Thúc đẩy di tích trở thành nguồn lực văn hóa Thủ đô

(PNTĐ) - Việc đánh giá kết quả xây dựng và thực hiện mô hình tuyên truyền di tích lịch sử văn hóa - điểm đến an toàn, hấp dẫn do Sở Văn hóa Thể thao Hà Nội tổ chức nhằm thúc đẩy những giá trị di tích trở thành nguồn lực văn hóa góp phần xây dựng công nghiệp văn hóa Thủ đô.

Tạo điểm đến du lịch có thương hiệu
Tại Hội nghị Đánh giá kết quả xây dựng và thực hiện mô hình tuyên truyền di tích lịch sử văn hóa - Điểm đến an toàn, hấp dẫn diễn ra ngày 5/12 tại Hà Nội, Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Trần Trung Hiếu cho biết: Ước số lượng khách du lịch đến Hà Nội năm 2024 đạt khoảng 27 triệu lượt khách, tăng 9,2% so với năm 2023, trong đó gồm: 5,5 triệu lượt khách quốc tế, tăng 16,4% so với năm 2023 và 21,5 triệu lượt khách nội địa, tăng 7,5% so với năm 2023. Tổng thu từ khách du lịch đạt khoảng 103,74 nghìn tỷ đồng, tăng 11,1% so với năm 2023.

Thúc đẩy di tích trở thành nguồn lực văn hóa Thủ đô - ảnh 1
Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Trần Trung Hiếu phát biểu tại Hội nghị.

Ngành Du lịch Thủ đô tiếp tục khẳng định được vị trí, hình ảnh, thương hiệu của mình trong khu vực cũng như trên thế giới. Triển khai Luật Du lịch 2017, đến nay, UBND thành phố đã công nhận 50 điểm du lịch, khu du lịch cấp Thành phố; trong đó, 42 điểm du lịch 8 khu du lịch cấp thành phố. Việc quản lý, khai thác tốt các điểm đến, các khu, điểm du lịch góp phần tích cực cho sự tăng trưởng mạnh mẽ của ngành du lịch. Năm 2024, thành phố Hà Nội được vinh dự đón nhận giải thưởng “Điểm đến du lịch thành phố hàng đầu Châu Á”, “Điểm đến du lịch thành phố cho kỳ nghỉ ngắn ngày hàng đầu châu Á” và đặc biệt, năm 2024 đánh dấu chiến thắng đầu tiên của Hà Nội ở hạng mục “Điểm đến văn hoá hàng đầu Việt Nam” ghi nhận những giá trị về văn hóa, lịch sử và truyền thống của Thành phố.

Thúc đẩy di tích trở thành nguồn lực văn hóa Thủ đô - ảnh 2
Một khu vực trong Di tích đình làng Nhạn Tái, xã Xuân Nộn, huyện Đông Anh, Hà Nội.

Để nâng cao chất lượng, tạo điểm đến du lịch hấp dẫn tiêu biểu, có thương hiệu của Thủ đô, Sở Du lịch đã tham mưu UBND thành phố đã ban hành Quyết định số 3928/QĐ-UBND ngày 13/8/2021 về việc ban hành thí điểm Bộ tiêu chí đánh giá điểm du lịch, khu du lịch chất lượng cao trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025. Hiện nay, Sở đã tham mưu trình UBND thành phố ban hành Quy định mô hình quản lý khu du lịch cấp thành phố trên địa bàn thành phố Hà Nội. Một số điểm du lịch hiện đã được đầu tư cơ sở vật chất, tổ chức dịch vụ khá tốt, thu hút đông đảo khách du lịch đến tham quan, đóng góp tích cực vào kết quả hoạt động của ngành du lịch Thủ đô như: Di tích Nhà tù Hỏa Lò, khu di tích Hoàng thành Thăng Long, Bát Tràng, Hồng Vân... Công tác đầu tư nhà vệ sinh đạt chuẩn phục vụ khách du lịch được đơn vị quan tâm, chỉ đạo. Trên cơ sở tổng hợp nhu cầu từ các quận, huyện, thị xã, Sở Du lịch đã cung cấp danh sách các địa điểm đề xuất lắp đặt nhà vệ sinh công cộng trên địa bàn Thành phố để phục vụ phát triển du lịch, đề nghị Sở Xây dựng (là cơ quan thực hiện tham mưu quản lý nhà nước đối với nhà vệ sinh công cộng) có phương án thực hiện. Đơn vị đã hướng dẫn các doanh nghiệp kinh doanh du lịch về lữ hành, lưu trú, vận chuyển, điểm đến du lịch trên địa bàn Hà Nội tăng cường ứng dụng thương mại điện tử trong hoạt động kinh doanh. Nhiều điểm đến du lịch đã xây dựng hệ thống vé điện tử phục vụ khách tham quan như: Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hoàng thành Thăng Long, di tích Nhà tù Hỏa Lò… 

