Những lần tiên phong của REE dưới thời "nữ tướng" Nguyễn Thị Mai Thanh

31 năm lèo lái doanh nghiệp, bà Mai Thanh đã chứng minh được tài năng kinh doanh cũng như lãnh đạo của mình khi biến REE từ xí nghiệp nhỏ tới Tập đoàn đa ngành.

CTCP Cơ điện lạnh (HoSE: REE) mới công bố thông tin bà Nguyễn Thị Mai Thanh sẽ thôi giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT từ ngày 22/11 để đảm nhiệm chức vụ Tổng Giám đốc.

Bên cạnh đó, thay thế là ông Alain Xavier Cany - đại diện của quỹ Platinum Victory sẽ trở thành Chủ tịch HĐQT mới của REE. Đây là nhóm quỹ đã có hơn 10 năm đầu tư vào doanh nghiệp, sở hữu cổ phần phình to kể từ 2012 tới nay.

Hiện nay, Platinum Victory là cổ đông lớn nhất của REE, đứng thứ hai là gia đình bà Mai Thanh với 21,6% vốn điều lệ REE. Cá nhân bà Mai Thanh nắm giữ hơn 60,4 triệu cổ phiếu REE, tương đương 12,83% vốn điều lệ của công ty.

31 năm lèo lái doanh nghiệp, bà Mai Thanh đã chứng minh được tài năng kinh doanh cũng như lãnh đạo của mình khi biến REE từ xí nghiệp nhỏ tới Tập đoàn đa ngành, kinh doanh xoay quanh 3 lĩnh vực chính gồm cơ điện lạnh, bất động sản, cơ sở hạ tầng điện và nước.

Những quyết sách đưa doanh nghiệp vượt "sóng cả"

Năm 1985, ở tuổi 33, bà Mai Thanh được đề nghị kế vị chức Giám đốc của Xí nghiệp Quốc doanh liên hiệp Thiết bị lạnh (Tp. HCM) sau 3 năm làm việc tại doanh nghiệp.

Cuộc khủng hoảng tài chính năm 1986 ập tới, trong khi đó tại xí nghiệp lại đối mặt với việc dàn nhân sự cấp cao như trưởng, phó phòng đồng loạt xin nghỉ việc, kho vật tư trống rỗng và tài khoản ngân hàng cạn kiệt.

Loạt khó khăn dồn dập kéo đến thách thức tài năng của nữ Tổng Giám đốc trẻ tuổi. Bà Mai Thanh mạnh dạn quyết định vay vốn ngân hàng để nhập tủ lạnh đã qua sử dụng ở nước ngoài về, tân trang lại rồi bán kiếm lời, đưa doanh nghiệp vượt qua thời kỳ tăm tối.

Năm 1992, doanh nghiệp tự xin thực hiện cổ phần hoá và trở thành một trong những công ty cổ phần đầu tiên có vốn Nhà nước, vốn của cán bộ công nhân viên và vốn nước ngoài. Tới năm 1993, Công ty Cổ phần Cơ Điện Lạnh (REE) được thành lập.

Những lần tiên phong của REE dưới thời "nữ tướng" Nguyễn Thị Mai Thanh - Ảnh 1.

REE quyết tâm sản xuất máy điều hòa thay vì chỉ làm đại lý phân phối cho nhiều thương hiệu nổi tiếng.

Sau đó, qua những cuộc công du nước ngoài, vị nữ lãnh đạo tìm ra nguồn thiết bị, linh kiện nhập khẩu, quyết tâm sản xuất máy điều hòa thay vì chỉ làm đại lý phân phối cho nhiều thương hiệu nổi tiếng.

Để giải quyết bài toán vốn, "nữ tướng" của REE nhận một khoản vay 5 triệu USD theo hình thức trái phiếu chuyển đổi từ Quỹ VEIL, giúp thương hiệu máy điều hòa Reetech ra đời.

Tưởng như mọi thứ đã xong xuôi, cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997 – 1998 lại khiến REE khốn đốn, bà Mai Thanh tiếp tục thể hiện tài năng lãnh đạo của mình khi quyết định xây dựng cao ốc văn phòng cho thuê, khánh thành năm 2002.

Toà nhà được lấp đầy chỉ sau 18 tháng, tạo cú huých để công ty phát triển thêm hơn trăm nghìn m2 văn phòng cho thuê trong một thập niên sau đó.

Những lần tiên phong của REE dưới thời "nữ tướng" Nguyễn Thị Mai Thanh - Ảnh 2.

Bà Nguyễn Thị Mai Thanh đưa ra nhiều quyết sách giúp doanh nghiệp vượt "sóng cả".

Năm 2000, khi sàn chứng khoán Việt Nam bắt đầu hoạt động, REE tiếp tục là công ty tiên phong lên sàn.

Chia sẻ tại talkshow The Investors (Người Đầu Tư) mới đây, bà Nguyễn Thị Mai Thanh bộc bạch áp lực khi làm người tiên phong rất lớn.

