Ông Yun Yoo Duk, Giám đốc Trung tâm Hợp tác quốc tế, Viện Phát triển Công nghệ Hàn Quốc cho biết, Dự án "Nâng cao năng lực quản lý an toàn đường sắt tại Việt Nam" được triển khai trong khuôn khổ hợp tác giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Hàn Quốc với mục tiêu hỗ trợ Việt Nam thực hiện Quy hoạch mạng lưới đường sắt quốc gia đến năm 2030. Từ năm 2022, Chính phủ Hàn Quốc đã triển khai nhiều chương trình thiết thực nhằm nâng cao năng lực quản lý an toàn đường sắt của Việt Nam thông qua dự án ODA.
"Chúng tôi hy vọng rằng thông qua dự án này, hai nước có thể mở rộng hợp tác đầu tư và công nghệ cùng có lợi thông qua dịch vụ vận tải và đường sắt tốc độ cao để thúc đẩy ngành đường sắt Việt Nam phát triển", ông Yun Yoo Duk nói.
167 lượt học viên Việt Nam được đào tạo về chính sách quản lý đường sắt tại Hàn Quốc
Chia sẻ thêm, ông Hoàng Gia Khánh, Tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cho hay, thông qua hỗ trợ của các Cơ quan Chính phủ như Bộ Đất đai, Cơ sở hạ tầng và Giao thông Hàn Quốc, Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc và các doanh nghiệp như Tổng công ty Đường sắt Hàn Quốc, Seoul Metro, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã cử 167 lượt học viên tham dự các khóa đào tạo tại Hàn Quốc về chính sách và quản lý đường sắt, vận hành đường sắt đô thị và vận hành đường sắt tiên tiến.
Sau khi hoàn thành chương trình đào tạo, các học viên đã áp dụng kiến thức thu nhận vào công việc một cách thiết thực và hiệu quả, góp phần tích cực vào tiến trình phát triển Tổng công ty Đường sắt Việt Nam.
Riêng Dự án "Nâng cao năng lực quản lý an toàn đường sắt tại Việt Nam", Chính phủ Hàn Quốc đã cung cấp nguồn tài trợ không hoàn lại trị giá 13,5 tỷ Won (khoảng 250 tỷ đồng). Thông qua dự án này, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã được cung cấp các thiết bị hữu ích cho công tác sửa chữa, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt, qua đó góp phần quan trọng vào việc đảm bảo và nâng cao an toàn chạy tàu.
Cùng đó, 6 khóa đào tạo cho 300 học viên của Tổng công ty được tổ chức tại trường Cao đẳng Đường sắt đã giúp trang bị cho học viên các kiến thức về thiết kế và xây dựng đường sắt, phát hiện khuyết tật và sai lệch của đường, hàn ray và mài ray, an toàn và bảo trì đường ray. Các học viên của Việt Nam cũng được tham dự 5 khóa đào tạo tại Hàn Quốc.
Xây dựng hệ thống bảo trì đường sắt tiên tiến
Ông Kwon Se Gon, Giám đốc Dự án (Tổng công ty Đường sắt Hàn Quốc) cho biết, dự án được triển khai với hai mục tiêu: Tăng cường năng lực quản lý an toàn đường sắt của Việt Nam bằng cách xây dựng hệ thống bảo trì đường sắt tiên tiến và bồi dưỡng nguồn nhân lực chuyên môn. Qua đó thúc đẩy quan hệ hữu nghị trong lĩnh vực đường sắt Hàn Quốc - Việt Nam và hợp tác trong các ngành liên quan.
Để đạt được mục tiêu này, các đơn vị thực hiện dự án đã hỗ trợ thiết bị kiểm tra và bảo trì đường sắt do Tổng công ty Đường sắt Hàn Quốc và các đơn vị trong ngành đường sắt Hàn Quốc phát triển, đồng thời sử dụng thiết bị được cung cấp trong công tác bảo trì và cải tạo đường sắt tại Việt Nam.
"Thông qua dự án này, chúng tôi kỳ vọng sẽ tăng cường năng lực quản lý an toàn đường sắt của Việt Nam, giảm chi phí bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt, giảm thiệt hại về người và tài sản do các tai nạn trật bánh và bồi dưỡng nhân lực chuyên môn đủ trình độ quản lý và vận hành đường sắt trong tương lai", ông Kwon Se Gon nói.
Dự án Nâng cao năng lực quản lý an toàn đường sắt tại Việt Nam có tổng mức đầu tư gần 253 tỷ đồng, tương đương hơn 10,5 triệu USD; trong đó vốn ODA không hoàn lại do Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc tài trợ khoảng 13,5 tỷ Won Hàn Quốc (KRW), tương đương gần 237 tỷ đồng; vốn đối ứng hơn 16 tỷ đồng từ nguồn vốn sản xuất kinh doanh của Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam.
Dự án nhằm giới thiệu, ứng dụng công nghệ, tiếp nhận và vận hành một số máy móc thiết bị trong hoạt động bảo trì giao thông vận tải đường sắt tiên tiến tại Hàn Quốc vào các tuyến đường sắt hiện hữu tại Việt Nam; xây dựng, hiệu chỉnh để phù hợp với điều kiện vận hành đường sắt tại Việt Nam.
Đào tạo chuyên gia, cán bộ, công nhân kỹ thuật bảo trì giao thông đường sắt; xây dựng hệ thống phòng ngừa sự cố nhằm nâng cao năng lực quản lý vận hành, an toàn hệ thống giao thông đường sắt tại Việt Nam. Theo đó, có khoảng 300 người được đào tại tại Việt Nam; 60 người đào tạo tại Hàn Quốc.
Cùng đó, thiết lập hệ thống bảo trì hiệu quả thông qua áp dụng công nghệ tiên tiến, nâng cao tỷ lệ cơ giới hóa, cải thiện hệ thống bảo trì và nâng cao hiệu quả khai thác vận hành, tiết giảm chi phí bảo trì, duy tu so với định mức kinh tế kỹ thuật hiện hành.
Phan Trang
Link nội dung: https://dulichgiaitri.vn/han-quoc-tai-tro-250-ty-dong-nang-cao-nang-luc-quan-ly-an-toan-duong-sat-tai-viet-nam-a192987.html