Mới đây, Hội đồng Tư vấn Du lịch (TAB) và Ban Nghiên cứu Phát triển Kinh tế Tư nhân (Ban IV) đã gửi đề xuất lên Thủ tướng Chính phủ về các rào cản Y tế gây trở ngại cho du khách Quốc tế vào Việt Nam.
Văn bản nêu rõ: Liên quan đến phản hồi của Bộ Y tế về các điều kiện áp dụng cho du khách quốc tế và các khuyến cáo của Bộ, chúng tôi hết sức lo ngại là các yêu cầu về xét nghiệm Covid đối với du khách trước khi nhập cảnh và các thủ tục xét nghiệm sau đó sẽ vô cùng bất lợi và làm giảm rất đáng kể số lượng du khách muốn đến Việt Nam. Điều đó sẽ đặt Việt Nam vào tình thế rất bất lợi khi phải cạnh tranh với các nước khác để thu hút đầu tư nước ngoài và du khách quốc tế. Ngoài ra, các đề xuất này thể hiện sự phân biệt đối xử không nên có đối với du khách quốc tế về các điều kiện xét nghiệm và cách ly cao hơn nhiều so với người Việt Nam đi lại nội địa. Chúng cũng trái với chỉ đạo của Chính phủ về thích ứng với Covid và các xu thế trên thế giới.
Do đó, Hội đồng Tư vấn Du lịch (TAB) và Ban Nghiên cứu Phát triển Kinh tế Tư nhân (Ban IV) đã gửi 4 khuyến nghị tới Thủ tướng Chính phủ: Đầu tiên là loại bỏ các yêu cầu xét nghiệm trước khi bay và ngay khi đến, tất cả du khách quốc tế và du khách nội địa được đối xử giống nhau. Thứ 2 là cần làm rõ các chứng chỉ tiêm vắc-xin đang trong thời hạn chưa quá 6 tháng kể từ mũi tiêm cuối cùng và chấp nhận hầu hết các loại chứng chỉ.
Thứ 3 là trẻ em dưới 12 tuổi được đối xử giống như bố mẹ, nghĩa là nếu bố mẹ có chứng chỉ tiêm vắc-xin còn hiệu lực thì trẻ em đi cùng được phép nhập cảnh không cần phải xét nghiệm và có chứng chỉ tiêm vắc-xin. Thứ 4 là tất cả du khách có kết quả xét nghiệm dương tính sau khi nhập cảnh chỉ cần được cách ly tại khách sạn hoăc nơi cư trú cho đến khi có kết quả xét nghiệm âm tính như đang áp dụng với du khách nội địa.
Ông Hoàng Nhân Chính, Trưởng Ban Thư ký Hội đồng Tư vấn Du lịch (TAB), cho biết những điều kiện Bộ Y tế đưa ra là rất khó khăn cho khách du lịch. Và nếu đề xuất này được thông qua, 90% người có ý định đi du lịch Việt Nam sẽ chọn ở nhà hoặc tìm một điểm đến khác thoải mái hơn.
"Quan điểm của tôi là ủng hộ đề xuất của Bộ VH,TT&DL. Những quy định cách ly, xét nghiệm dày đặc là không ổn, phải thoải mái, khách mới đi du lịch", ông Chính nói.
Ông Lương Hoài Nam, thành viên Hội đồng Tư vấn Du lịch (TAB) chia sẻ thêm: "Nếu Việt Nam mở cửa có những quy định ở tại nơi lưu trú 72 giờ và phải xét nghiệm hàng ngày sẽ không có khách. Chúng ta đã mở cửa thì cần theo thông lệ thế giới và cần có tính cạnh tranh. Quy định chặt chẽ với khách quốc tế là sai lầm khiến nhiều điểm đến khác trên thế giới kém hấp dẫn, điều mà Việt Nam nên tránh".
