tắc là lãng phí, nên đưa cho tỉnh một cục, còn tỉnh quyết định phân bổ vào đâu, ai làm. Trung ương không làm thay tỉnh, tỉnh không thay huyện, huyện không làm thay xã. Tinh thần địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm. Quản lý doanh nghiệp cũng cần theo thế, không can thiệp sâu vào F3, F4”.- Thủ tướng nói.
Link nội dung: https://dulichgiaitri.vn/quan-ly-doanh-nghiep-khong-the-can-thiep-bang-cac-bien-phap-hanh-chinh-a191570.html