Ở đại hội nhà văn khu vực kết hợp 3 miền Tây, Đông Nam Bộ và Tây Nguyên tổ chức ở trường đại học Cửu Long, Vĩnh Long, tôi gặp Phùng Văn Khai. Tranh thủ giữa 2 kỳ kiểm tra của ông quan kiểm tra của Ủy ban kiểm tra Hội Nhà văn Việt Nam trong việc bầu bán đại biểu đi dự đại hội đại biểu Hội Nhà Văn vào năm sau, ông cầm micro... đọc thơ khiến thiên hạ cứ tròn xoe mắt.
Phùng Văn Khai là một văn nhân "kỳ dị" lâu nay nhiều người biết. Tôi từng vào phòng làm việc của ông phó Tổng biên tập Tạp chí Văn nghệ Quân đội này. Ông ấy ngồi ở ghế trong tư thế của anh thổi bễ lò rèn dù tất nhiên cái ghế của Thượng tá phó tổng nó khác, nhưng cái dáng tất tưởi vội vàng thì chả khác nhau mấy, 2 thư ký 2 laptop bên cạnh, ông ngoảnh sang bên này đọc cho cô thư ký viết tiểu thuyết, ngoảnh sang bên kia đọc cho cô đang viết lịch sử dòng họ, nghe nói lúc cần ông điều cô nữa viết bút ký, cứ nhoay nhoáy thoăn thoắt, các cô thư ký đánh máy không kịp nghỉ. Mà phàm đã làm thư ký đánh máy thì tốc độ lướt phím phải là thượng thặng chứ không như tôi, một kẻ cũng được coi là viết bằng máy tính nhanh, nhưng là mổ cò trực tiếp chứ không phải đánh máy, một buổi được chừng 3 ngàn chữ là sung sướng và tự hào lắm rồi.
Giờ ông lại đốc chứng làm... thơ. Mà là thơ... lạ.
Gọi thơ "lạ" là bởi ông làm thơ chân dung các nhà văn bạn bè.
Loại này, trước ông, ta có nhà thơ Xuân Sách lừng danh với "Chân dung nhà văn", và mới đây là nhà thơ Nguyên Hùng "ký họa thơ" 81 chân dung thi sĩ. Ông Xuân Sách thì lên chân dung rất sắc sảo, nhưng chất hài, chất châm biếm, chất sâu cay nó át tính trữ tình. Ông Nguyên Hùng thì gọi đúng tên nhà thơ qua tác phẩm của họ.
Phùng Văn Khai thì khác.
Chất thơ của thơ chân dung rất rõ, nó là một bài thơ hoàn chỉnh, nhiều bài hay, câu hay.
Có thể nói, đây là tập thơ đạt tới mấy kỷ lục của ông.
Kỷ lục "lạ", tất nhiên rồi. Như đã nói, trước ông có vài người làm, mỗi người mỗi cách, mỗi hướng tiếp cận và thi pháp khác nhau. Tới ông, nó là một "cõi" riêng, không có chất vè, chất nôm na, chất lắp ghép, mà là chiều sâu suy nghĩ, chiều sâu của các hiện tượng anh tiếp cận, nó lặn vào bên trong chứ không miêu tả bề ngoài.
Kỷ lục... dài. Từng bài thơ dài như những... bài thơ. Cả tập dày dặn, chững chạc, lớp lang, đầu cuối, có từ cổ nhân tới hiện tại, từ danh nhân lịch sử tới những người thường, tức các văn nhân...
Kỷ lục "điển tích". Điển tích ở đây vừa là điển tích vừa là giai thoại của các nhân vật thơ của ông. Các nhân vật vừa là đối tượng trữ tình, đối tượng để... nâng niu, tung tẩy nhưng cũng đầy giai thoại, dẫu có vẻ như tác giả không biết, không nhắc, không ám chỉ gì những giai thoại ấy, nhưng hiểu nhân vật của ông, đọc tác phẩm của họ, ta thấy rất rõ.
Kỷ lục nhanh. Ngay cái hôm ở đại hội nhà văn khu vực ấy, tôi chứng kiến ông "chén" tới mấy chân dung, toàn viết tay trên giấy sau đó lập tức chụp gửi thư ký. Có người thì ông ngẫu hứng viết, có người thì... đề nghị ông viết. Tôi nhớ khi ông viết về Lê Huy Mậu xong, chụp ảnh chuyển cho tôi vì ông không có số, tức không có zalo Lê Huy Mậu, tôi chuyển tiếp cho tác giả "Khúc hát sông quê", ông nhắn lại ngay: anh bất hủ rồi. Nó chứng tỏ Phùng Văn Khai chịu đọc các bạn văn và khá hiểu các bạn văn.
Và cả... tục ngữ mới cải biên của ông. Nó khác Bảo Sinh dẫu có vẻ vẫn hơi ấy. Nó tưng tửng, đau mà rồi phải phì cười.