Thúc đẩy phát triển nguồn lực văn hóa

Theo Chủ tịch Hội LHPN huyện Mê Linh Nguyễn Thị Lan chia sẻ, mô hình “Di tích lịch sử, văn hóa - điểm đến an toàn, hấp dẫn” chính là một trong những điểm sáng trong thực hiện Quy tắc ứng xử nơi công cộng tại địa phương. Thực hiện chủ trương của Thành phố, huyện trong việc triển khai thực hiện mô hình, Hội Liên hiệp phụ nữ các huyện đã tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của các cấp hội viên hội phụ nữ trong việc ứng xử văn minh, văn hoá tại các điểm di tích, nơi thời tự. Thường xuyên tổ chức các sự kiện của Hội phụ nữ tại các điểm di tích nhằm giáo dục, tôn vinh các giá trị văn hoá truyền thống tới các chị em phụ nữ, từ đó, khơi dậy tinh thần trách nhiệm, đóng góp của phụ nữ trong tuyên truyền triển khai quy tắc ứng xử văn minh tại nơi thờ tự.

Thúc đẩy di tích trở thành nguồn lực văn hóa Thủ đô - ảnh 3
Chủ tịch Hội LHPN huyện Mê Linh Nguyễn Thị Lan chia sẻ tại Hội nghị.

Còn Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Gia Lâm Vũ Lan Anh thông tin, Hội Phụ nữ huyện Gia Lâm đã tiến hành khảo sát, xin ý kiến và nghiên cứu cẩn thận trước khi tiến hành các mô hình, các công trình tại khu di tích. Điển hình như tranh tường bích họa tại khu di tích thờ Nguyên phi Ỷ Lan, lễ hội áo dài "Hương sắc tháng 3" tại đền thờ Thánh Gióng, CLB hướng dẫn viên du lịch "Gia Lâm trong tôi"... Khi thực hiện mô hình di tích lịch sử kiểu mẫu, Hội phải phải rà soát rất chặt chẽ và được sự đồng thuận rất cao của ban quản lý di tích cũng như nhân dân. Các hoạt động đều đảm bảo sự tôn nghiêm và giá trị của di tích. Đặc biệt, công tác duy trì vệ sinh môi trường, hướng dẫn du khách được Hội Phụ nữ thường xuyên tổ chức.

Thúc đẩy di tích trở thành nguồn lực văn hóa Thủ đô - ảnh 4
Quang cảnh hội nghị 

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Trần Thị Vân Anh khẳng định: Mô hình tuyên truyền di tích lịch sử văn hóa - điểm đến an toàn, hấp dẫn có vai trò hết sức quan trọng. Hà Nội là địa phương đậm nét văn hóa dân tộc với mấy ngàn năm lịch sử. Các di tích là minh chứng làm cho văn hóa Thủ đô dày hơn, lưu giữ giá trị giáo dục với thế hệ ngàn sau. Đây là nguồn lực văn hóa không địa phương nào có được như Hà Nội. Thời gian qua, trên địa bàn thành phố Hà Nội đã tiến hành nhiều mô hình, tuyên truyền rất tích cực. Tuy vậy, việc tuyên truyền, thực hiện phải thường xuyên, liên tục, đổi mới bằng nhiều hình thức hấp dẫn và thiết thực và có sự lồng ghép giữa các hoạt động với nhau.

Thúc đẩy di tích trở thành nguồn lực văn hóa Thủ đô - ảnh 5
Phó Giám đốc Sở Văn hoá và Thể thao Hà Nội Trần Thị Vân Anh phát biểu tại Hội nghị.

Thời gian tới các địa phương cần đánh giá tổng thể các mô hình tại đơn vị mình, chỉ ra những điểm tốt để phát huy, điểm chưa tốt để khắc phục. Điều này phục vụ cho việc phát triển văn hóa của Thủ đô, đánh thức di sản, phát triển công nghiệp văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh. Điều này cũng là để thể hiện vai trò của ngành văn hóa Thủ đô đóng góp vào sự vươn mình của Hà Nội với kỉ nguyên vươn mình của dân tộc. 

Thành phố cũng chỉ đạo Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội cùng các ban, ngành tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, giám sát. Bên cạnh việc ghi nhận những nỗ lực từ các cấp chính quyền, các hội đoàn thể và ban quản lý di tích nhằm hiện thực hóa việc đưa Quy tắc ứng xử nơi công cộng đi sâu vào cuộc sống, phát huy những kết quả đạt được, đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền và nhân rộng thêm những mô hình di tích kiểu mẫu trong giai đoạn tiếp theo.

Link nội dung: https://dulichgiaitri.vn/thuc-day-di-tich-tro-thanh-nguon-luc-van-hoa-thu-do-a193460.html