Lò gạch Mang Thít trải dài hơn 30km thuộc thành phố Vĩnh Long, huyện Long Hồ và Mang Thít, nằm bên những dòng sông Cổ Chiên, mang một sắc đỏ vô cùng ấn tượng giữa vùng sông nước. Từng mái lò, từng hàng gạch hòa quyện với cảnh sắc thiên nhiên sông nước đặc trưng khiến nơi đây trở thành điểm check-in độc đáo.
Tham quan làng gốm Mang Thít, du khách sẽ được tận mắt chứng kiến tất cả công đoạn làm ra các sản phẩm gốm mỹ nghệ như chọn đất sét, nhào đất, cho vào khuôn ép tạo hình, phơi nắng, xếp vào lò, đốt lò…Theo các bậc cao niên ở đây, xưa kia, khi nghề làm gạch thủ công truyền thống còn thịnh vượng, mỗi nhà sở hữu vài miệng lò. Những lò gạch nằm san sát nhau, nhìn từ xa giống như một “vương quốc đỏ” với hàng trăm tòa lâu đài nhỏ.
Nghề làm gạch đã có mặt ở đây từ rất sớm. Với nguồn tài nguyên đất đai màu mỡ, lượng phù sa lớn từ dòng Cửu Long sau nhiều năm tích tụ đã hình thành những mỏ đât sét quý giá. Từ đó, người Vĩnh Long đã khéo léo nhào nặn, biến chúng thành những viên gạch, sản phẩm gốm độc đáo.
Nghề gạch gốm ở Vĩnh Long có nét độc đáo riêng biệt đó là dòng gốm không men. Nhiên liệu là trấu, một sản vật quen thuộc với vùng lúa nước. Ngoài ra, do đặc tính nhiễm phèn của loại đất sét đỏ đặc biệt này mà khi nung xong, gốm đỏ Vĩnh Long thường có các vân trắng do phèn tạo thành.
Hình dáng lò gạch Mang Thít ở Vĩnh Long cũng giống như các nơi khác của miền Tây. Kiến trúc những lò gạch này như một “cây nấm màu cam”. Ở trên là một lỗ lớn như giếng trời, hai bên là ống khói. Nguyên liệu để xây nên các lò này cũng là bằng gạch, với số lượng hàng trăm nghìn viên được xây xếp chồng lên nhau.
Để tham quam lò gạch, từ trung tâm thành phố Vĩnh Long, du khách có thể đi tàu xuôi dòng Cổ Chiên với thủy trình khoảng 8km. Ngoài ta, du khách cũng có thể kết hợp đường bộ và đường thủy để vào lò gạch Mang Thít. Từ trung tâm thành phố Vĩnh Long, đi đường Mười Bốn Tháng Chín, qua ngã tư ngay phà Đình Khao theo đường DT902 khoảng 8km. Khi đến cầu Kênh Thầy Cai thì lên tàu để đi tham quan làng gốm.
Trước nguy cơ lò gạch bị đập phá để chuyển nghề, ngành chức năng tỉnh Vĩnh Long xây dựng đề án “Di sản đương đại Mang Thít”. Đây là một kho báu lộ thiên giàu giá trị cần được bảo tồn bởi lịch sử của nó được kiến tạo qua hơn 100 năm để hun đúc tạo ra khối di sản kiến trúc cùng nghề truyền thống hết sức độc đáo. Theo đó, ngày 20/12/2021 UBND tỉnh Vĩnh Long đã phê duyệt “Đề án Di sản đương đại Mang Thít”./.
Nguyễn Phong
Link nội dung: https://dulichgiaitri.vn/dep-mo-mang-vuong-quoc-do-vinh-long-a19338.html