Chiều 11/12, tại Kỳ họp lần thứ 20 HĐND, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu và cử tri quan tâm.
Phát động phong trào "sạch" để xây dựng Thủ đô văn minh, hiện đại
Theo Chủ tịch TP. Hà Nội, nội dung chất vấn tại Kỳ họp đã tập trung đúng và trúng những vấn đề cử tri và Nhân dân quan tâm. Qua đó giúp UBND Thành phố, các sở, ban, ngành và UBND các quận, huyện, thị xã nhận diện rõ hơn những hạn chế, bất cập, yếu kém, đồng thời là cơ sở để phân tích, đánh giá nguyên nhân và đề ra giải pháp tích cực, phù hợp, thích ứng trong tình hình mới.
Làm rõ một số nội dung đại biểu quan tâm, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết, dưới sự lãnh đạo của Thành ủy, sự giám sát của HĐND TP, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP và cả hệ thống chính trị, TP đã hoàn thành 23/24 chỉ tiêu kinh tế - xã hội, có 6 chỉ tiêu vượt kế hoạch. Đây là kết quả hết sức quan trọng và toàn diện, trong bối cảnh cả nước gặp nhiều khó khăn, đặc biệt bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3.
GRDP 9 tháng năm 2024 của Hà Nội tăng 6,12%, dự kiến cả năm đạt khoảng 6,52%. Quy mô GRDP khoảng 58,6 tỷ USD. Thu ngân sách Nhà nước lần đầu tiên vượt 500.000 tỷ đồng, tăng gần 20% so với 2023, chiếm khoảng 28% tổng thu cả nước. GRDP bình quân đầu người ước đạt 163,5 triệu đồng…
Công tác quản lý, chỉnh trang và phát triển đô thị chuyển biến tích cực. Các công trình lớn được hoàn thành, trong đó điển hình là vận hành dự án đường sắt đô thị trên cao trong năm 2024.
Đặc biệt, Hà Nội tập trung nguồn lực để thực hiện đầu tư xây dựng đủ 18 cầu vượt sông Hồng. Trong đó, đã đầu tư xây dựng 8 cầu và cải tạo cầu Long Biên; sẽ tiếp tục xây dựng mới 9 cầu. Hiện nay, đã phê duyệt dự án đầu tư xây dựng thêm 3 cầu (Hồng Hà, Mễ Sở, Vân Phúc).
Thành phố đồng thời đang tập trung chỉ đạo để sớm quyết định chủ trương đầu tư đối với 3 cầu gồm: cầu Tứ Liên, cầu Trần Hưng Đạo và cầu Ngọc Hồi.
Quyết tâm cải thiện môi trường
Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết, Hà Nội cũng quyết tâm cải thiện môi trường.
Cụ thể, về nước sạch, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội khẳng định đến năm 2025, Hà Nội có 100% mạng lưới nước sạch đến tất cả xã, phường, thị trấn.
Về môi trường, Thành phố phấn đấu trước ngày 2/9/2025 sẽ bổ cập nước cho Hồ Tây; trên cơ sở đó tạo đà làm "sống lại" các dòng sông nội đô.
Theo Chủ tịch UBND TP Trần Sỹ Thanh, Hà Nội sẽ phát động phong trào "sạch" của TP để xây dựng Thành phố văn minh, hiện đại, đặc biệt là trong các quận nội đô lịch sử; làm sao để sạch từ ý thức đến hành động của từng người dân.
Ngoài ra, sau khi có Luật Thủ đô, Thành phố sẽ triển khai đồng bộ các giải pháp để làm sạch môi trường. Trong đó, sẽ có cơ chế phối hợp với doanh nghiệp sản xuất xe để hỗ trợ người dân đổi xe cơ giới chạy bằng xăng sang điện…
Về cải cách hành chính, Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho rằng công tác này có sự chuyển biến tích cực. "Tuy nhiên, cải cách hành chính, chuyển đổi số của TP mới chuyển đổi đơn thuần từ quy trình thủ công sang quy trình số chứ chưa thực sự cải cách quy trình nội bộ khi số hóa. Đây là việc cần nghiên cứu để triển khai, có như vậy cải cách mới thực sự mang lại hiệu quả" - Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh nói.
Theo Chủ tịch UBND TP Hà Nội, công tác an sinh xã hội của Hà Nội được đảm bảo. Thành phố đã làm rất tốt công tác chăm lo cho các đối tượng chính sách, đặc biệt là dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô; xóa toàn bộ nhà dột nát cho người nghèo, hộ cận nghèo. Đối với những hộ dân không thể thoát nghèo đã giao Sở LĐTB&XH có cơ chế chuyển sang đối tượng bảo trợ xã hội.
Phấn đấu cao nhất trong năm 2025 để đạt mục tiêu cả nhiệm kỳ
Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh cũng thẳng thắn nhìn nhận một số chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội theo kế hoạch 5 năm sẽ khó thực hiện; trong đó chỉ tiêu khó thực hiện nhất là chỉ tiêu tăng trường kinh tế không đạt như mong muốn. Đây cũng là bối cảnh chung của cả nước, trong tình hình dịch bệnh COVID-19 kéo dài, một loạt các biến động khác làm ảnh hưởng đến sức lao động, hiệu quả công việc…
Những điều này ảnh hưởng đến các chỉ tiêu còn lại như năng suất lao động, thu nhập bình quân đầu người. Nhưng Hà Nội dứt khoát không điều chỉnh mà sẽ quyết tâm, phấn đấu cao nhất trong năm 2025 để cả nhiệm kỳ cao nhất có thể, tạo nền tảng tốt cho nhiệm kỳ sau.
Về vấn đề cải tạo chung cư cũ, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho rằng đây là vấn đề nhức nhối nhất của Hà Nội trong năm qua.
Nêu những khó khăn trong nguồn vốn quy hoạch, Chủ tịch UBND TP Hà Nội cũng chỉ ra đến nay chưa có quận, huyện nào hoàn thành công tác quy hoạch chi tiết các khu cải tạo chung cư cũ.
Ở một số nơi như quận Ba Đình, quận Đống Đa đã vận động được người dân di dời ra khỏi khu chung cư cũ nhưng vẫn chưa xây được vì chưa có kế hoạch. TP cố gắng trong quý I/2025, tất cả các quận, huyện có chung cư cũ phải phê duyệt xong quy hoạch.
Ngoài ra, Thành phố mới kiểm định được 50% chung cư cũ, chúng ta phải kiểm định hết để tập trung tuyên truyền người dân di dời thì mới tiến hành cải tạo được.
Về công tác phòng cháy chữa cháy, Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho rằng TP đang triển khai rất quyết liệt vấn đề này. Trong năm 2024, các lực lượng chức năng đã đi rà soát thống kê các nhà trọ không đảm bảo điều kiện phòng cháy chữa cháy. Chủ tịch UBND Thành phố cũng nhấn mạnh, dù khó khăn đến mấy cán bộ cũng phải làm hết trách nhiệm, rà soát từng hộ kinh doanh để giảm thiểu thiệt hại do cháy nổ.
Gia Huy
Link nội dung: https://dulichgiaitri.vn/ha-noi-thu-ngan-sach-lan-dau-tien-vuot-500000-ty-dong-a193885.html