Thì như, dân tộc ta, à quên đàn ông nước Việt ta, có một phẩm chất hết sức đáng nể, hết sức kiên cường, kiên định, kiên trì và kiên quyết là... sợ vợ. Nhưng rồi, nhìn các ông các bác các anh ngoài đường thì vẫn rất là vẻ vang (ngày xưa các cụ tổng kết rồi: Ra đường võng giá nghênh ngang/ Về nhà hỏi vợ cám rang đâu mày), thì Phùng Văn Khai bẩm vợ: Vợ ơi vụng dại mấy lời/ Cúi xin lạy vợ mình ơi vợ mình.
Đừng tưởng thơ chân dung là tếu táo được, ngược lại, Phùng Văn Khai rất nghiêm túc, tứ rất sâu, hình ảnh và chữ chuyên nghiệp, tài hoa.
Tôi nhặt nhanh ít câu ngẫu hứng đọc trong bản thảo.
Này đây là nhân vật lịch sử Cao Lỗ, mấy câu cuối: Thành Gia Ninh bâng khuâng mây nước/ Bãi Hạc Trì sau trước uy nghi/ Lật trang sử cũ còn ghi/ Bỗng nghe tiếng hạc kêu về mênh mông...
Này đây là mấy câu cuối Lý Thường Kiệt: Chiều mưa xuân mờ cay mắt/ Cỏ cây đá sỏi cựa mình/ Cửa đền lặng im trầm mặc/ Lấm tấm chuông chùa hiền minh.
Nhưng tôi vẫn thích những chân dung văn nhân hiện đại hơn.
Đây là Hoàng Cầm: Nghe bàn tay ấm/ lạnh dần mưa rơi/ nghe bàn chân ấm/ chạm toàn gió thôi/ Trời rộng như nhau/ mưa dần xanh cỏ/ đời chật như nhau/ bốn bề sóng gió.
Đây là Phùng Cung: Lẽ nào trần thế, thế thôi/ Mặt nhân nghĩa chẳng sống đời nghĩa nhân/ Khói hương năm tận, tháng cùng/ Hành hương vụng trộm một lần nữa thôi/ Vẳng nghe mẹ gọi về giời...
Đây là Bùi Ngọc Tấn: Trăng sông Cấm loang xanh/ Hải Phòng nghìn đêm thương nhớ lại/ Cầu Cất lạc sao rơi/ Mé sông khuya Bạch Đằng nghìn tuổi/ Hoa lệ mấy hàng hong buốt áo em.
Lê Lựu thì quá rõ: Sông mãi chảy bên bồi, bên lở/ Mây còn trôi muôn thuở thanh bình/ Cành Lê, hoa Lựu rung rinh/ Chuông chùa văng vẳng thậm thình khơi xa.
Văn Thùy lục bát mà tôi hay gọi Văn Thùy tiên sinh, lục bát thì lấy lục bát mà đối: Nếu cần ta sẽ thí thân/ Trăm năm bánh đúc rau cần mà chơi/ Đã là thuyền phải ra khơi/ Vì mỹ nhân phải coi trời bằng vung.
Này là hình bóng nhà thơ Nguyễn Tấn Việt: Thưa anh, trăng sáng hơn đèn?/ Hay là đèn sáng vì đèn, thưa anh?/ Dọn mình, gửi lá thư xanh/ Cũng là mong muốn anh mình lặng im…
Lê Huy Mậu "bất hủ": Thơ như người lẫm liệt/ Người như thơ sống chết sá gì/ Nghé theo trâu, gái trai theo nhau đời kiếp/ Bức dư đồ lành - rách/ Biết sao đây, tình cũ rủ nhau về?
Một Phạm Xuân Nguyên độc đáo: Anh để râu, anh để ria/ Cũng vì thiên hạ ngoài kia nó lừa/ Anh đội nắng, anh tắm mưa/ Anh thuộc thơ, anh đọc thơ nộp tiền/ Chao ôi! Mới một Xuân Nguyên/ Mà thiên hạ đã bình yên chẳng còn.
Và đây là chân dung tác giả: Rồi thì lấm láp vẹo xiêu/ Đứng lên ngã xuống cuối chiều đầu hôm/ Bao nhiêu đồng đất rạ rơm/ Tay bưng bát cháo bát cơm với đời...
Tập sách có 4 phần, nhưng phần tôi thích hơn cả là 2 và 3. Hai là chân dung các văn nghệ sĩ hiện đại, và 3 là phần anh ghi chép rất thú vị, đến hồi hộp dù vẫn rất tếu táo, đời thường.
Thì, như một cách để đời sống văn chương tươi lên, vui lên, mà cả thế giới đọc cũng vui lên. Nếu còn và được làm báo, tôi sẽ cho mở lại mục giai thoại làng văn, sẽ bỏ qua những giai thoại lấm láp, xiêu vẹo, nhếch nhác về văn nhân, mà ưu tiên cho những giai thoại kiểu này, nó là những giai thoại vượt lên giai thoại, tham gia vào đời sống văn chương một cách chính thống, giúp người đọc hiểu thêm văn nhân và cũng soi mình vào để cảm thông, chia sẻ. Quan trọng nữa là, họ đọc được ở đấy, những nỗi niềm, những thân phận, những nỗi đau...
Cứ đau đi, ta mới quý những ngày bình yên chim hót...
* Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả
Link nội dung: https://dulichgiaitri.vn/mot-hien-tuong-tho-a193429.html