Vốn ODA ngành nông nghiệp tập trung xây dựng hạ tầng
Ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ NN&PTNT) cho biết, trong giai đoạn 2021- 2025, tổng vốn vay dự kiến cho các dự án mới đang chuẩn bị khoảng 2 tỷ USD, vốn không hoàn lại khoảng 58 triệu USD, vốn đối ứng 478 triệu USD. Trong đó có 5 dự án đã được cấp thẩm quyền phê duyệt đề xuất dự án với tổng số vốn vay khoảng 750 triệu USD.
Theo ông Tuấn, tỷ lệ vốn ODA trong tổng vố nguồn vốn đầu tư phát triển của Bộ NN&PTNT có thời điểm lên tới gần 50%. Hầu hết nguồn vốn vay ODA thời gian qua được sử dụng cho các dự án đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, hỗ trợ thúc đẩy sản xuất, xoá đói giảm nghèo, cải thiện sinh kế, ứng phó bới biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai... và hỗ trợ xây dựng, hoàn thiện thể chế chính sách, tăng cường năng lực cho ngành từ trung ương tới địa phương.
Tuy nhiên, hạn chế của nguồn vốn này là quá trình chuẩn bị thường kéo dài, thủ tục phức tạp, dẫn đến mất đi tính thời sự, kịp thời, chậm mang lại kết quả đưa vào sử dụng, góp phần làm giảm đi hiệu quả đầu tư. Các chương trình, dự án còn mang tính cục bộ theo phân ngành, lĩnh vực, vùng miền...
"Với chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, thay đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp, tích hợp nhiều giá trị..., dự kiến nhu cầu kế hoạch vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi giai đoạn 2026 - 2030 khoảng 2,46 tỷ USD", ông Tuấn cho biết.
Tại Hội nghị toàn thể Chương trình quốc tế (ISG) 2024 với chủ đề: "Định hướng ưu tiên sử dụng nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi cho ngành NN&PTNT trong giai đoạn 2026-2030" được Bộ NN&PTNT tổ chức (12/6), bà Mariam Sherman, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB) đánh giá, thời gian qua, Việt Nam là hình mẫu khi đạt được những thành công tiêu biểu trong việc sử dụng vốn ODA ưu đãi. Chúng tôi luôn mong muốn nguồn vốn chúng tôi hỗ trợ sẽ giúp các nước tiến lên, chứ không phải dừng tại chỗ, do đó thời gian tới, chúng tôi mong muốn sẽ tiếp tục hỗ trợ các nước đẩy mạnh phát triển, ứng phó biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh cũng như với các cú sốc bên ngoài.
"Việt Nam cũng như các nước sẽ phải có giải pháp ứng phó tốt với những biến đổi đó, giúp người dân cải thiện đời sống, đảm bảo các mục tiêu phát triển bền vững, lâu dài. Đây có thể coi là con đường mới, lộ trình mới giúp người dân Việt Nam đạt được mục tiêu phát triển đầy tham vọng của mình. Chúng tôi rất mong được lắng nghe những giải pháp đưa ra để gắn kết, phối hợp với nhau nhằm có được cách tiếp cận vốn ODA mang tính toàn diện, tổng thể hơn, và WB rất sẵn lòng tham gia triển khai quá trình này theo hướng toàn diện", bà Mariam nói.
Bà Mariam đánh giá, nhu cầu về vốn vay ODA của Việt Nam còn rất lớn, ước tính lên tới khoảng 17 tỷ USD. Nguồn vốn này không chỉ đầu tư vào cơ sở hạ tầng, mà còn đầu tư vào những "phần mềm" như đào tạo, tập huấn kỹ thuật, tăng cường năng lực...
"Trước đây chúng tôi đã đầu tư một dự án rất thành công ở Việt Nam, đó là VnSAT nhằm hỗ trợ mục tiêu phát thải thấp. Gần đây tôi đã đi thăm một số mô hình ở Cần Thơ và có thể nói sự can thiệp của dự án này đã tạo được kết quả rất tích cực. Từ đó chúng tôi mong muốn tìm các yếu tố thành công để hỗ trợ nhiều hơn cho Việt Nam qua các nguồn vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi. WB mong muốn hỗ trợ các giải pháp kỹ thuật để các bạn phát huy hiệu quả cao nhất, thông qua một "gói" bao gồm cả kỹ thuật, phần mềm, chuyên môn", bà Mariam khẳng định.
Vốn ODA giúp thúc đẩy sinh kế ở nông thônÔng Shantanu Chakrabory, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) cũng bày tỏ cam kết hỗ trợ Việt Nam thúc đẩy sinh kế ở nông thôn, cũng như tăng cường khả năng chống chịu ở các khu vực dễ bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu như các khu vực hải đảo, ven biển.
"Ngành nông nghiệp Việt Nam đang phải đối mặt với những thách thức như biến đổi khí hậu, năng suất còn thấp, khả năng tiếp cận tín dụng và thị trường còn yếu, đó sẽ là những vấn đề cần được ưu tiên trong thời gian tới. Ngoài ra, cũng cần quan tâm tới các khu vực dễ bị tổn thương như nông thôn, vùng có tỷ lệ nghèo cao, ven biển và hải đảo, hỗ trợ đề án 1 triệu ha lúa nhằm giảm phát thải; tư vấn chính sách cũng như hỗ trợ Chính phủ Việt Nam trong việc giải quyết các vấn đề về suy thoái đất, cải tạo đất.
Chúng tôi hi vọng sẽ tiếp tục có cam kết hỗ trợ mạnh mẽ thông qua các đối tác kí kết cấp quốc gia với thay đổi cơ cấu, phân cấp mạnh mẽ. ADB cam kết đồng hành và hỗ trợ các địa phương trong thời gian tới, tập trung vào các dự án hỗ trợ quy mô lớn nhằm giúp Việt Nam chuyển đổi thành công mô hình kinh tế của mình", ông Shantanu Chakrabory khẳng định.
Theo Bộ trưởng Bộ N&PTNT Lê Minh Hoan cho biết, trong bối cảnh tình hình thế giới luôn biến động, ngày càng khó lường, phức tạp, nhanh chóng với tác động sâu rộng, mạnh mẽ hơn, nhất là trong một số năm gần đây, đã tác động rất lớn đến việc thực hiện và đạt được những mục tiêu, kế hoạch ngắn hạn, dài hạn của Việt Nam, trong đó có ngành nông nghiệp. Sự biến động đó tạo ra những thách thức to lớn phải giải quyết, trong khi nguồn lực trong nước luôn chưa theo kịp yêu cầu của sự phát triển.
Với mục tiêu xây dựng một nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa theo hướng hiện đại, năng suất chất lượng cao, bền vững, có sức cạnh tranh cao; gắn với bảo vệ môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu, giảm phát thải..., Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh nhu cầu hợp tác với các đối tác quốc tế rất lớn và đa dạng, không chỉ nhu cầu về vốn mà còn rất cần các hỗ trợ kỹ thuật, tăng cường năng lực, kiến thức cho đầu tư phát triển giai đoạn tới. Đặc biệt, mong muốn ngành nông nghiệp có được những khoản vay ODA ưu đãi nhất để đầu tư cơ sở hạ tầng, nâng cao năng lực cộng đồng và các tổ chức nông dân...
Đỗ Hương
Link nội dung: https://dulichgiaitri.vn/su-dung-hieu-qua-nguon-von-trong-thuc-day-phat-trien-nong-nghiep-a193496.html