"Áp lực này không phải cho bản thân REE, mà áp lực là phải thành công. Bởi nếu niêm yết đầu tiên mà không thành công, những người khác sẽ nhìn vào đó và rất e ngại việc lên sàn chứng khoán", bà Thanh nói.

Chỉ lỗ duy nhất 1 lần kể từ khi lên sàn

Không chỉ thề hiện năng lực của mình thông qua những quyết sách mạnh bạo, bà Mai Thanh còn chứng mình khả năng vận hành doanh nghiệp khi nhìn vào kết quả kinh doanh suốt những năm qua của REE.

Kể từ khi lên sàn chứng khoán, duy nhất năm 2008 do quyết sách sai lầm khi ấy.

Cách đây 16 năm, REE hoạt động trên 4 lĩnh vực bao gồm đầu tư tài chính, điện lạnh, bất động sản, văn phòng cho thuê.

Thời điểm thị trường chứng khoán lên cao trào, REE đã không ngần ngại "tất tay" lấn sang lĩnh vực đầu tư tài chính, bỏ ra cả nghìn tỷ đồng đầu tư vào chứng khoán.

Điều này khiến doanh nghiệp rơi vào khủng hoảng khi thị trường chứng khoán lao dốc, công ty lỗ đậm 140 tỷ đồng trong năm 2008 - lần đầu tiên doanh nghiệp báo lỗ kể từ khi lên sàn.

Chia sẻ tại giai đoạn ấy, bà Nguyễn Thị Mai Thanh không ngần ngại thừa nhận rằng thua lỗ của REE trong năm 2008 là sai lầm lớn nhất của Ban giám đốc và HĐQT khi không cương quyết "cắt lỗ" từ quý I/2008.

Không chỉ mắc sai lầm trong đầu tư tài chính khi ngần ngại cắt lỗ, việc công ty rót quá nhiều nguồn lực vào một lĩnh vực cũng khiến hoạt động kinh doanh của công ty bị mất đối xứng.

Sau đó ngay lập tức, REE giảm tỉ trọng đầu tư tài chính, quay lại các lĩnh vực cốt lõi là cơ điện lạnh, bất động sản cho thuê và năng lượng, lấy lại đà tăng trưởng ngay năm liền kề tiếp theo.

Bước sang năm 2010, REE bắt đầu phát triển mảng năng lượng và sở hữu danh mục đầu tư trải rộng từ thuỷ điện, nhiệt điện than, năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời…

Trải qua 3 năm đối diện với Covid-19 khiến bao doanh nghiệp lao đao, REE vẫn ghi nhận tăng trưởng dương và lợi nhuận lên đến hàng nghìn tỷ đồng bất chấp ngoại cảnh.

REE kết thúc quý III/2024 với kết quả kinh doanh đầy khả quan, doanh thu 2.031 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 561 tỷ đồng, lần lượt tăng 3% và 21% nhờ mảng năng lượng tăng trưởng tốt và ghi nhận doanh thu từ dự án The Light Square.

Tài sản của REE cũng phình to sau thời gian kinh doanh tích cực, tính đến hết quý III/2024 công ty ghi nhận tổng tài sản đạt 35.649 tỷ đồng, chủ yếu là tài sản dài hạn 25.021 tỷ đồng, chiếm 70% tổng tài sản. Trong đó, tiền và tương đương tiền ghi nhận tới 5.069 tỷ đồng.

Hướng đến kinh doanh "xanh"

Tại ĐHĐCĐ thường niên 2024 của REE, bà Nguyễn Thị Mai Thanh tiết lộ thời gian tới, công ty đang tìm kiếm cơ hội ở mảng điện rác, hướng đến đầu tư nhà máy có quy mô công suất xử lý từ 2.000 tấn rác thải sinh hoạt/ngày tại Tp.Hồ Chí Minh.

Bên cạnh đó, REE sẽ không đầu tư thêm vào nhiệt điện than và đang trong lộ trình thoái vốn hợp lý, thay vào đó tiếp tục đầu tư vào điện sạch, năng lượng tái tạo.

Mảng phát triển bất động sản được REE đặt kỳ vọng nhất khi dự kiến đem về doanh thu chủ chốt cho doanh nghiệp trong năm tới.

REE cho rằng thị trường bất động sản đã đi qua giai đoạn khó khăn nhất và bắt đầu bước vào chu kỳ của sự ổn định. 

Các luật mới được Quốc hội thông qua gồm Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh Bất động sản, Luật Đất sẽ góp phần giúp thị trường bất động sản trở nên minh bạch hơn, dần hồi phục và phát triển theo chiều hướng lành mạnh, bền vững.

Link nội dung: https://dulichgiaitri.vn/nhung-lan-tien-phong-cua-ree-duoi-thoi-nu-tuong-nguyen-thi-mai-thanh-a192333.html