Ngày 26/11, Bộ NN&PTNT tổ chức hội nghị sơ kết sản xuất trồng trọt năm 2024 và triển khai kế hoạch sản xuất trồng trọt năm 2025 các tỉnh phía Bắc
Cục Trồng trọt cho biết, vụ Đông 2024, diễn ra trong bối cảnh đầu vụ sản xuất vụ Mùa các tỉnh phía Bắc bị ảnh hưởng của cơn bão số 3 và mưa lũ, Bộ NN&PTNT đã cùng các địa phương chỉ đạo quyết liệt và kịp thời nhằm mở rộng diện tích gieo trồng vụ Đông 2024 phấn đấu đạt 420 nghìn ha, tăng 50 nghìn ha so với vụ Đông năm 2023.
Tổng diện tích cây công nghiệp năm 2024 các tỉnh phía Bắc đạt khoảng 231,1 nghìn ha, đạt 100,5% so với kế hoạch tương đương tăng 1,5 nghìn ha so với cùng kỳ. Sản lượng các cây công nghiệp chính như cà phê, cao su, chè tăng nhẹ (1-6%) so với cùng kỳ.
Theo kế hoạch, tổng diện tích sản xuất lúa năm 2025 của các tỉnh phía Bắc khoảng 2,2 triệu ha; trong đó vụ Xuân trên 1 triệu ha, vụ Mùa trên 980 nghìn ha. Năng suất phấn đấu đạt khoảng 58,8 tạ/ha, tăng 1,5 tạ/ha so với năm 2024. Dự kiến sản lượng gần 13 triệu tấn. Các địa phương tiếp tục thực hiện mạnh việc chuyển đổi từ lúa ở diện tích cao, vàn cao, khó tưới sang gieo trồng các cây rau màu.
Theo nhận định của Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cuối năm nay, hiện tượng rét đậm, rét hại tại khu vực Bắc Bộ có khả năng xuất hiện trên diện rộng từ nửa cuối tháng 12 và hoạt động mạnh từ tháng 12/2024 đến tháng 2/2025.
Bộ NN&PTNT yêu cầu các tỉnh phía Bắc sớm xây dựng kế hoạch sản xuất lúa, cây màu của cả năm 2025. Xác định vụ Đông Xuân là vụ có năng suất cao nhất, quan trọng nhất trong năm, các địa phương phải ưu tiên bố trí thời vụ tối ưu nhất. Làm tốt thủy lợi nội đồng, chủ động tưới tiêu, tập trung mọi nguồn lực để gieo trồng hết diện tích theo kế hoạch. Đồng thời chỉ đạo chặt chẽ dự tính dự báo sâu bệnh hại, đặc biệt các bệnh nguy hại với phương châm phòng là chính để đạt mục tiêu sản xuất trồng trọt đề ra.
Ông Phạm Văn Nghiêm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình cho biết: Tổng diện tích lúa cả năm đạt trên 150 nghìn ha, xếp thứ 2 vùng Đồng bằng sông Hồng, năng suất lúa cả năm trung bình đạt 65,2 tạ/ha, thứ nhất vùng Đồng bằng sông Hồng. Đã hình thành và phát triển nhiều vùng sản xuất hàng hoá tập trung quy mô lớn, với sự tham gia của các doanh nghiệp liên kết sản xuất, tiêu thụ theo chuỗi giá trị. Tích tụ, tập trung đất đai phát triển sản xuất đối với lĩnh vực trồng trọt, toàn tỉnh đến nay đã tích tụ được trên 5.676 ha với tổng số 1.700 hộ nông dân tham gia có diện tích từ 2ha trở lên.
"Định hướng phát triển ngành nông nghiệp trong thời gian tới của tỉnh xác định nông nghiệp là trụ cột quan trọng trong phát triển kinh tế của tỉnh, góp phần bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, hướng tới trở thành trung tâm sản xuất nông nghiệp hàng đầu vùng đồng bằng sông Hồng. Tập trung phát triển, hiện đại hóa sản xuất các mặt hàng nông, lâm, thủy sản; hoàn thiện chuỗi giá trị sản xuất nông sản của tỉnh. Xây dựng các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, ứng dụng công nghệ cao.
Đồng thời, chú trọng xây dựng thương hiệu nông sản, mở rộng vùng tiêu thụ sản phẩm nông sản; tạo mối liên kếtngành và liên kết vùng, thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp bền vững, hiệu quả, có sức cạnh tranh cao và tìm đầu ra cho sản phẩm. Từng bước phát triển lĩnh vực bảo quản, chế biến sau thu hoạch để đảm bảo chất lượng và phát triển các vùng nông nghiệp công nghệ cao với mục tiêu tăng năng suất và chất lượng sản phẩm", ông Nghiêm nhấn mạnh.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hoàng Trung cho biết để sản xuất trồng trọt năm 2025 đạt kết quả cao, yêu cầu Cục Trồng trọt cần theo dõi sát tình hình sản xuất, hướng dẫn các địa phương kịp thời về thời vụ, cơ cấu giống; xử lý kịp thời tình huống do thiên tai, dịch bệnh gây ra; phối hợp với các Hiệp hội, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh giống cây trồng kiểm soát tốt số lượng giống, chất lượng giống, cơ cấu giống phù hợp để cung ứng cho sản xuất.
Thứ trưởng cũng yêu cầu các đơn vị liên quan phối hợp tổ chức kiểm tra, thanh tra chất lượng giống cây trồng, ngăn chặn kịp thời hiện tượng kinh doanh giống, phân bón kém chất lượng. Theo dõi sát diến biến thời tiết khí hậu để có giải pháp tưới tiêu kịp thời, hạn chế ảnh hưởng của hạn hán, úng ngập gây ra. Các địa phương cần tập trung bám sát các dự báo sâu bệnh, nước, xâm nhập mặn, thời tiết ... xuống giống lúa đúng lịch thời vụ theo khuyến cáo của Cục Trồng trọt, bảo đảm thắng lợi, thu được hiệu quả kinh tế cao.
Đỗ Hương
Link nội dung: https://dulichgiaitri.vn/san-luong-lua-mien-bac-anh-huong-tu-bao-so-3-a191790.html