Ông Nam cũng bày tỏ lo lắng khi chỉ còn vài ngày nữa sẽ tới mốc mở cửa du lịch (15/3). Ông cho rằng nếu các chính sách chưa rõ ràng và còn nhiều điều kiện thì doanh nghiệp hàng không, du lịch chưa dám đầu tư tiền bạc, công sức để xúc tiến tới các thị trường.
"Sau Covid-19, các thị trường khách đang xáo trộn, đặc biệt chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraina khiến tình hình càng khó đoán. Tuy nhiên quan điểm của TAB là các nước trong khu vực đã mở cửa rồi thì Việt Nam cũng nên mở với các điều kiện đơn giản để thu hút du khách", ông chia sẻ.
Sau khi nhận được khuyến nghị, Văn phòng Chính phủ đã gửi thư trên tới Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì nghiên cứu, xử lý.
Trước đó, vào ngày 25/2, TAB cũng đã gửi thư cho ông Nguyễn Văn Hùng - Bộ trưởng Bộ VH,TT&DL về Thực trạng chính sách thị thực của Việt Nam và một số chính sách đề xuất nhằm cải thiện chính sách thị thực.
Theo đó đơn vị này đề xuất Bộ VH,TT&DL cần làm gấp một số lưu ý trước ngày 15/3 như: Gia hạn thời gian 3 năm miễn thị thực đơn phương cho công dân các nước: Vương quốc Anh, Cộng hoà Liên bang Đức, Cộng hoà Italia, Cộng hoà Pháp, Vương quốc Tây Ban Nha. Đồng thời, cho phép công dân của 5 quốc gia Tây Á nói trên kéo dài thời hạn tạm trú tại Việt Nam lên 30 ngày kể từ ngày nhập cảnh. Cục Quản lý xuất nhập cảnh nên nhanh chóng mở trang web về xuất nhập cảnh Việt Nam mà không đợi đến ngày 15/3 để khách có thể đăng lý thị thực điện tử ngay.
Bên cạnh đó, TAB cũng đề xuất tiếp tục cải thiện chính sách thị thực của Việt Nam bao gồm: Mở rộng thêm danh sách miễm thị thực cho công dân các quốc gia Úc, New Zeland, Canada và Thuỵ Sĩ. Gia hạn thời gian 3 năm miễn thị thực đơn phương từ ngày 1/1/2023 cho công dân các nước: Hàn Quốc, Nhật Bản, Nga, Thuỵ Điển, Đan Mạch, Na Uy, Phần Lan và Belarus. Bổ sung danh sách các nước được cấp thị thực điện tử như Đài Loan, Isarel, Nam Phi, Thổ Nhĩ Kỳ, Ukraina, Sri Lanka, Bangladesh, Pakistan và tất cả các quốc gia châu Âu chưa được miễn thị thực nhập cảnh. Đẩy mạnh hoạt động truyền thông, quảng bá quốc tế về quyết định mở cửa du lịch quốc tế tại Việt Nam cũng như các "điểm nhấn chính sách" để thu hút du khách, bao gồm các chính sách về miễn thị thực, thị thực điện tử.
Theo đó, TAB cũng cam kết, trong trường hợp được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ủng hộ các chính sách cởi mở về thị thực để tạo cú hích cho ngành du lịch sau đại dịch, các doanh nghiệp thành viên TAB cùng các đối tác chiến lược sẽ ưu tiên nguồn lực để cùng Bộ VH,TT&DL, các Bộ ngành liên quan xây dựng và triển khai hiệu quả các chương trình, chiến dịch quảng bá du lịch Việt Nam ra quốc tế.
Hiện tại, Bộ Y tế cũng đang có đề xuất người nhập cảnh không cần có xác nhận đã tiêm chủng vắc-xin Covid-19 hoặc từng là F0 khỏi bệnh.
Đinh Lạc Thành
Link nội dung: https://dulichgiaitri.vn/xet-nghiem-day-dac-la-khong-on-phai-thoai-mai-khach-moi-di-du-lich-a19399.html