Giọt nước mắt hạnh phúc trong hành trình "tìm con" của các gia đình quân nhân hiếm muộn

Ôm hai con yêu đang say giấc vào lòng, Đại úy Hoàng Văn Phòng và vợ không giấu nổi sự xúc động khi lần đầu tiên được làm cha làm mẹ.

"Hai trái ngọt" 

Gala “Hạt mầm khát vọng” năm 2024 không chỉ là một chương trình nghệ thuật đặc sắc, một lễ công bố và trao tặng hỗ trợ đơn thuần mà còn là cuộc hội ngộ và trở về nhà - nơi hạnh phúc của các gia đình quân nhân được đơm hoa, kết trái.

Tại đêm Gala, bế trên tay cặp song sinh hơn 1 tháng tuổi, Đại uý Hoàng Văn Phong (SN 1994), công tác tại Sư đoàn 3, Quân khu 1 và cô giáo mầm non Phùng Thị Hằng (SN 1996) ở Lạng Sơn hạnh phúc chia sẻ về những cảm xúc khi lần đầu tiên được làm cha làm mẹ.

Năm 2019, đôi bạn trẻ nên duyên vợ chồng sau quá trình gặp gỡ và tìm hiểu. Những tưởng hạnh phúc sẽ mỉm cười nhưng một năm, hai năm, rồi ba năm, tin vui vẫn chưa đến với gia đình.

Giọt nước mắt hạnh phúc trong hành trình "tìm con" của các gia đình quân nhân hiếm muộn- Ảnh 1.

Đại uý Hoàng Văn Phong và vợ hạnh phúc khi lần đầu làm cha mẹ (Ảnh: Hoàng Bích).

Lúc này, hai vợ chồng quyết định đi khám và tin tưởng vào y học hiện đại sẽ giúp họ sớm có được những đứa con của riêng mình.

Tại Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội sau khi thăm khám, nguyên nhân là do người chồng tinh trùng yếu vì tiền sử quai bị lúc nhỏ và vợ bị polyp buồng tử cung và để có con hai vợ chồng cần can thiệp hỗ trợ sinh sản.

Tuy nhiên, chi phí để thực hiện Thụ tinh trong ống nghiệm là không hề nhỏ với thu nhập của hai vợ chồng, vì thế, đôi vợ chồng trẻ quyết định tạm dừng một thời gian để tích lũy thêm chút vốn liếng.

Trong thời gian đó, thông qua các kênh truyền thông đại chúng, anh Phong biết đến chương trình "Hỗ trợ quân nhân hiếm muộn – Yêu thương lan tỏa" năm 2023 của Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội, vợ chồng anh một lần nữa quyết tâm đến thăm khám, nộp hồ sơ xét duyệt và may mắn trở thành 1 trong 10 gia đình nhận được gói hỗ trợ miễn phí 100% chi phí thực hiện IVF.

Trong quá trình thực hiện, gia đình Đại uý Hoàng Văn Phong luôn được bệnh viện và chỉ huy đơn vị tạo điều kiện tốt nhất để yên tâm điều trị.

Và rồi, niềm hạnh phúc trọn vẹn đã đến sau bao khó khăn, hy vọng rồi lại thất vọng trong hành trình tìm con, "hai trái ngọt" là cặp song sinh bé trai đã chào đời ngày 21/10/2024 trong niềm hạnh phúc vô bờ của gia đình.

"Hạnh phúc lắm không có từ nào có thể diễn tả được khoảnh khắc ôm con vào lòng, hai vợ chồng đã thỏa ước mong được làm cha làm mẹ", đại úy Phong chia sẻ.

Giọt nước mắt hạnh phúc

Còn gia đình Đại úy quân nhân chuyên nghiệp Ngô Văn Cường và Đại uý quân nhân chuyên nghiệp Nguyễn Thị Hạnh đang công tác tại Kho K812, Cục Quân khí, Tổng cục Kỹ thuật xúc động chia sẻ, cách đây 2 năm, trong Gala lần đầu tiên tổ chức, vợ chồng Đại uý Ngô Văn Cường là một trong 10 gia đình được nhận gói hỗ trợ 100% chi phí thực hiện Thụ tinh trong ống nghiệm dành cho quân nhân năm 2022.

Năm đó, hai vợ chồng đã có những chia sẻ về hành trình tìm con đầy gian nan của mình. Với tiền sử sinh non, vỡ tử cung ở lần mang thai trước đó hay những lần thực hiện Thụ tinh trong ống nghiệm thất bại cùng những biến cố gia đình liên tục ập đến khiến anh chị suy sụp cả về thể chất lẫn tinh thần.

Người phụ nữ nhỏ bé ấy đã trở nên chai sạn, dường như mất niềm tin vì "nỗi sợ" của những lần thất bại trước đó. Rất nhiều giọt nước mắt đồng cảm, sẻ chia đã rơi.

Năm 2024, xuất hiện trên sân khấu "Hạt mầm khát vọng" không còn là hình ảnh của 2 vợ chồng với những giọt nước mắt tự ti, tủi thân khi chia sẻ về những gian khó đã trải qua mà thay vào đó là hình ảnh và những giọt nước mắt hạnh phúc của gia đình nhỏ 3 người - anh Cường, chị Hạnh và bé Ngô Bảo Châu 7 tháng tuổi.

Giọt nước mắt hạnh phúc trong hành trình "tìm con" của các gia đình quân nhân hiếm muộn- Ảnh 2.

Giọt nước mắt

Theo lời chia sẻ của cặp vợ chồng, gói hỗ trợ miễn phí của chương trình "Yêu thương lan toả" đã mang đến niềm hy vọng, vực lại tinh thần đang âm ỉ trong hai vợ chồng.

Cứ như thế, họ quay trở lại hành trình tìm con với phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm và tạo được 4 phôi.

Sau ba lần chuyển phôi liên tiếp thất bại và tưởng chừng như mất hết, đến lần thứ 4, một phôi duy nhất và cũng là cuối cùng đã mang đến phép màu cho gia đình.

10 gia đình quân nhân hiếm muộn được hỗ trợ thực hiện IVF miễn phí

"Tiền sử sinh non và vỡ tử cung đó là một trong những khó khăn và đặt ra thách thức rất lớn đối với đội ngũ chuyên môn bệnh viện trong quá trình điều trị cho hai vợ chồng. 

Bên cạnh đó, dự trữ buồng trứng của Hạnh suy giảm làm cho số lượng cũng như chất lượng phôi suy giảm theo, với hai khó khăn rất lớn thì quá trình điều trị sẽ phức tạp hơn và kéo dài hơn trường hợp khác", ThS.BS Lê Thị Thu Hiền - Giám đốc chuyên môn Bệnh viện chia sẻ thêm về trường hợp của vợ chồng Đại úy Ngô Văn Cường.

Link nội dung: https://dulichgiaitri.vn/giot-nuoc-mat-hanh-phuc-trong-hanh-trinh-tim-con-cua-cac-gia-dinh-quan-nhan-hiem-muon-a193744.html