Luật Bảo vệ môi trường (2020) được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 10 Quốc hội Khóa XIV đã thể chế hóa các yếu tố kinh tế tuần hoàn đối với quản lý rác thải như: tiếp tục thúc đẩy ứng dụng công nghệ xử lý, tái chế chất thải, thân thiện với môi trường, sản xuất năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; phân loại chất thải sinh hoạt; quy định trách nhiệm thu gom, tái chế, xử lý của nhà sản xuất, nhập khẩu đối với sản phẩm, bao bì...
Trong bối cảnh hiện nay, vấn đề ô nhiễm môi trường do rác thải đang ngày càng trở nên cấp bách trên toàn cầu và Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng này. Với tốc độ đô thị hóa nhanh chóng và sự tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ, nước ta đang đối mặt với áp lực rất lớn khi lượng rác thải sinh hoạt ngày càng tăng, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng và làm suy giảm tài nguyên thiên nhiên...
Tại tọa đàm, các ý kiến đại biểu khẳng định, phát triển kinh tế tuần hoàn là sáng kiến nhận được sự đồng thuận cao của cộng đồng quốc tế, được xem là một trong các phương thức giúp giải quyết hài hoà mối quan hệ giữa tăng trưởng, phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường; là con đường tiến tới nền kinh tế xanh và phát triển bền vững.
Cùng với xu hướng phát triển của thế giới, Việt Nam đang nỗ lực phát triển kinh tế theo hướng bền vững, giảm thiểu những tác động xấu đến môi trường và nền kinh tế tuần hoàn là mô hình được quan tâm, định hướng phát triển.
Kinh tế tuần hoàn khuyến khích việc tái chế và tái sử dụng rác thải để biến chúng thành nguồn tài nguyên mới. Xử lý rác thải hiệu quả cũng là một trong những ưu tiên hàng đầu của Việt Nam nhằm giải quyết ô nhiễm môi trường hướng tới các mục tiêu phát triển bền vững. Chính phủ đã đặt mục tiêu đến năm 2030, nâng tỷ lệ thu gom, xử lý rác thải lên 95% ở khu vực thành thị, 90% ở khu vực nông thôn và 98% đối với chất thải nguy hại.
Trước thực trạng tài nguyên thiên nhiên đang dần cạn kiệt, ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu, bài toán đặt ra là phải chuyển đổi phương thức, mô hình theo hướng bảo đảm phát triển kinh tế - xã hội mà vẫn bảo vệ được môi trường. Với mô hình kinh tế truyền thống hiện nay, nguyên liệu được khai thác, sản xuất, sử dụng và thải bỏ, trong khi đó, nền kinh tế tuần hoàn lấy việc tái sử dụng tuần hoàn nguyên liệu làm trọng tâm, giảm tiêu hao nguyên liệu, nâng cao hiệu quả sản xuất và giảm đến mức thấp nhất ảnh hưởng tới môi trường.
Tại tọa đàm, nhấn mạnh việc phát triển bền vững, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn đang là xu thế phát triển quan trọng trên thế giới và Việt Nam, các đại biểu đã có các khuyến nghị, kiến nghị thiết thực, khả thi về cơ chế, chính sách, các giải pháp việc phát triển kinh tế tuần hoàn và xử lý rác thải ở Việt Nam.
Nguyễn Hoàng
Link nội dung: https://dulichgiaitri.vn/kinh-te-tuan-hoan-trong-xu-ly-rac-thai-o-viet-nam-a191963.html